Ngày cuối cùng trước khi đóng cửa local brand 8 năm tuổi ở Phố Huế, founder trải lòng khiến 10k người xúc động: 7 sai lầm tôi chưa từng dám nói

Thùy Linh | 15:03 17/07/2025

Thương hiệu Việt này đang ráo riết thanh lý các mặt hàng để chuẩn bị chính thức đóng cửa hàng tại 28A Phố Huế.

Ngày cuối cùng trước khi đóng cửa local brand 8 năm tuổi ở Phố Huế, founder trải lòng khiến 10k người xúc động: 7 sai lầm tôi chưa từng dám nói

Ngày cuối cùng trước khi đóng cửa local brand 8 năm tuổi ở Phố Huế, founder trải lòng khiến 10k người xúc động: 7 sai lầm tôi chưa từng dám nói

Thương hiệu Việt này đang ráo riết thanh lý các mặt hàng để chuẩn bị chính thức đóng cửa hàng tại 28A Phố Huế.

Cách đây ít lâu, vào tháng 6, thương hiệu thời trang LAM KHUE Design bất ngờ thông báo sẽ đóng cửa hàng tại Phố Huế (Hà Nội), chính thức khép lại một hành trình hơn 8 năm của mình. Thông tin đóng cửa này được chia sẻ trên fanpage chính thức của thương hiệu vào tối 23/6. Ngay lập tức, bài đăng nhanh chóng thu hút hơn 1 nghìn lượt tương tác và bình luận chia sẻ cảm xúc tiếc nuối.

LAM KHUE Design nổi tiếng với những thiết kế ngọt ngào, mang đậm tính thủ công truyền thống, được thêu thùa đính kết tỉ mỉ, kỳ công. Các sản phẩm đều giúp người phụ nữ tôn lên vẻ nữ tính, tinh tế, nên được đông đảo chị em biết tới. Chính vì thế, nhiều người không khỏi thổn thức khi phải nói lời chia tay với một local brand đã từng gắn bó.

photo-1752742486154

Khi thời điểm chính thức đóng cửa ngày càng cận kề, Founder Hương Phạm đã đăng tải tâm thư dài trên trang chính thức của thương hiệu, tự rút ra những sai lầm trong quá trình điều hành thương hiệu. Bài đăng nhanh chóng hút hơn 9,2 nghìn lượt yêu thích, gần 800 bình luận và hơn 11 nghìn lượt chia sẻ.

Cụ thể bài đăng như sau:

Ngày cuối cùng tại cửa hàng 28A Phố Huế, tôi ngồi lại và viết ra những điều chưa từng dám nói, đó là những tư duy sai lầm của người sáng lập dẫn đến sự thất bại của một thương hiệu.

(Bài viết dài, nhưng tôi mong những người cũng đang rất nỗ lực gồng mình điều hành một local brand để giữ cho thương hiệu, doanh nghiệp của mình tồn tại có thể dừng lại vài phút để đọc, bởi đây là những lời thành thật nhất từ chính trải nghiệm và bài học của bản thân tôi.)

“Một local brand thất bại không phải vì người sáng lập không giỏi hay không chăm, mà bởi tư duy sai lầm cho dù đã làm việc rất nỗ lực.”

Tôi đã là một người lãnh đạo như thế. Và đây là 7 sai lầm mà tôi đã học được, đau đớn nhưng cần thiết, bởi chính từ đó tôi mới có thể bắt đầu lại. Sâu xa và nguy hiểm hơn nữa, ẩn sau những sai lầm ấy, chính là những tư duy cố hữu rất sai có thể phá huỷ không chỉ doanh nghiệp mà chính cả cuộc đời của chúng ta.

    Cho rằng “thị trường khó khăn” là nguyên nhân chính khiến kết quả kinh doanh suy giảm.

Câu cửa miệng của tôi, của đội ngũ, và tôi tin là của rất nhiều người trong năm qua đó là: “Thị trường khó khăn quá.” Và thế là chúng tôi tiếp tục làm những thứ quen thuộc, cải thiện chút ít nhưng không thay đổi cốt lõi. Không nhìn lại hệ thống từ sản phẩm, khách hàng, hay thông điệp. Tin rằng vấn đề chính là do ngoại cảnh, nên không thấy lý do để thay đổi chính mình. Vẫn phong cách thiết kế cũ, cách làm nội dung, vận hành cũ, trong khi tâm lý và hành vi khách hàng đã thay đổi.

Sai lầm này xuất phát từ tư duy đổ lỗi thay vì chủ động thay đổi để thích nghi. Chính niềm tin đó đã giới hạn khả năng sáng tạo và năng lực thích ứng của chúng ta. Khiến ta dễ chấp nhận việc làm hết sức mà không hiệu quả, hay buông xuôi chờ đợi thị trường sẽ tốt lên. Còn đổ lỗi, ta sẽ không bao giờ thực sự tiến lên được.

    Không có định hướng thương hiệu rõ ràng và nhất quán.

Nhiều người sáng lập bắt đầu thương hiệu của mình với niềm đam mê và quản trị hoàn toàn bằng bản năng. Tôi cũng vậy, tôi chưa thật sự nhận thức rõ tầm quan trọng của việc xây dựng một hệ giá trị và triết lý thương hiệu một cách bài bản. Không xác định rõ thương hiệu mình đại diện cho điều gì, khách hàng lý tưởng là ai, tầm nhìn, sứ mệnh của mình là gì, giá trị cốt lõi nào cần giữ gìn bất biến…? Những điều thoạt nhìn có vẻ lý thuyết hoặc mỹ miều trên giấy, nhưng thực chất lại chính là kim chỉ nam, là la bàn định hướng toàn bộ chiến lược và hành động của thương hiệu trong dài hạn.

Khi thiếu nền tảng này, thương hiệu dễ bị cuốn theo trào lưu, hoặc chỉ loay hoay trong sự lặp lại, không tạo được sự khác biệt bền vững. Thiết kế thì đẹp, nhưng thương hiệu thiếu câu chuyện khiến khách hàng muốn đồng hành và ủng hộ lâu dài.

Sâu xa hơn, tôi nhận ra lý do vì sao không định hướng được cho thương hiệu, đó là do bản thân mình cũng đang không hiểu được chính mình. Với các tập đoàn lớn, thương hiệu có thể là một hệ thống được vận hành bởi nhiều bộ phận, nhưng với local brand, thương hiệu là hiện thân, là sự phản chiếu của người sáng lập. Khi mà con người thật của người sáng lập trùng khớp với điều mà khách hàng tìm kiếm, thì đó là một nền tảng cực kỳ vững chắc để xây dựng thương hiệu. Bởi khi người sáng lập sống thật với mình, định vị rõ mình là ai, điều đó sẽ tạo ra bản sắc rõ nét không thể sao chép, và khi gặp đúng khách hàng phù hợp, sẽ tạo ra sự kết nối vô cùng mạnh mẽ.

    Không đặt mục tiêu rõ ràng, cụ thể và có thể đo lường được.

Tôi từng điều hành doanh nghiệp mà không có KPI cụ thể. Mọi thứ làm theo cảm tính và quán tính, không biết điều gì là ưu tiên, không biết mình hay nhân sự đã thực sự làm tốt hay chưa. Tôi nghĩ doanh nghiệp của mình thiên về sáng tạo, nhưng giờ tôi hiểu, làm việc bám sát mục tiêu không làm mất đi sự sáng tạo, mà điều đó bảo vệ và dẫn đường cho sự sáng tạo đi đúng hướng.

Sai lầm này đến từ tư duy lãng mạn hóa sự cố gắng: “Hãy cứ làm hết mình thì tự khắc sẽ có kết quả”, khiến tôi trì hoãn việc hoạch định, ngại thiết lập KPI, và ngại đối mặt với những con số, và chính sự ngại đối mặt này không làm cho thực tế tốt hơn, nó chỉ khiến ta sống trong ảo tưởng về sự nỗ lực mà thôi.

    Quá yêu sản phẩm mà quên mất sản phẩm mình làm ra là để phục vụ khách hàng.

Tôi tin đây là một sai lầm phổ biến của nhiều người làm sáng tạo, dành phần lớn tâm huyết để tạo ra những thiết kế đẹp, độc đáo theo cảm nhận cá nhân và lý tưởng thẩm mỹ, mà thiếu đi góc nhìn từ khách hàng. Tôi đã bỏ quên một điều quan trọng, khách hàng không chỉ mua vì đẹp, họ mua vì họ cần một thứ “dùng được”, một thiết kế phù hợp với đời sống thực, có thể ứng dụng trong những bối cảnh cụ thể, làm nổi bật chính con người họ chứ không phải chỉ làm nổi bật tay nghề của người thiết kế. Rất nhiều khách hàng từng nói với tôi rằng: “Đẹp quá! Nhưng không biết mặc đi đâu”, và tôi đã vô tình biến những thiết kế ấy thành “tác phẩm để ngắm”, chứ không phải “đồ để sống cùng”.

Tư duy sai cốt lõi ở đây chính là niềm tin rằng lý tưởng, bản sắc cá nhân là điều quan trọng nhất. Rằng nếu mình giữ được điều đó một cách thuần khiết thì sớm muộn gì cũng sẽ chạm đến trái tim người khác. Nhưng hóa ra, lý tưởng chỉ thực sự sống được khi nó có khả năng kết nối. Mình có thể giữ bản sắc, nhưng phải biết dịch bản sắc đó thành ngôn ngữ mà khách hàng có thể cảm được, hiểu được, và muốn mang theo bên mình. Nếu không, thứ mình gọi là "bản sắc" chỉ là một ốc đảo cô lập, càng giữ chặt, mình càng đơn độc.

