Tại Diễn đàn: “Tái định vị doanh nghiệp để phát triển bền vững” vừa mới diễn ra, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề cập đến khả năng phát triển lực lượng doanh nghiệp tư nhân trong thực tiễn hiện nay và giải pháp xử lý.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, trong thời gian qua, kinh tế khó khăn từ quý 4/2022, tốc độ suy giảm trong tăng trưởng xuất khẩu nhiều ngành hàng và tỷ lệ thất nghiệp tăng cao khi nhiều công ty bắt đầu sa thải lao động. Nhìn vào một số lĩnh vực như các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài năm 2022, mặc dù vốn thực hiện có tăng, nhưng vốn đăng ký mới lại có dấu hiệu giảm.
Một trong các vấn đề chính sách kém hấp dẫn các doanh nghiệp tư nhân có thể kể đến như việc chuyển đổi tư duy quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm chưa thực sự mạnh mẽ. Việc áp dụng quản lý rủi ro trong thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp mới chỉ được thực hiện trong lĩnh vực thuế và hải quan, chưa được mở rộng ra các lĩnh vực khác.
Đơn cử như các doanh nghiệp kinh doanh đồ uống có cồn, việc thanh kiểm tra chỉ quản lý được những doanh nghiệp lớn nộp thuế đầy đủ, còn 50-60% thị phần là do những cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ không có nhãn mác, không có đăng ký vẫn chưa được chú trọng. Vì vậy cơ chế quản lý hiện nay vẫn chưa đảm bảo một môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch cho các đối tượng kinh doanh.
"Nền kinh tế của một đất nước chỉ có thể phát triển vững mạnh nếu có khu vực kinh tế tư nhân trong nước vững mạnh. Chính vì thế, một số chính sách cần phải khơi thông", ông Đậu Anh Tuấn khẳng định, .
Về cải cách thủ tục hành chính và điều kiện đầu tư kinh doanh, ông Tuấn cho biết, một số ngành đang có dấu hiệu chững lại, chưa có sự đột phá mạnh về cơ chế quản lý kinh doanh có điều kiện, vẫn nặng cơ chế tiền kiểm, ít liên thông thủ tục hành chính, ít thủ tục cấp độ 4.
Theo góc nhìn của ông Tuấn, các cơ quan hành chính còn có những mối quan tâm khác và cho rằng cải cách thủ tục hành chính và cắt giảm thủ tục chưa phải là trọng tâm chính sách.
Ngoài ra, tính ổn định và dự đoán được của pháp luật và việc thực thi pháp luật còn thấp.
"Đối với doanh nghiệp, khi kinh doanh đều có bất trắc, rủi ro, thì cơ chế để giải quyết tranh chấp thương mại hiện chưa đạt được như kỳ vọng. Giao dịch kinh tế dân sự đã chuyển từ truyền thống sang hình thức trên mạng, nếu có tranh chấp, xung đột lẫn nhau thì cơ chế giải quyết có thể mất hàng năm. Điều đó cho thấy sự lệch pha và tạo ra chi phí rủi ro trong hoạt động kinh doanh rất nhiều”, ông Tuấn phân tích.
Ông Tuấn còn đề cập đến vấn đề cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước diễn ra còn chậm, làm giảm cơ hội đầu tư kinh doanh của các doanh nghiệp tư nhân.
Ngoài ra, một trong nhưng hạn chế trong chính sách cần khắc phục đó là tình trạng bảo hộ ngược đang diễn ra trên một số lĩnh vực kinh tế, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
Về cải cách thể chế, ông Đậu Anh Tuấn đã đề xuất một số giải pháp, cụ thể: Một là đẩy mạnh thủ tục hành chính một cách mạnh mẽ ở mọi ngành, mọi cấp; tiếp tục tiến hành chương trình cắt giảm các quy định đang cản trở hoạt động kinh doanh một cách thực chất...
Hai là xác định hỗ trợ môi trường kinh doanh là một nhiệm vụ trọng tâm trong cải cách tư pháp: tập trung vào việc rút ngắn thời gian, thủ tục và chi phí giải quyết vụ án kinh doanh thương mại; hạn chế tối đa việc đình chỉ, tạm đình chỉ vụ án; giảm thời gian và tăng tỷ lệ thi hành án thành công; giảm triệt để việc huỷ phán quyết trọng tài thương mại;
Ba là nghiên cứu tăng tính ổn định và dự đoán được của pháp luật và thực thi pháp luật thông qua việc bảo đảm công tác tham vấn đối tượng thụ hưởng chính sách.
Bốn là, tôn trọng quy luật thị trường, hạn chế sự can thiệp của Nhà nước vào giá cả và sản lượng hàng hoá. Sự điều tiết của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường trong chính sách tài khoá, chính sách tiền tệ và điều tiết mức độ cạnh tranh trong các ngành kinh tế cần bảo hộ.
Năm là xây dựng chính sách thu hút đầu tư nước ngoài và các chính sách quản lý, điều hành kinh tế trong nước cần lưu ý tránh tình trạng bảo hộ ngược.
Sáu là tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kỷ luật tài chính công, cải cách mạnh mẽ thị trường vốn theo hướng minh bạch, chống các hành vi thao túng, lừa đảo, giao dịch nội gián; đi đôi với việc bảo đảm truyền thông giúp các bên hiểu rõ hành vi nào là được phép, hành vi nào bị cấm khi tham gia thị trường tài chính.