Người dùng ô tô điện gặp khó khi ở chung cư

Lâm Tùng | 09:10 12/10/2022

Người dùng xe điện tại Việt Nam đang gặp khó khăn về việc sạc điện, đặc biệt khi ở các khu chung cư.

Người dùng ô tô điện gặp khó khi ở chung cư
Trạm sạc xe điện của Vinfast tại tầng hầm chung cư.

Nhiều cư dân khu đô thị đặt câu hỏi về an toàn cháy nổ khi lắp trạm sạc xe điện ở tầng hầm chung cư, số khác không hài lòng khi các trạm sạc điện trên mặt đất đang chiếm không gian sử dụng chung. Doanh nghiệp và chuyên gia cũng thừa nhận việc lắp đặt trạm sạc xe điện không dễ, một số giải pháp hiện nay chỉ mang tính tạm thời.

Cần trạm sạc nhưng lo ngại tính an toàn cho chung cư

"Chung cư này có nhiều người dùng xe ô tô điện không và mọi người sạc như thế nào?" là câu hỏi nhiều khách hàng đặt cho Anh Tú - môi giới chung cư khu vực Tây Hồ, TP Hà Nội.

Anh Tú cho biết không ít người mua nhà quan tâm đến hạ tầng cho xe điện bởi họ đang hoặc có kế hoạch sử dụng loại phương tiện này. Anh Tú cũng chia sẻ một số khách hàng từ chối mua nhà tại các chung cư không có trạm sạc vì không đáp ứng được nhu cầu.

Tại dự án Ha Noi Melody Residences (quận Hoàng Mai), môi giới Lê Ngân cho biết gần đây, một số khách hàng đặt câu hỏi về trạm sạc xe điện tại chung cư. Tuy nhiên, theo người này, chủ đầu tư chưa có thông tin chính thức về vấn đề nói trên và môi giới thường giới thiệu cho khách hàng những trạm sạc gần đó để xem xét, cân nhắc.

“Chung cư chưa đi vào vận hành nên chưa có thông tin chính thức, thông thường chủ đầu tư sẽ dựa vào nhu cầu thực tế của cư dân để quyết định lắp trạm sạc khi dự án đã hoạt động ổn định”, Lê Ngân nói.

Tuy nhiên, ngay cả với dự án đã hoạt động ổn định, khi cư dân có nhu cầu thực, thì việc tìm kiếm vị trí phù hợp để lắp sạc điện cũng là điều khó khăn với các chủ đầu tư hay tổ chức vận hành. 

Một số chung cư, khu đô thị hiện nay đang nổi lên tranh cãi giữa cư dân và ban quản lý khi cư dân cho rằng vị trí lắp đặt trạm sạc là không hợp lý, lấn chiếm đường đi của các phương tiện giao thông khác… Ngoài ra, việc lắp trạm sạc dưới tầng hầm để xe cũng khiến nhiều cư dân lo lắng về an toàn cháy nổ, đặc biệt khi Việt Nam vẫn chưa đề ra những tiêu chuẩn phòng tránh cháy nổ đặc thù liên quan đến trạm sạc xe điện. 

310823143_410653087934937_3673156129815979862_n.jpg
Phương án lắp trạm sạc dọc tuyến đường nội khu khu đô thị bị nhiều cư dân phản đối. Ảnh: QTV

Về mặt quy định, khi chủ đầu tư hoặc ban quản lý tòa nhà muốn lắp đặt trạm sạc, cần nhận được sự chấp thuận của các cơ quan chức năng sau khi duyệt thiết kế thi công phòng cháy chữa cháy, đồng thời được cư dân đồng thuận. 

Tại một số khu dân cư, việc lắp đặt đành phải tạm dừng khi chính quyền địa phương có văn bản không đồng ý. Một số cộng đồng cư dân thậm chí gửi đơn thư phản đối lên chính quyền địa phương để gây sức ép cho doanh nghiệp. 