    Coi nhẹ việc quản trị tài chính và không tách bạch tài chính doanh nghiệp với tài chính cá nhân.

Ngay từ đầu, tôi đã không xây dựng một hệ thống quản trị tài chính rõ ràng. Doanh thu, chi phí theo dõi một cách sơ sài, thiếu báo cáo tài chính cụ thể, không lập kế hoạch dòng tiền, không đo lường lãi gộp hay lãi ròng trên từng sản phẩm, không có tư duy kiểm soát ngân sách theo từng tháng, từng chiến dịch hay từng mục tiêu cụ thể. Thấy tài khoản vẫn luôn có tiền, đủ để mua sắm nguyên vật liệu, đủ để trả lương là mình tưởng mình ổn. Mỗi khi thiếu tiền, tôi tìm cách xoay xở thêm, chứ không kiểm tra xem dòng tiền đang chảy lệch ở đâu. Và cũng vì không tách bạch tài chính cá nhân - doanh nghiệp, nên không bao giờ có cái nhìn rõ ràng về hiệu quả thật sự của việc kinh doanh.

Hành động sai lầm này bắt nguồn từ việc tôi tưởng mình rất biết quý đồng tiền khi luôn làm việc chăm chỉ, không tiêu xài hoang phí, nhưng kỳ thực, tôi đã không trân trọng đồng tiền theo cách đúng nghĩa nhất. Sự trân trọng sâu sắc với tiền bạc nằm ở khả năng quản trị, chứ không phải ở việc “kiếm được nhiều” hay “chi tiêu ít”. Nếu không biết quản trị tiền, thì không khác nào xây nhà trên cát, chỉ cần một cơn sóng nhẹ cũng đủ cuốn trôi tất cả nỗ lực.

    Không biết cách “nhân bản chính mình”, bởi không hiểu tầm quan trọng của đào tạo và không dám nghiêm khắc với nhân sự.

Khi mới khởi nghiệp, tôi làm mọi thứ một mình và đương nhiên tự mình làm nên luôn đúng ý và đúng tiêu chuẩn của mình. Khi doanh nghiệp phát triển hơn, tôi lại không biết làm sao để người khác làm được như mình, nên tôi đã không dành thời gian để đào tạo nhân sự, không hệ thống hóa cách làm việc, bởi tôi không hiểu rằng, trao quyền và đào tạo chính là cách để những giá trị và tiêu chuẩn của mình được lan toả, giúp doanh nghiệp phát triển.

Tệ hơn, tôi không hề nghiêm khắc với nhân sự, vì tôi sợ họ tổn thương, sợ họ nghỉ việc, sợ sa thải nhân sự vì thương, sợ mình bị đánh giá là khắt khe. Và rồi tôi chọn cách dễ hơn, im lặng làm thay, để họ làm theo ý họ và chấp nhận để họ thay đổi từ từ. Nhưng đó là con đường nhanh nhất để người lãnh đạo kiệt sức và tạo ra một đội ngũ trung thành nhưng không trưởng thành.

Sai lầm này có lẽ cũng là của nhiều người muốn lãnh đạo với trái tim yêu thương, sống thiên về cảm xúc, bắt nguồn từ niềm tin rằng “nghiêm khắc, kỷ luật, hay rời bỏ người khác là tàn nhẫn, là làm họ tổn thương”. Tôi luôn muốn tạo một môi trường ấm áp, thoải mái, dễ chịu bởi chính tôi là người phải chịu quá nhiều áp lực trong cuộc sống và tôi không muốn ai phải trải qua điều đó giống tôi. Và sâu hơn, là tôi ngại va chạm vì không muốn làm “người xấu”, nhưng thực ra, tôi lại làm điều xấu, bởi tôi đã không cho họ cơ hội được lớn lên, và không khiến cho doanh nghiệp mình phát triển.

    Không xây dựng thương hiệu cá nhân, mặc dù rất hiểu bản thân người sáng lập chính là một kênh truyền thông mạnh mẽ.

Các sai lầm ở trên từng do tôi không thật sự hiều, nhưng riêng với sai lầm thứ 7, tôi lại rất hiểu nhưng vì sao tôi vẫn không làm. Tôi đã dành toàn bộ thời gian, tâm trí để xây dựng thương hiệu Lam Khuê, nhưng suốt một thời gian dài, tôi lại gần như ẩn mình. Không chia sẻ về hành trình sáng tạo, không xuất hiện, không đứng lên kể câu chuyện đằng sau từng thiết kế hay lý tưởng tôi theo đuổi.

