Trung Quốc hủy 832.000 tấn ngô Mỹ
"Nhà nhập khẩu ngô hàng đầu Trung Quốc có thể hủy thêm các giao dịch mua ngũ cốc từ Mỹ vì nước này có thể mua với giá rẻ hơn từ Brazil và do một số nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước thay thế ngô bằng lúa mì trong khẩu phần ăn", báo Mỹ cảnh báo làn sóng "hoàn tiền" này có thể sẽ tiếp tục trong tương lai.
Từ năm 2021 đến năm 2022, hơn 98% lượng ngô nhập khẩu của Trung Quốc đến từ Mỹ và Ukraine nhưng cuộc xung đột Ukraine đã khiến Trung Quốc phụ thuộc nhiều hơn vào Mỹ.
Trung Quốc mua ngô chủ yếu để làm thức ăn chăn nuôi. Theo dữ liệu của chính phủ Mỹ, Trung Quốc đã mua khoảng 4 triệu tấn ngô từ ngày 14/3 đến ngày 14/4 để đảm bảo ổn định nguồn cung thức ăn chăn nuôi trong nước.
Tuy nhiên, năm nay vụ ngô của Brazil lại bội thu. Đại học Illinois dự đoán, sản lượng ngô của Brazil đạt kỷ lục 50 triệu tấn, thậm chí sẽ vượt cả vụ thu hoạch ngô của Mỹ và đứng đầu thế giới.
Điều này dẫn đến giá ngô tại Brazil sụt giảm nhanh chóng (199 USD/tấn) khiến giá ngô ở Mỹ (230 USD/tấn) không đủ sức cạnh tranh.
"Trên thực tế, Mỹ có lẽ "không nên" nhận những đơn đặt hàng này", Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) dẫn lời ông Ted Seifried, Chiến lược gia trưởng tại Zaner Ag Hedge, công ty môi giới tránh rủi ro nông nghiệp Mỹ, cho rằng nhiều đơn đặt hàng ngô mà người Trung Quốc ký trước đó có thể là để phòng vụ ngô Brazil mất mùa.
Tuy nhiên, vụ thu hoạch bội thu của Brazil đã chứng minh điều ngược lại, những người mua đó đã hủy đơn với Mỹ để chuyển sang ngô Brazil do giá rẻ hơn, nguồn cung lớn.
Trang thông tin phân tích nông nghiệp AgriCensus dự đoán, lũ lụt mùa hè trên sông Mississippi trong vài tháng tới có thể làm tăng khó khăn cho việc xuất khẩu ngũ cốc và làm giảm thêm khả năng cạnh tranh của ngô của Mỹ.
Trung Quốc nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung
Đáng chú ý, động thái hủy đơn đặt hàng ngô Mỹ hàng loạt của Trung Quốc diễn ra giữa bối cảnh Moscow mở cảng Vladivostok cho Bắc Kinh sau 163 năm, dẫn đến nhiều ý kiến trái chiều. Tổng cục Hải quan Trung Quốc đưa thông báo liên quan vào ngày 4/5/2023.
Có ý kiến cho rằng, hai động thái này có liên quan đến nhau.
Bởi đối với Trung Quốc, việc Nga mở cửa cảng Vladivostok có nghĩa là vùng Đông Bắc Trung Quốc được tiếp cận biển, tuyến đường vận chuyển trở nên thuận tiện hơn.
Đông bắc là một cơ sở sản xuất ngũ cốc quan trọng nhưng do thiếu cảng biển nên nhiều tỉnh như Hắc Long Giang, Cát Lâm phụ thuộc rất nhiều vào cảng Đại Liên, cách đó hơn 1.000 km.
Giờ đây, Hắc Long Giang, Cát Lâm có thể vận chuyển hàng hóa qua cảng Vladivostok cách đó chưa đầy 180 km và mỗi container có thể tiết kiệm 3.000 nhân dân tệ chi phí vận chuyển.
Bằng cách này, ngũ cốc từ Đông Bắc sẽ được vận chuyển đến các cảng ở phía Nam sẽ thuận tiện hơn, giúp phân phối ngũ cốc của Trung Quốc trở nên cân bằng hơn.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, đó là điều trùng hợp trong bối cảnh, Trung Quốc hiện đang nỗ lực hết sức để giảm sự phụ thuộc vào Mỹ và tăng cường sức mạnh với Nga.
Vài năm trở lại đây, ngô Mỹ luôn là một trong những mặt hàng nông sản chủ lực nhập khẩu của Trung Quốc. Nếu phụ thuộc nhiều thì rõ ràng sẽ chịu thiệt hại lớn, vì vậy Trung Quốc hiện đang cố gắng hết sức để nhập khẩu ngô từ Brazil, Nam Phi v.v...
Theo một báo cáo mới nhất do tổ chức nghiên cứu ITG Futures công bố, trong quý đầu tiên của năm 2023, Trung Quốc đã nhập khẩu 2,1628 triệu tấn ngô Brazil, chiếm 29,33% tổng lượng ngô xuất khẩu của Brazil.
Kết quả là Trung Quốc đã vượt qua các nước nhập khẩu truyền thống như Nhật Bản và trở thành người mua ngô lớn nhất của Brazil.
Tiếp sau đó, Trung Quốc đã nhanh chóng đưa Nam Phi vào danh sách nhập khẩu ngô của mình.
Ngô là một loại thức ăn chăn nuôi quan trọng ở Trung Quốc và chiếm một vị trí chiến lược quan trọng trong an ninh lương thực nước này.
Văn kiện trung ương số 1 năm 2023 của Trung Quốc nhắc đến ngô 5 lần, chỉ đứng sau đậu tương được nhắc đến 8 lần.
Số liệu thống kê cho thấy trong những năm gần đây, nhập khẩu ngô của Trung Quốc đã tăng lên hàng năm và Trung Quốc là nước nhập khẩu ngô lớn nhất thế giới.
Văn kiện này nêu rõ, Bắc Kinh cần thực hiện chiến lược đa dạng hóa nhập khẩu nông sản theo chiều sâu.
Ông Lý Quốc Tường, nghiên cứu viên Học Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc cho rằng, việc đa dạng hóa nhập khẩu thực phẩm cũng là một trong những đảm bảo quan trọng cho an ninh lương thực Trung Quốc.