“Năm 2019, chi tiêu trung bình của khách quốc tế đến Việt Nam khoảng 1.200 USD/đầu khách, với thời gian lưu trú khoảng 9,1 – 9,2 ngày. Cùng năm đó, Thái Lan không những đón 40 triệu lượt khách quốc tế, vượt trội so với 18 triệu lượt của chúng ta, mà còn đón được những khách có khả năng chi trả cao, khoảng 2.400 – 2.500 USD/đầu khách, cũng với thời gian lưu trú khoảng 9 ngày”.
Đây là những chia sẻ của ông Hoàng Nhân Chính - Trưởng Ban thư ký Hội đồng Tư vấn Du lịch tại tọa đàm "Hiến kế hút khách quốc tế" do Báo Đầu Tư tổ chức. Ông còn chỉ ra rằng năm 2019, thời điểm ngành du lịch trên toàn thế giới phát triển rất tốt, Việt Nam đạt tỷ lệ khách quay lại là 25-30%, trong khi con số này tại Thái Lan là 70%.
Thực tế này cho thấy Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm để giải bài toán du khách quốc tế. Năm 2022, nước ta đón 3,6 triệu lượt khách quốc tế, chỉ tương đương 70% kế hoạch đề ra. Mục tiêu năm nay là 8 triệu lượt.
Nghiên cứu thị trường trước khi làm sản phẩm
Một số ý kiến cho rằng để gia tăng sức hút với khách quốc tế, Việt Nam nên chú trọng phát triển sản phẩm du lịch hơn. Tuy nhiên theo ông Chính, trước khi tính đến chuyện đó, điều quan trọng đầu tiên là phải hiểu khách hàng và thị trường, có nghĩa là cần nghiên cứu thị trường.
Ông đánh giá trước và sau Covid-19 du khách suy nghĩ hoàn toàn khác nhau. Họ đang có xu hướng đi theo nhóm nhỏ thay vì theo đoàn, chọn một quốc gia rồi ở lại lâu hơn thay vì du lịch kết hợp nhiều nước. Bên cạnh đó là xu hướng du lịch xanh, trở về với thiên nhiên để hồi phục sức khỏe.
“Hiểu được thị trường rồi sẽ xây dựng được sản phẩm và cách làm marketing phù hợp. Nếu không, chắc chúng ta sẽ còn loay hoay”, ông Chính nêu quan điểm.
Theo ông, cần vạch rõ các kế hoạch ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Về ngắn hạn, phải làm sao để du khách dễ dàng đến Việt Nam hơn trong thời gian tới.
“Anh Trịnh Ngọc Thành (Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines) từng có ý kiến rất hay. Nếu mở cửa chính sách thị thực tốt hơn, kèm theo những đường bay thẳng, trong vòng 3 năm số khách du lịch quốc tế có thể tăng gấp đôi. Đây là con số lớn, nhưng chúng tôi vẫn tin rằng có thể đạt được”, ông Chính bày tỏ.
Về trung hạn, ngành du lịch được cho là cần xây dựng kế hoạch phục hồi tổng thể, trong đó có sản phẩm, marketing, đào tạo nhân lực. Đặc biệt, ông Chính nhấn mạnh vấn đề quản lý điểm đến, bởi đây là việc phải làm thật tốt nếu muốn khách quay lại.
“Muốn khách trở lại, chúng ta phải đem đến những trải nghiệm tốt nhất cho họ. Trải nghiệm tốt phụ thuộc vào việc quản lý các điểm du lịch, sao cho khách cảm thấy thoải mái nhất. Rõ ràng Việt Nam có lợi thế về nguồn tài nguyên thiên nhiên và văn hóa. Vấn đề là chúng ta phải cải thiện như thế nào để khách quay lại nhiều hơn. Đấy chính là vấn đề quản lý điểm đến”, ông phát biểu.
Loạt đề xuất nới lỏng visa của Bộ Công an, bao gồm kéo dài thời hạn visa điện tử lên 90 ngày
Một trong những đề xuất được các chuyên gia và công ty du lịch nhiều lần nhắc tới là cải thiện chính sách visa. Theo nhận định của ông Martin Koerner - Trưởng tiểu ban du lịch Diễn Đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF), chính sách visa của Việt Nam so với Singapore hay Thái Lan khá hạn chế và phức tạp.
“Thái Lan có chính sách miễn và kéo dài visa cho du khách lên tới 45 ngày. Trong khi đó, Việt Nam chỉ miễn visa cho khách trong 15 ngày”, ông lấy ví dụ.
Trước vấn đề này, ông Đặng Tuấn Việt – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Xuất nhập cảnh Bộ Công an cho biết Bộ đang gấp rút hoàn thiện dự án sửa đổi bổ sung một số điều luật nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Cụ thể:
- Đề xuất mở rộng diện các quốc gia được cấp visa điện tử. Theo quy định, hiện có 80 nước trong danh sách quốc gia được cấp visa điện tử.
- Đề xuất nâng thời hạn cho người được cấp visa điện tử từ 30 lên 90 ngày, có giá trị một lần hoặc nhiều lần tùy theo nhu cầu của người nước ngoài.
- Đề xuất kéo dài thời gian tạm trú với người nước ngoài được hưởng quy chế miễn thị thực đơn phương từ 15 ngày lên 30 ngày, có thể được gia hạn tạm trú nếu đáp ứng các yêu cầu khác của pháp luật.
Ông Việt cho biết Bộ Công an đang xin ý kiến các bộ ngành, cơ quan quản lý và đăng tải để xin đóng góp rộng rãi của người dân. Bộ dự kiến đề xuất Quốc hội đưa các nội dung cơ bản liên quan đến chính sách visa điện tử và miễn visa như trên vào mục Nghị quyết chung của Quốc hội tại kỳ họp gần nhất (khai mạc tháng 5).