Thị trường ngày nay không còn như cũ, khách hàng không chỉ mua sản phẩm, họ mua niềm tin, mua câu chuyện, mua con người đứng sau thương hiệu, và người có thể làm tốt nhất điều đó không ai khác chính là người sáng lập. Nhưng dù biết, vì sao tôi vẫn chưa từng thực sự bước ra.

Bây giờ tôi đã hiểu, nguyên nhân gốc rễ bởi tôi bị ám ảnh về “sự hoàn hảo”, tôi nghĩ phải chờ đến khi mình đủ giỏi, đủ tốt, đạt được kết quả rực rỡ thì mới chia sẻ. Tôi sợ mất hình ảnh, mà tôi lại quên mất rằng, sự kết nối sâu sắc không đến từ sự hoàn hảo, mà đến từ sự chân thật. Rằng chính những người sáng lập dám kể câu chuyện thật, chia sẻ hành trình chưa hoàn hảo, kể về sai lầm, thất bại, dám hiện diện với tất cả những gì mình đang có lại có thể tạo nên ảnh hưởng sâu rộng nhất.

_______________

Và hôm nay, tôi viết ra những sai lầm này, không phải để tự trách mình, mà để đối diện. Những sai lầm tưởng nhỏ thôi, nhưng lại đủ sức kéo cả một thương hiệu lệch khỏi quỹ đạo, thậm chí sụp đổ.

Và quan trọng hơn, tôi muốn gửi một thông điệp đến những người đang kinh doanh, những người cũng ở vị trí sáng lập, điều hành giống tôi, đó là có những bài học chỉ đến sau những vấp ngã, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể học bằng một cách khác bớt "đau thương" hơn nhiều, đó là học từ sai lầm của người khác.

Cánh cửa này tuy đã khép lại, nhưng tôi đã sẵn sàng để chuẩn bị cho một cánh cửa mới mở ra, nơi không còn bước đi chỉ bằng đam mê, mà bằng sự tỉnh táo, không chỉ bằng bản năng, mà với tư duy và hệ thống bài bản. Tất cả là nhờ việc nhận ra những niềm tin sai lầm của mình và sửa nó lại thành đúng đắn, và quan trọng hơn, là nhờ sự tin tưởng, yêu thương, tiếp sức của mọi người, của khách hàng, của đội ngũ, người thân, bạn bè, và cả những người không hề quen biết tôi.

Lần này, tôi sẽ bắt đầu lại, không phải từ con số 0, mà từ sự trưởng thành. Vì một thương hiệu chỉ thật sự bắt đầu khi người sáng lập thật sự trưởng thành.

Bên dưới bài đăng, nữ founder cũng không khỏi xúc động bày tỏ thêm: "Thật lòng cảm ơn tất cả những chia sẻ, lời động viên và sự đồng cảm mà mọi người đã để lại dưới bài viết này. Hương đã đọc từng bình luận một, và thấy biết ơn vô cùng vì vẫn có nhiều người lặng lẽ dõi theo, yêu thương và tin tưởng Lam Khuê đến vậy. 

Có những người Hương chưa từng gặp, cũng chưa từng trò chuyện, vậy mà vẫn dõi theo, thấu hiểu và thương đến thế. Có những khách hàng cũ, từng ghé cửa hàng một lần, từng may một chiếc áo dài, giờ vẫn nhớ, vẫn nhắn cho Hương những lời chân thành như một người bạn lâu năm. Có cả những người đang làm chủ thương hiệu giống như Hương, đọc và thấy chính mình trong những gì Hương chia sẻ. Hương cảm ơn các bạn rất nhiều vì không chỉ đọc bài viết, mà còn dành thời gian để viết lại những cảm xúc, câu chuyện của riêng mình. 

photo-1752742505816

Thật ra để viết ra những điều đó, Hương cũng đã rất đắn đo, vì không ai muốn thừa nhận rằng mình đã sai, đã thất bại. Nhưng nhờ sự đồng cảm và tin tưởng của các bạn, Hương thấy mình không còn đơn độc trên hành trình làm lại. 

Chính những chia sẻ này đã tiếp thêm cho Hương rất nhiều niềm tin, để đến một ngày Lam Khuê quay trở lại, đó sẽ là một phiên bản chân thật hơn, sâu sắc hơn, bình tĩnh hơn, và tử tế hơn ạ. Thật sự biết ơn sự quan tâm, động viên vả khích lệ của mọi người gửi đến Hương và đội ngũ Lam Khuê ạ!"

Nguồn: FBNV


(0) Bình luận
Ngày cuối cùng trước khi đóng cửa local brand 8 năm tuổi ở Phố Huế, founder trải lòng khiến 10k người xúc động: 7 sai lầm tôi chưa từng dám nói
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO