Nội dung chính:
- Sau 9 tháng, Ngân hàng BIDV, Vietinbank, Vietcombank vẫn là 3 ngân hàng cho vay khách hàng nhiều nhất hệ thống, lên đến hàng triệu tỷ đồng.
- Thứ hạng của các ngân hàng thương mại cho vay nhiều nhất đã thay đổi đáng kể trong quý III/2022.
Kết thúc quý III, BIDV duy trì ngôi đầu trong số các ngân hàng cho vay khách hàng nhiều nhất hệ thống với số tiền lên đến 1,45 triệu tỷ đồng. Các ngân hàng còn lại trong Big 4 như Vietinbank và Vietcombank đều đang cho vay trên 1 triệu tỷ đồng.
Cho vay khách hàng của Vietcombank tăng xấp xỉ 2,5% so với cuối tháng 6. Ngược lại, Vietinbank là ngân hàng duy nhất thuộc top 10 có số dư cho vay khách hàng giảm nhẹ so với quý trước.
Tuy Ngân hàng Agribank chưa công bố báo cáo tài chính quý III nhưng dự kiến số tiền cho vay khách hàng cũng sẽ hơn 1 triệu tỷ đồng. Cuối quý II, số dư cho vay khách hàng của Agribank đã lên đến 1,35 triệu tỷ đồng, chỉ xếp sau BIDV.
10 ngân hàng cho vay nhiều nhất 9 tháng năm nay, theo số liệu cập nhật tại ngày 3/11/2022. (Nguồn dữ liệu: FiinPro)
Tính đến nay, dù chưa có sự góp mặt của Agribank - một trong 4 ngân hàng lớn nhất, số tiền cho vay của 3 ngân hàng trong nhóm Big 4 đã chiếm gần 59% tổng giá trị các khoản vay của top 10, tỷ lệ này không chênh lệch đáng kể so với cuối quý II và cuối năm 2021.
Hoạt động cho vay là nguồn thu chính của một tổ chức tín dụng, tương đương với doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp phi tài chính. Trong đó, thu nhập lãi cho vay khách hàng đóng góp phần lớn vào tổng thu nhập của các ngân hàng thương mại nói chung.
Nhờ vận hành hoạt động tín dụng hiệu quả, Big 4 ngân hàng đồng thời nằm trong top các ngân hàng có lợi nhuận cao nhất 9 tháng năm nay, trong đó Vietcombank tiếp tục giữ vững vị trí quán quân.
Các ngân hàng thương mại có sự xáo trộn vị trí
Chỉ sau 1 quý kinh doanh, thứ hạng của các ngân hàng thương mại cho vay nhiều nhất đã thay đổi rõ rệt.
Cuối quý III, Sacombank chính thức đánh mất ngôi đầu trong số các ngân hàng thương mại cho vay nhiều nhất vào tay MBBank.
Theo báo cáo tài chính quý III, MBBank đang cho vay khách hàng hơn 417 nghìn tỷ đồng, tăng 17,5% so với cuối năm 2021 và tăng 3,1% so với cuối quý II. Trong khi, số dư cho vay khách hàng của Sacombank thấp hơn khoảng 2.140 tỷ đồng.
Top 10 các ngân hàng cho vay nhiều nhất cuối tháng 9/2022 (chưa tính Agribank)
10 ngân hàng cho vay nhiều nhất tính đến hết quý II/2022. (Nguồn dữ liệu: FiinPro)
Techcombank là ngân hàng có tốc độ tăng trưởng cho vay cao nhất trong quý III. Trước đó, Techcombank chỉ đứng hạng 8 nhưng nhờ tăng trưởng cho vay đến 4,7% so với cuối quý II giúp ngân hàng này vươn lên vị trí thứ 6.
Tại ngày 30/9, Techcombank đang cho vay hơn 406 nghìn tỷ đồng, tăng 18,2% so với cuối năm 2021. Cho vay nhiều đóng góp phần lớn vào thu nhập lãi của Techcombank, giúp ngân hàng này đạt được mức lợi nhuận trước thuế lên đến 20.800 tỷ đồng, cao nhất trong số các ngân hàng thương mại đã công bố báo cáo tài chính.
Vị trí thứ 8 thuộc về Ngân hàng VPBank với số dư cho vay khách hàng hơn 390 nghìn tỷ đồng, tăng 13% so với cuối năm ngoái. Nhờ có FE Credit - công ty tài chính chiếm gần một nửa thị phần cho vay tiêu dùng, ngân hàng này luôn nằm trong nhóm cho vay nhiều nhất. Tuy nhiên, với đặc thù cho vay tín chấp lãi suất và rủi ro cao, tỷ lệ nợ xấu của VPBank cũng tương đối cao so với mặt bằng chung.
Quý III/2022, Techcombank, VPBank và MBBank là 3 ngân hàng thương mại có lợi nhuận cao nhất hệ thống, chỉ đứng sau Vietcombank.
Danh sách các ngân hàng thương mại cho vay nhiều nhất xuất hiện hai cái tên mới - Ngân hàng SHB và HDBank, lần lượt xếp vị trí cuối bảng.
Đáng chú ý, HDBank đang cho vay hơn 243 nghìn tỷ đồng, tăng đến 21,3% so với cuối năm 2021. Đây là ngân hàng có tốc độ tăng trưởng cho vay nhanh nhất trong top 10.
HDBank đang sở hữu công ty tài chính HD SAISON. Theo chia sẻ của ông Đàm Thế Thái - Phó Tổng Giám đốc HD SAISON tại Hội nghị nhà đầu tư ngày 26/10, công ty đang đứng thứ hai về thị phần cho vay trực tiếp tại cửa hàng (xe máy, gia dụng, điện máy,...), đặc biệt thị phần cho vay mua xe máy tại thị trường Việt Nam lên đến 40%.
Để thu hút khách hàng vay tiền, các ngân hàng cần có chính sách cho vay thuận tiện cùng với lãi suất ưu đãi. Thông thường, các ngân hàng quốc doanh sẽ cho vay với lãi suất thấp hơn nhưng đi kèm điều kiện xét duyệt cũng khắt khe hơn. Vì thế, dù chiếm tỷ trọng cho vay khách hàng lớn nhưng lợi nhuận của nhóm ngân hàng này vẫn chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các ngân hàng thương mại.
Dần về cuối năm, nhiều ngân hàng đã sử dụng gần hết hạn mức tăng trưởng tín dụng khiến hoạt động cho vay được kiềm chế. Tuy nhiên, các ngân hàng được NHNN cấp thêm hạn mức tín dụng hồi trung tuần tháng 9 vẫn còn dư địa đẩy mạnh cho vay nhằm bứt phá lợi nhuận trong những tháng cuối năm.
*Số liệu sử dụng trong bài viết được FiinPro cập nhật từ báo cáo tài chính quý III/2022 của các ngân hàng công bố công khai.