Thế khó của doanh nghiệp

Trạm sạc xe điện là một loại tiện ích tại các khu đô thị, khi xu hướng sử dụng xe điện (xe máy, xe đạp và ô tô) đang dần gia tăng. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn khi triển khai lắp đặt. 

Tốc độ phát triển xe điện tại Việt Nam được đánh giá là khá nhanh, do dân số trẻ, dễ tiếp nhận các xu hướng tiêu dùng mới. Tuy nhiên, xe xăng vẫn đang là phương tiện áp đảo. 

Bà Trần Minh Ái, Giám đốc Cấp cao Bộ phận Quản lý Bất động sản Savills Việt Nam cho biết, tại các dự án do Savills quản lý, phương tiện sử dụng điện chỉ chiếm khoảng 2-3%/dự án và đa số là xe máy điện, xe đạp điện, còn xe hơi chiếm tỉ lệ rất nhỏ. 

Cũng theo chuyên gia này, dù tỉ lệ sử dụng phương tiện dùng nhiên liệu xanh còn rất thấp song nhu cầu về trạm sạc tại các khu dân cư là hoàn toàn có thật.

Đại diện Savills cho biết công ty hiện có 2 giải pháp để đáp ứng nhu cầu sạc phương tiện sử dụng điện nói chung tại các dự án do đơn vị này quản lý. 

Thứ nhất là tìm hiểu, hợp tác với các đơn vị cung cấp về trạm sạc trên thị trường. Các đơn vị này sẽ hỗ trợ thiết bị đảm bảo an toàn điện, đóng ngắt điện, chống cháy nổ hay các phần mềm cần đăng ký cho hoạt động tự ngưng khi sạc đầy, tính chi phí sạc.

Thứ hai, Savills đang tự tổ chức bố trí thêm điểm sạc trong các dự án. Những điểm sạc này được quy hoạch tại các khu vực rộng và đặc biệt là cách xa phương tiện sử dụng xăng. 

Khu vực được lựa chọn có thể ở khu vực gần sảnh hoặc sau lưng tòa nhà thay vì bố trí dưới hầm. Các điểm sạc cũng đảm bảo những yêu cầu về kỹ thuật an toàn điện, phòng chống cháy nổ và trong tầm quan sát 24/7 của lực lượng nhân viên, ban quản lý. Tuy nhiên, cách làm này vẫn chỉ là giải pháp tạm thời và đòi hỏi một hệ thống quản lý về việc tự ngắt khi sạc đầy hay tính tiền sạc để đảm bảo tất cả người dân có sử dụng xe điện có thể sử dụng luân phiên.

“Chúng tôi hy vọng thời gian tới sẽ có những quy định, hướng dẫn rõ ràng để cư dân có một khu vực sạc an toàn và hợp pháp. Chúng tôi cũng mong muốn có sự tham gia của một đơn vị chuyên nghiệp trong lĩnh vực sạc xe điện”, bà Ái chia sẻ.

Trả lời Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) hồi tháng 6, bà Phan Thị Thuỳ Dương, Giám đốc phát triển trạm sạc pin VinFast thừa nhận một trong những khó khăn của doanh nghiệp này khi triển khai lắp trạc sạc là vấp phải sự phản đối của cư dân.

“Dù các trạm chiếm diện tích rất nhỏ và rất thuận lợi ở các bãi đỗ xe, nhưng ngay trong các khu đô thị, cư dân còn phản đối việc lắp trạm sạc do lo ngại bị chiếm mất chỗ để xe xăng; có những điểm có mặt bằng để lắp đặt trạm sạc, nhưng hệ thống lưới điện không đáp ứng được, phải kéo đường dây từ những trạm xa, làm phát sinh chi phí”, TTXVN dẫn lời đại diện Vinfast.

 

Bài liên quan

(0) Bình luận
Người dùng ô tô điện gặp khó khi ở chung cư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO