Mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân, trong đó định hướng 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm tạo xung lực mới, khí thế mới đưa "động lực quan trọng nhất" của nền kinh tế phát triển bứt phá thời gian tới.
Đánh giá về Nghị quyết này, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng cho rằng, khu vực kinh tế tư nhân (KTTN) đã hình thành và phát triển qua nhiều năm, qua nhiều giai đoạn của lịch sử. Đến nay, khu vực KTTN đang đóng góp khoảng 50% GDP của cả nước, hơn 30% thu ngân sách nhà nước và đặc biệt là giải quyết được hơn 82% lao động trên cả nước.
Tuy nhiên, một số mục tiêu đặt ra vẫn chưa đạt được, đơn cử như đến năm 2025 phải đạt được 1,5 triệu doanh nghiệp, nhưng đến năm 2024 mới đạt gần 1 triệu doanh nghiệp và hơn 5 triệu hộ kinh doanh. Bên cạnh đó, chất lượng cũng chưa đảm bảo. Quy mô, tiềm lực, năng lực của các doanh nghiệp còn hạn chế về công nghệ, đổi mới sáng tạo, vốn và nhân lực đều rất hạn chế. Việt Nam chưa có các tập đoàn lớn mang tính dẫn dắt nền kinh tế, chưa có doanh nghiệp lọt vào top 500 doanh nghiệp hàng đầu thế giới.
Tỉ lệ doanh nghiệp thành lập nhưng sau đó rút lui khỏi thị trường trên tổng số doanh nghiệp thành lập mới còn rất cao, cao hơn các nước khác. Tỉ lệ doanh nghiệp trên 1.000 dân của nước ta cũng thấp hơn Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore. Chúng ta chỉ ngang bằng với Philippines, khoảng 9,4 doanh nghiệp trên 1.000 dân, cho thấy về số lượng cũng như chất lượng, đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân chưa tương xứng.
Phó Thủ tướng đã nêu những nguyên nhân, trong đó hệ thống thể chế còn nhiều vướng mắc, thủ tục còn rườm rà, chi phí tuân thủ cao, công tác thanh tra, kiểm tra còn nặng nề, định kiến, thành kiến với khu vực doanh nghiệp tư nhân khiến niềm tin bị thu hẹp, doanh nghiệp không mạnh dạn đầu tư dù năng lực, nguồn lực còn rất lớn. Vai trò, tiềm năng, nội lực của khu vực này chưa được phát huy tương xứng.
Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng, hiện nay, tình hình thế giới diễn biến rất nhanh, phức tạp, khó lường, đòi hỏi các nước phải tái cấu trúc nền kinh tế. Ở trong nước, sau 40 năm đổi mới, Việt Nam cũng đứng trước yêu cầu mới, phải phát triển nhanh, bền vững hơn để thu hẹp khoảng cách với các nước; đạt mục tiêu phát triển của kỷ nguyên mới, hướng đến hai mục tiêu 100 năm (năm 2030 – kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và năm 2045 – 100 năm thành lập nước).
Xuất phát từ những vấn đề kể trên, Bộ Chính trị chủ trương ban hành một Nghị quyết mới. Mục tiêu cốt lõi của Nghị quyết là tháo gỡ các điểm nghẽn, giải phóng các nguồn lực còn đang bị kìm hãm, loại bỏ các rào cản đang tồn tại, để khu vực kinh tế tư nhân có thể phát triển một cách lành mạnh, mạnh mẽ hơn và đóng góp ngày càng nhiều hơn vào sự phát triển chung của đất nước trong kỷ nguyên mới.
Nói về những điểm nổi bật của Nghị quyết này, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng cho biết, đó là thay đổi trong quan điểm và nhận thức về vai trò, vị trí của khu vực KTTN.
Tiếp theo, chúng ta cũng mạnh dạn trao lại những quyền chính đáng cho doanh nghiệp, bảo đảm các quyền cơ bản như quyền sở hữu tài sản, quyền tự do kinh doanh, quyền cạnh tranh bình đẳng, quyền được tiếp cận một cách công bằng với các nguồn lực của đất nước.
“Trước đây, doanh nghiệp được coi như một đối tượng để quản lý, nhưng bây giờ, chúng ta xác định doanh nghiệp tư nhân là đối tác để cùng với Nhà nước tham gia kiến tạo, phát triển đất nước”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Có thể thấy đây là một cuộc cách mạng về tư duy và thể chế, dẫn đến những thay đổi rất lớn. Ví dụ như chủ trương bỏ cơ chế "xin – cho", từ bỏ tư duy "không quản được thì cấm" – một tư duy an toàn nhưng kìm hãm sự phát triển. Trước đây, đôi khi chúng ta tự tạo ra những rào cản, rồi sau đó lại tháo gỡ và coi đó là cải cách, đổi mới.
Bên cạnh đó, chúng ta đã mạnh dạn chuyển từ cơ chế "tiền kiểm" sang "hậu kiểm". Đây là những thay đổi rất lớn về thể chế. Thay vì quản lý theo "hình nón ngược", siết chặt đầu vào nhưng lỏng lẻo đầu ra, chúng ta học tập kinh nghiệm các nước, làm theo "hình chiếc phễu”. Đó là tạo điều kiện cho đầu vào thông thoáng, tự do, nhưng quản lý đầu ra rất chặt chẽ bằng các công cụ, tiêu chuẩn, quy chuẩn, tăng cường giám sát, kiểm tra. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp giảm bớt khó khăn khi gia nhập thị trường, giảm chi phí và thời gian.