Người dân được quyền góp ý kiến sửa Luật Đất đai như thế nào?

Hải Nam | 20:50 13/12/2022

Từ ngày 3/1 đến 15/3/2023, người dân có thể đóng góp ý kiến vào dự án Luật Đất đai sửa đổi bằng văn bản, tham gia hội nghị, hoặc qua các cổng thông tin điện tử.

Người dân được quyền góp ý kiến sửa Luật Đất đai như thế nào?

Chiều 13/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua dự thảo Nghị quyết việc lấy ý kiến nhân dân về Luật Đất đai sửa đổi.  Việc lấy ý kiến sẽ được tiến hành từ ngày 3/1 đến hết ngày 15/3/2023. 

Đối tượng lấy ý kiến gồm người Việt Nam trong và ngoài nước; bộ, ngành; TAND tối cao; VKSND tối cao; Kiểm toán Nhà nước, cơ quan Nhà nước ở địa phương, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức nghề nghiệp, trường đại học, viện nghiên cứu...

Việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân thông qua các hình thức sau: Góp ý trực tiếp bằng văn bản; tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm; thông qua Cổng thông tin điện tử của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các các cơ quan thông tấn báo chí; điều tra xã hội học về nội dung chính sách và tác động các chính sách trong dự thảo Luật...

Nội dung lấy ý kiến về toàn bộ dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và các vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân được dư luận quan tâm. Cụ thể, việc lấy ý kiến nhân dân tập trung vào nguyên tắc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất; trường hợp, tiêu chí, điều kiện thu hồi đất; việc lập và thực hiện khu tái định cư; hình thức lấy ý kiến và trách nhiệm tổng hợp, tiếp thu, giải trình khi làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng; nguyên tắc áp dụng pháp luật; quyền và trách nhiệm của Nhà nước với vai trò đại diện chủ sở hữu về đất đai; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; cơ chế, chính sách tài chính, giá đất; đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận và các thủ tục hành chính, dữ liệu, thông tin đất đai...

Về hình thức góp ý, người dân có thể gửi ý kiến trực tiếp bằng văn bản; tham gia góp ý tại hội nghị, hội thảo, tọa đàm; thông qua Cổng thông tin điện tử của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường; cơ quan thông tấn báo chí. Thời gian lấy ý kiến đã tăng 15 ngày so với đề xuất của Chính phủ.

Ý kiến đóng góp của nhân dân phải được tổng hợp đầy đủ, chính xác, khách quan và được nghiên cứu, tiếp thu, giải trình nghiêm túc để hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và báo cáo Quốc hội.

Ủy ban Kinh tế (cơ quan chủ trì thẩm tra) phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tổng hợp, giải trình tiếp thu các ý kiến góp ý và chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).


(0) Bình luận
Người dân được quyền góp ý kiến sửa Luật Đất đai như thế nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO