Nghĩa trang hết đất, Trung Quốc chọn giải pháp an táng trên biển: “Một trăm lễ lạy sau khi chết cũng không bằng nửa ngày có tình có nghĩa với nhau khi còn sống”

Minh Phương | 20:04 24/04/2023

Xiao Hu chưa bao giờ nghĩ mình sẽ kiếm sống từ cõi chết.

Nghĩa trang hết đất, Trung Quốc chọn giải pháp an táng trên biển: “Một trăm lễ lạy sau khi chết cũng không bằng nửa ngày có tình có nghĩa với nhau khi còn sống”

Trong nhiều năm, Xiao Hu làm cho công việc kinh doanh của gia đình, cung cấp các tour du lịch bằng thuyền cho khách đến thăm Chu San – một quần đảo ngoài khơi bờ biển phía đông của Trung Quốc.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, vị trí gần biển và những ngọn đồi rải rác của núi Phổ Đà bắt đầu thu hút một nhóm khách hàng khác ngoài khách du lịch. 

Lần đầu tiên có một khách hàng yêu cầu sử dụng thuyền của cô để rải hài cốt xuống biển, Xiao Hu đã từ chối. Cô cảm thấy không thoải mái lắm khi nghĩ về việc có một người đã khuất trên thuyền.

“Nhưng một cụ già cũng là một Phật tử theo Thiền tông cứ hỏi liệu chúng tôi có thể an táng cho ông ấy trên biển không. Vậy nên, sau một hồi cân nhắc, tôi quyết định biến mong muốn của ông ấy thành hiện thực,” cô nói.

Vào tháng 3/2022, Xiao Hu bỏ công việc kinh doanh của gia đình để thành lập công ty riêng, gia nhập vào làn sóng an táng trên biển đang gia tăng. Cô thường ra biển 2 hoặc 3 lần một tuần, nhưng vào những thời điểm bận rộn, Xiao Hu có thể đi tới 30 chuyến một tháng.

Sau khi Cựu chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân chọn rải tro cốt của mình xuống cửa sông Dương Tử vào tháng 12, các yêu cầu đối với công ty của Xiao Hu đã tăng hơn gấp ba lần.

Hầu hết người Trung Quốc không phải là Phật tử. Trong một nền văn hoá thờ cúng tổ tiên, chôn cất trên đất có bia mộ được coi là một phần quan trọng trong các nghi thức cuối cùng của một người. Việc chăm sóc những địa điểm đó là một cách cơ bản để thể hiện lòng hiếu thảo đối với những người đã khuất.

Nhưng trong những năm gần đây, quá trình đô thị hoá nhanh chóng và dân số già đã khiến những mảnh đất để làm mồ mả ngày càng khan hiếm và có giá lên tới hơn 100.000 nhân dân tệ (14.550 USD).

Các nhà chức trách ở Thượng Hải dự đoán rằng dựa trên xu hướng chôn cất hiện tại, không gian nghĩa trang sẵn có sẽ cạn kiệt trong vọng 15 năm.

24-4-1.jpg

Ảnh: The Guardian

Chính phủ đã bắt đầu khuyến khích mọi người lựa chọn những nơi an nghỉ cuối cùng khác khi nghĩa trang quá đông đúc. Theo Bộ Nội vụ, vào năm 2021, tỷ lệ hoả táng đạt gần 59%, tăng từ 47% vào năm 2015. Nhưng những hũ tro cốt vẫn được chôn cất ở những khu mộ trang trọng.

Vì vậy, một số chính quyền địa phương đã bắt đầu trao phần thưởng bằng tiền mặt cho những người chọn an táng người thân của mình trên biển hoặc chôn cất tro cốt của họ theo cách “sinh thái”, chẳng hạn như trong các thùng nhỏ có thể phân huỷ sinh học.

Truyền thông nhà nước cũng bắt đầu phổ biến thuật ngữ houyang bozang, nghĩa là “chăm sóc dày, tang mỏng”, ý chỉ lòng hiếu thảo nên được thể hiện một cách tốt nhất. “Một trăm lễ lạy sau khi chết cũng không bằng nửa ngày có tình có nghĩa với nhau khi còn sống,” một người nói.

Tại Tô Châu, một thành phố trên bờ biển phía đông của Trung Quốc, văn phòng dân sự đã thuê một con tàu để đưa 190 người mới mất ra biển để an táng tập thể, theo một báo cáo được chính quyền địa phương công bố.

Đối với những người chọn an táng riêng, chẳng hạn như thuê công ty của Xiao Hu, chi phí có thể lên tới 10.000 nhân dân tệ hoặc gần gấp đôi nếu có nhiều thành viên trong gia đình muốn tham dự. Nhưng cách này vẫn rẻ hơn nhiều so với chôn cất trên đất liền.

Tuy nhiên, Xiao Hu phát hiện ra một vấn đề trong lần đầu tiên tổ chức tang lễ trên biển: Tro cốt có thể sẽ bay khắp nơi. Vì vậy, cô bắt đầu cung cấp những chiếc bình có thể phân huỷ mà thân nhân của người đã khuất có thể thả xuống biển, đưa người đã ra đi chìm sâu dưới những con sóng.

Tham khảo The Guardian


(0) Bình luận
Nghĩa trang hết đất, Trung Quốc chọn giải pháp an táng trên biển: “Một trăm lễ lạy sau khi chết cũng không bằng nửa ngày có tình có nghĩa với nhau khi còn sống”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO