Ngân hàng VIB ghi nhận lợi nhuận sau thuế 5.283 tỷ đồng trong 3 quý đầu năm nhưng vẫn đối diện rủi ro “bốc hơi” 6.000 tỷ đồng

Mạnh Đại | 06:44 08/11/2024

Nợ xấu nội bảng Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (HoSE: VIB) “phình to” lên 11.503 tỷ đồng, trong đó có đến hơn 6.000 tỷ đồng nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5). Ở một động thái khác, cổ đông ngoại chiến lược của nhà băng này vừa thoái thêm 10% vốn điều lệ của VIB, thu về hơn 5.300 tỷ đồng.

Ngân hàng VIB ghi nhận lợi nhuận sau thuế 5.283 tỷ đồng trong 3 quý đầu năm nhưng vẫn đối diện rủi ro “bốc hơi” 6.000 tỷ đồng

Rủi ro “bốc hơi” hơn 6.000 tỷ đồng

Tính đến ngày 30/9/2024, tổng nợ xấu của ngân hàng VIB là hơn 11.503 tỷ đồng, tăng 36,67% so với hồi đầu năm. Trong đó, Nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) giảm 10,18%, xuống 2.265 tỷ đồng; Tương tự, Nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) giảm 13,17%, xuống 3.210 tỷ đồng. Tuy nhiên, Nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) của nhà băng này lại tăng gần gấp 3 lần, lên 6.028 tỷ đồng, tương ứng tăng 174,25%.

Theo thuyết minh tại BCTC, tại thời điểm 30/9/2024, Nợ có khả năng mất vốn của VIB bao gồm 5.986 tỷ đồng dư nợ cho vay khách hàng và 42 tỷ đồng chứng khoán đầu tư.

Do đó, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của VIB tăng mạnh từ 2,2% hồi đầu năm, lên 2,67% vào thời điểm cuối quý 3/2024.

Trước tình hình nợ xấu tăng mạnh, trong 9 tháng đầu năm nay, VIB đã trích lập dự phòng rui ro tín dụng 3.231 tỷ đồng, tăng 2,47% so với cùng kỳ năm 2023.

no-xau-vib.jpg
Nợ xấu nhóm 5 của VIB "phình to" lên hơn 6.000 tỷ đồng, gấp gần 3 lần hồi đầu năm.

Về tình hình kinh doanh, lũy kế 9 tháng đầu năm, VIB ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 5.283 tỷ đồng, “bốc hơi” 20,68% so với cùng kỳ năm 2023.

Nguyên nhân chủ yếu là do Thu nhập lãi thuần – mảng kinh doanh cốt lõi của nhà băng và Lãi thuần tư hoạt động dịch vụ - mảng kinh doanh quan trọng thứ 2 của nhà băng đều sụt giảm lần lượt -8,33% và -23,81%, khiến doanh thu của VIB “bốc hơi” hàng trăm tỷ đồng.

Cổ đông chiến lược CBA thoái thêm 10% vốn VIB, thu về hơn 5.300 tỷ đồng

Trong ngày 29/10 vừa qua, cổ đông chiến lược Ngân hàng Commonwealth Bank of Australia (CBA) thông báo đã bán khoảng 10% cổ phần của VIB thông qua Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE).

Cụ thể, cổ đông chiến lược CBA đã bán ra 300 triệu cổ phiếu, qua đó, giảm tỷ lệ sở hữu từ 440,2 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 14,77%) xuống 140,2 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 4,7%) và không còn là cổ đông lớn của VIB. Ước tính công ty đã thu về khoảng hơn 5.300 tỷ đồng theo tỷ giá hiện tại.

Cũng trong phiên 29/10, khối lượng mua vào của khối ngoại bằng 0, vì vậy toàn bộ số cổ phiếu VIB này đã được sang tay cho nhà đầu tư trong nước.

Ở chiều ngược lại, cũng trong ngày 29/10, Công ty CP Unicap và những người liên quan đã mua vào 85 triệu cổ phiếu VIB để nâng tổng số cổ phiếu nắm giữ lên 204,77 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 6,87% vốn VIB). Qua đó, nhóm nhà đầu tư này trở lại ghế cổ đông lớn tại VIB.

Trong đó, Unicap nắm giữ 103,2 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 3,46% vốn VIB), bà Nguyễn Thùy Nga và ông Trương Hồng Hải nắm giữ tổng cộng 101,5 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 3,4% vốn VIB).

Theo tìm hiểu, Công ty CP Unicap mới được thành lập ngày 4/9/2024, trụ sở tại tòa nhà Mê Linh Point, số 2 Ngô Đức Kế,phường Bến Nghé, quận 10, TP.HCM. Vốn điều lệ ban đầu là 100 tỷ đồng, gồm 3 cổ đông sáng lập: bà Nguyễn Thuỳ Nga (49,5%) và bà Tống Ngọc Mỹ Trâm (49,5%) và ông Đặng Khắc Cường (1%).

co-phieu-vib.png
(Nguồn: Cafef)

Trên thị trường chứng khoán, kết phiên 07/11, giá cổ phiếu VIB ở mức 18.500 đồng/cổ phiếu, giảm 0,54% so với phiên trước, khối lượng cổ phiếu giao dịch khớp lệnh đạt gần 4,9 triệu đơn vị.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Có thể bạn quan tâm
Ngân hàng VIB ghi nhận lợi nhuận sau thuế 5.283 tỷ đồng trong 3 quý đầu năm nhưng vẫn đối diện rủi ro “bốc hơi” 6.000 tỷ đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO