Nestlé Việt Nam tiếp tục là đơn vị dẫn đầu trong Top 100 "Doanh nghiệp Bền vững năm 2023” trong lĩnh vực sản xuất. Bên cạnh đó, công ty cũng nằm trong Top 5 Doanh nghiệp tiên phong thực hiện kinh tế tuần hoàn và cắt giảm phát thải các-bon.
Được biết, năm 2023 là năm thứ 3 liên tiếp Nestlé Việt Nam được ghi nhận là Doanh nghiệp Bền vững nhất Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất.
Công ty TNHH Nestlé là công ty có 100% vốn đầu tư nước ngoài, thuộc tập đoàn Nestlé S.A. Được thành lập năm 1995, doanh nghiệp này hiện đang vận hành 4 nhà máy và 2 trung tâm phân phối.
Gần 30 năm hoạt động trên thị trường Việt Nam, Nestlé đã thông qua những cam kết và định hướng trong chiến lược phát triển bền vững để triển khai nhiều hoạt động cải thiện sức khỏe người tiêu dùng, bảo vệ hành tinh xanh. Doanh nghiệp này cũng được công nhận là top 1 doanh nghiệp bền vững nhất Việt Nam.
Về kết quả sản xuất kinh doanh của Nestlé Việt Nam, dữ liệu từ Vietdata cho thấy, doanh thu của Nestlé đang tăng trưởng ở mức ổn định trong giai đoạn 2020-2022.
Cụ thể, trong năm 2022 doanh nghiệp này đạt mức doanh thu 17.298 tỷ đồng, tăng 8.6% so với năm 2021 và 12.2% so với năm 2020.
Cũng theo Vietdata, mặc dù trong giai đoạn kinh doanh khó khăn khi nhiều chi phí tăng cao nhưng Nestlé vẫn luôn giữ vững được mức lợi nhuận sau thuế của mình trong khoảng hơn 1.400 tỷ đồng.
Về quy mô hoạt động của Nestlé tại Việt Nam, theo thông tin tự giới thiệu, tính đến nay, Nestlé đang điều hành 6 nhà máy và gần 2300 nhân viên trên toàn quốc với tổng vốn đầu tư hơn 600 triệu USD.
Nhận định về bối cảnh chung của thị trường sữa, Vietdata đánh giá năm 2023, triển vọng thị trường sữa và các sản phẩm làm từ sữa không có nhiều khả quan. Sau khi trải qua thời kỳ chống chọi với đại dịch covid và tiếp tục phải chịu ảnh hưởng của cuộc chiến tranh giữa Nga và Ukraine đã khiến cho giá nguồn nguyên liệu đầu vào của ngành chế biến sữa tăng cao kỷ lục.
Trong bối cảnh đó, thị trường sữa Việt Nam cũng chịu nhiều sức ép bởi giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, nhiều thương hiệu đã phải thay đổi tăng giá sữa lên 5-10%. Tuy nhiên tỷ lệ tăng giá này vẫn đang thấp hơn so với giá nguyên liệu đầu vào nên lợi nhuận của các doanh nghiệp sữa trong năm nay được nhận định là thấp hơn so với năm ngoái.
Theo đó, thị trường sữa Việt Nam ngày càng cạnh tranh khốc liệt hơn. Các doanh nghiệp không ngừng nghiên cứu và kinh doanh đa dạng các sản phẩm từ sữa bột, sữa tươi, sữa đặc, sữa chua,... để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân giành lấy thị phần của người tiêu dùng.
“Trong tình cảnh thị trường như hiện nay, ngay cả những ông lớn như Vinamilk, TH True Milk, Nestlé, ... cũng đang phải dè chừng trước các đối thủ cạnh tranh nhỏ trong ngành”, Báo cáo ngành sữa năm 2022 của Vietdata nhận định.