Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành lưu ý Bộ Giao thông vận tải tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 của Bộ Giao thông vận tải ngày 25/12.
Báo cáo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Duy Lâm, năm 2021, việc quản lý hoạt động vận tải gắn với phòng, chống dịch Covid -19 được triển khai quyết liệt với nhiều giải pháp đồng bộ, kịp thời, hiệu quả theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Trong đợt cao điểm phòng, chống dịch, Bộ trưởng và các Thứ trưởng tổ chức họp định kỳ hàng ngày, hàng tuần với các bộ, ngành, địa phương để chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn trong hoạt động vận tải; tổ chức nhiều buổi đối thoại với các hiệp hội, doanh nghiệp vận tải trong cả nước để tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm, Bộ Giao thông vận tải tập trung chỉ đạo quyết liệt, hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư 67 dự án dự kiến triển khai trong giai đoạn 2021-2025; phê duyệt chủ trương đầu tư theo thẩm quyền 42/51 dự án nhóm B, C; trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 3/10 dự án nhóm A; trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư 2/6 dự án quan trọng quốc gia.
Nhận thức rõ vai trò và nhiệm vụ cấp thiết của ngành đối với giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt trong bối cảnh thực hiện mục tiêu kép, Bộ Giao thông Vận tải đã tập trung chỉ đạo, đôn đốc, giám sát chặt chẽ giải ngân vốn đầu tư công, lấy kết quả giải ngân là một trong những tiêu chí quan trọng hàng đầu để đánh giá cán bộ cuối năm. Bộ đã thành lập Tổ công tác đặc biệt về công tác giải ngân vốn đầu tư công để chỉ đạo, đôn đốc, xử lý ngay những cơ quan chậm trễ trong công tác giải ngân.
Đến hết tháng 1/2022, dự kiến kết quả giải ngân đạt trên 95% đáp ứng kế hoạch của Chính phủ và là một trong những bộ, ngành có tỷ lệ giải ngân cao nhất cả nước
Công tác quyết toán dự án hoàn thành cũng tiếp tục được quan tâm, chỉ đạo sát sao. Bộ Giao thông Vận tải ban hành Chỉ thị chấn chỉnh công tác quyết toán, đến nay các cơ quan đã thẩm tra, phê duyệt quyết toán 45 dự án với tổng giá trị 16.043 tỷ đồng.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành yêu cầu Bộ có giải pháp đổi mới thủ tục đầu tư, bố trí nhân lực để xây dựng kế hoạch, hoàn thành thủ tục khởi công các dự án trong năm tới.
“Có 11 dự án cao tốc giai đoạn một đã được Quốc hội thông qua năm 2017, song mất 4 năm ngành giao thông mới hoàn thành thủ tục đầu tư và khởi công. Với cách làm như vậy thì khi kết thúc nhiệm kỳ 2020-2025, mới chỉ khởi công được 12 dự án Bắc Nam sắp tới chứ không thể hoàn thành”, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh thêm, 12 dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2 dài 729 km dự kiến đầu tư bằng ngân sách và sẽ được trình Quốc hội xem xét thời gian tới.
Cùng với các tuyến cao tốc nhánh xương cá dài 800 km, đây là tiền đề hoàn thành mục tiêu đến 2025 hoàn thành tuyến cao tốc Bắc Nam dài 2.063 km, đạt tổng số 3.000 km đường cao tốc trên toàn quốc.
12 dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2 gồm:
Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng (thuộc Hà Tĩnh), Vũng Áng - Bùng, Bùng - Vạn Ninh và Vạn Ninh - Cam Lộ (thuộc Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị), Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, Hoài Nhơn - Quy Nhơn, Quy Nhơn - Chí Thạnh (thuộc Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên), Chí Thạnh - Vân Phong và Vân Phong - Nha Trang (thuộc Phú Yên, Khánh Hòa), Cần Thơ - Hậu Giang, Hậu Giang - Cà Mau (chạy qua các tỉnh, thành Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau).