Chiều qua (20/4), tại tỉnh Cà Mau, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đi kiểm tra và động viên các lực lượng thi công dự án cao tốc Cần Thơ – Cà Mau, đồng thời làm việc với các bộ, ngành, cơ quan liên quan thúc đẩy tiến độ dự án này và khẩn trương triển khai dự án cao tốc từ Cà Mau tới Đất Mũi và nối tới cảng Hòn Khoai.
Tại đây, Thủ tướng đã đi kiểm tra, tặng quà, động viên đội ngũ cán bộ, công nhân, người lao động đang làm việc trên công trường dự án Cần Thơ – Cà Mau trong ngày Chủ nhật, tại vị trí các nút giao IC 12, IC 10. Sau đó, Thủ tướng chủ trì cuộc họp tại nhà điều hành gói thầu XL-02 của dự án.
Báo cáo với Thủ tướng cùng đoàn công tác, Bộ Xây dựng cho biết, tính đến nay, các nhà thầu đã huy động 183 mũi thi công, 971 máy móc thiết bị, 3.000 nhân lực, tổ chức thi công tăng ca tăng kíp, sản lượng thi công đạt 66%/ 70% kế hoạch. Trong đó, phần tuyến đã hoàn thành gia tải được 74,9km (tương ứng đạt 89,84%), phần cầu đã triển khai 95/95 cầu trên tuyến chính, đáp ứng tiến độ.
Về công tác giải ngân, lũy kế giải ngân đến nay đạt 15.778/22.210 tỉ đồng vốn đã bố trí (tương ứng đạt 71%). Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận và các nhà thầu đang tập trung tăng ca tăng kíp để bảo đảm hoàn thành dự án này trước ngày 31/12/2025.

Đây là lần thứ 8 Thủ tướng kiểm tra công trường và làm việc về dự án cao tốc Cần Thơ – Cà Mau. Ảnh: VGP
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, từ ngày 15/12/2024, sau cuộc họp của Thủ tướng với các bộ, ngành, địa phương và chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tiến độ thi công dự án đã có những chuyển biến đáng kể. Theo đó, khó khăn về vật liệu được các địa phương tháo gỡ, sản lượng tăng, đồng thời đã tập kết thêm 3,1 triệu m3 cát, 0,7 triệu m3 đá, công tác gia tải tăng thêm 50,5 km.
Thay mặt các nhà thầu, Đại tá Lê Xuân Long, Phó Tư lệnh Binh đoàn 12, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty xây dựng Trường Sơn cho biết, dự án cao tốc Cần Thơ – Cà Mau đã áp dụng nhuần nhuyễn, đồng bộ 5 giải pháp. Đây cũng là những giải pháp quan trọng để bảo đảm thành công của các dự án khác: Giải phóng mặt bằng; bảo đảm nguồn vật liệu; các ngày thứ Bảy, Chủ nhật, Bí thư, Chủ tịch, lãnh đạo tỉnh xuống công trường; đổi mới sáng tạo với các giải pháp kỹ thuật; đoàn kết hợp đồng, lập công tập thể.
Đại tá Long nhấn mạnh: "Chưa bao giờ Thủ tướng vào thăm dự án nào với mật độ dày đặc như với dự án này và chính điều đó đã truyền lửa cho các đơn vị trên công trường".
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai dự án này vẫn còn một số tồn tại nhất định, chẳng hạn như áp dụng giải pháp gia tải tự nhiên để xử lý lún mất nhiều thời gian (từ 4 - 6 tháng), còn một số ít vật liệu chưa đưa về công trường...
Thủ tướng chỉ đạo Bộ Xây dựng đề xuất khen thưởng các đơn vị làm tốt

Ngay tại công trường, Thủ tướng biểu dương Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận đã triển khai tốt các công trình, dự án trong thời gian qua (dự án Mỹ Thuận - Cần Thơ hoàn thành năm 2023); đồng thời đang quản lý 4/5 dự án cao tốc tại khu vực ĐBSCL có kế hoạch hoàn thành trong năm 2025, cùng với đó là dự án cầu Rạch Miễu 2, dự án cầu Nhơn Trạch tại dự án Vành đai 3 TP HCM đang có tiến độ tốt.
Thủ tướng yêu cầu chậm nhất 19/12 năm nay phải khánh thành dự án Cần Thơ – Cà Mau để chào mừng kỷ niệm ngày Toàn quốc kháng chiến.
Đặc biệt, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Xây dựng phối hợp với các cơ quan đề xuất các hình thức khen thưởng phù hợp với những đơn vị làm tốt, trong đó có Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, bao gồm cả thưởng tiền theo quy định của Chính phủ, hoàn thành trước ngày 30/4.
Đồng thời, tin tưởng giao các nhà thầu làm tốt (các dự án bảo đảm tiến độ, bảo đảm chất lượng, không đội giá) thực hiện những dự án mới với tinh thần "3 có, 2 không": Có lợi ích của Nhà nước, có lợi ích của người dân, có lợi của doanh nghiệp; không tham nhũng, tiêu cực và không để thất thoát, lãng phí tài sản, công sức, tiền bạc của nhân dân.

Dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau dài hơn 110 km, đi qua Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau. Dự án do Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (Bộ Xây dựng) làm chủ đầu tư. Tổng mức đầu tư 27.523 tỷ đồng, dự án khởi công ngày 1/1/2023. Dự án có kế hoạch hoàn thành vào cuối năm 2025.

Dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau là dự án đoạn cuối của tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông. Do đó, việc hoàn thành 206 km cao tốc tại khu vực ĐBSCL trong năm 2025, trong đó có 111 km cao tốc Cần Thơ - Cà Mau (cùng với đoạn Cao Lãnh - Lộ Tẻ (gần 29 km), Lộ Tẻ - Rạch Sỏi (51,5 km) và 16 km dự án thành phần 1 Cao Lãnh - An Hữu), có ý nghĩa, vai trò quan trọng trong việc hoàn thành mục tiêu cả nước có ít nhất 3.000 km đường cao tốc trong năm 2025. Từ đó giúp nối thông tuyến cao tốc từ Cao Bằng tới Cà Mau, hoàn thành mục tiêu trong nhiệm kỳ này có 600 km cao tốc tại ĐBSCL và chuẩn bị triển khai thêm 600 km cao tốc trong nhiệm kỳ tới để tới năm 2030 ĐBSCL có 1.200 km cao tốc.