Lãnh đạo KPMG Việt Nam chỉ ra các xu hướng tác động đến thị trường M&A trong tương lai

Hải Hà | 09:00 05/11/2022

“Theo góc nhìn của chúng tôi về năm 2023 và 2024, có thể thị trường sẽ gặp phải làn sóng tương đối trầm lắng và đây cũng là thời điểm cơ hội để các nhà đầu tư có tiền thực hiện mua các dự án hấp dẫn. Ở đâu cũng sẽ có cơ hội, trong nguy có cơ", TS.Nguyễn Công Ái, Phó Tổng giám đốc KPMG Việt Nam chia sẻ.

Lãnh đạo KPMG Việt Nam chỉ ra các xu hướng tác động đến thị trường M&A trong tương lai
TS.Nguyễn Công Ái - Phó Tổng giám đốc KPMG Việt Nam

Theo TS.Nguyễn Công Ái, có 3 xu hướng trước tiên có thể ảnh hưởng tích cực đến thị trường M&A trong tương lai.

Thứ nhất, là làn sóng chuyển đổi số. Làn sóng chuyển đổi số bao gồm cả đổi mới sáng tạo, sử dụng công nghệ hiện đang ảnh hướng đến tất cả các mặt đời sống kinh tế xã hội của Việt Nam. Rất nhiều nhà đầu tư hiện nay đang quan tâm đến Start-up của Việt Nam, chính bản thân Masan cũng rất quan tâm đến các công ty cung cấp các giải pháp sáng tạo. Điều này tạo ra rất nhiều cơ hội cho ngành bán lẻ, ngành công nghệ thông tin,… Xu hướng này rất đáng khích lệ.

Thứ hai là sự tăng trưởng đáng khích lệ của tầng lớp Trung lưu. Nhìn lại trước đây, tầng lớp trung lưu ở Việt Nam có thể nói là không đáng kể, bây giờ có thể chiếm 16% của toàn bộ dân số Việt Nam. Điều này cung cấp thị trường rất lớn cho các nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời cũng lí giải tại sao các nhà đầu tư nước ngoại lại quan tâm đến lĩnh vực bán lẻ.

Sau cùng là xu hướng Xanh hóa nền kinh tế. Với cam kết của Việt Nam đến 2050 sẽ đưa khí thải Cacbon về “zero”, lộ trình thực hiện điều này cũng lí giải tại sao các nhà đầu tư nước ngoài lại quan tâm đến các công trình về điện ở Việt Nam, các nhà máy điện xanh…

Ngược lại, thị trường cũng phải đối mặt với những thách thức, những xu hướng có thể gây ra những tác động tiêu cực.

Đầu tiên, thị trường đang đi từ nền kinh tế “thừa tiền” sang nền kinh tế “thiếu tiền”. Lãi suất của Ngân hàng Mỹ tháng 11 này tăng thêm 0,75%, tháng 12 dự kiến tăng thêm 0,5% nữa: lãi suất đang trên con đường đi lên, có thể thấy quyết định của Fed đưa ra ảnh hưởng đến tất cả các nước. Tỷ giá USD lên cao và tất cả các nước đang phải đối phó với lạm phát, Việt Nam không phải ngoại lệ.

“Hiện tại, lãi suất huy động ở Việt Nam đã lên đến 9-10%/năm rồi, chúng ta đang bước vào nền kinh tế mà nguồn vốn rất khó khăn, việc vay tiền cho hoạt động M&A không còn dễ dàng như trước nữa. Vậy nên suất chi phí đầu tư của các nước này trong tương lai sẽ rất khó khăn.”- Phó tổng giám đốc PKMG chia sẻ.

Tiếp theo, thị trường đang đi từ nền kinh tế phát triển sang nền kinh tế suy thoái. Hai quý vừa qua, nền kinh tế của Mỹ tăng trưởng âm, vào quý này là dương nhưng dương không bền vững, vậy nên không ai biết trong tương lai sẽ như thế nào.

Cuối cùng chính là nền kinh tế Việt Nam đi vào giai đoạn nhiều biến động, rủi ro. Có thể thấy, thị trường chứng khoán đang gặp khó khăn do những biến động về pháp lý. Trong môi trường chứa nhiều rủi ro như vậy, các nhà đầu tư sẽ ngần ngại trong việc dành tiền đầu tư.

Chia sẻ về góc nhìn bản thân, TS.Nguyễn Công Ái cho biết: “Theo góc nhìn của chúng tôi về năm 2023 và 2024, có thể thị trường sẽ gặp phải làn sóng tương đối trầm lắng và đây cũng là thời điểm cơ hội để các nhà đầu tư có tiền thực hiện mua các dự án hấp dẫn. Bởi lúc này là lúc các nhà đầu tư trước đây có những nhận thức đúng đắn hơn về định giá và có những lời chào hấp dẫn hơn với người mua.”

 “Đây sẽ là thị trường của người mua, chứ không phải là thị trường của người bán như những năm trước nữa. Ở đâu cũng sẽ có cơ hội, trong nguy có cơ. Đặc biệt, chúng ta sẽ thấy vai trò của các nhà đầu tư nước ngoài sẽ trở nên quan trọng hơn trong những năm tới bởi chúng tôi dự kiến nguồn tiền trong nước sẽ rất hạn hẹp, nhất là khi lãi suất ngân hàng cao lên”, TS.Nguyễn Công Ái nhận định.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Lãnh đạo KPMG Việt Nam chỉ ra các xu hướng tác động đến thị trường M&A trong tương lai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO