Ả Rập Xê Út, "đại gia" dầu mỏ và thành viên của BRICS, từng phát tín hiệu rằng giá dầu thô có thể giảm xuống mức thấp là 50 USD, nếu OPEC không cắt giảm sản lượng.
Theo các nhà phân tích, nói một cách khác, Riyadh đang muốn truyền tải thông điệp rằng nguồn cung dầu sẽ “ngập tràn” thế giới. Diễn biến này sẽ khiến giá dầu sụt giảm và có thể sẽ trừng phạt các thành viên OPEC không hợp tác với việc cắt giảm, bao gồm cả Nga.
Luke Cooper, nghiên cứu viên tại Trường Kinh tế London, cho hay: “Việc Nga sẵn sàng bán dầu với giá chiết khấu và chịu chi phí sản xuất cao hơn, cùng khả năng giá dầu thế giới thấp hơn có thể ảnh hưởng đến ngân sách của nước này.”
Ả Rập Xê Út, chủ tịch “không chính thức” của OPEC, đã nỗ lực giữ giá dầu ở mức trên 100 USD bằng cách thúc đẩy các thành viên giảm sản lượng. Song, khi giá dầu thô quốc tế giao dịch dưới 80 USD, động thái đó lại không hiệu quả. Để thay đổi chiến lược, các nguồn tin tiết lộ với Financial Times rằng Riyadh đang có kế hoạch “mở van” vào tháng 12.
Simon Henderson, giám đốc Bernstein Program, chương trình nghiên cứu về chính sách vùng Vịnh và Năng lượng tại Viện Washington, nhận định: “Ả Rập Xê Út đã mệt mỏi. Việc lãnh đạo OPEC đòi hỏi hướng đi đa diện. Biện pháp này có thể hiệu quả, nhưng đôi khi lại là bất khả thi.”
S&P Global Ratings đưa Nga vào nhóm các nước sản xuất quá nhiều dầu trong OPEC+. Theo dữ liệu mới nhất, Moscow đã sản xuất vượt hạn ngạch hàng ngày là 120.000 thùng vào tháng 7, Iran và Kazakhstan cũng vượt ngưỡng thoả thuận.
Henderson cho rằng, một số thành viên của liên minh này có thể đang nhắm đến việc tối đa hoá lợi nhuận. Ví dụ, Nga đang chi tiêu mạnh cho quốc phòng và an ninh, 2 lĩnh vực này được dự báo sẽ chiếm tổng cộng 40% tổng chi tiêu của Nga vào năm tới.
Trong khi đó, ngân sách của Nga phụ thuộc rất nhiều vào doanh thu từ dầu mỏ. Vài năm trước, hoạt động sản xuất khí đốt và dầu mỏ chiếm 35-40% doanh thu nước này, theo Bộ trưởng Tài chính Nga.
Chính vì lý do này, phương Tây đã tập trung vào việc kìm hãm lợi nhuận thu được từ hoạt động kinh doanh dầu mỏ của Nga. Mức giá trần 60 USD mà nhóm G7 đã áp với dầu Nga dù không có tác dụng, nhưng hành động này được coi là chìa khoá để duy trì nguồn cung dầu ổn định trong khi làm giảm nguồn thu quan trọng của Điện Kremlin.
Nga có thể “lách” mức giá trần bằng cách sử dụng “tàu ma” để chở dầu, song rủi ro Riyadh “ép" giá dầu xuống 50 USD còn là điều mà Nga khó giải quyết hơn.
Tình hình có thể trở nên tồi tệ nếu việc cắt giảm nguồn cung của Ả Rập Xê Út khiến cuộc chiến giá dầu với Nga bị “thổi bùng”. Henderson cho rằng trường hợp này có thể sẽ xảy ra như năm 2020. Khi đó, những bất đồng trong việc cắt giảm sản lượng đã thúc đẩy cả 2 nước giải phóng nguồn cung dầu, xem ai có thể tồn tại lâu hơn khi giá dầu xuống thấp.
Trong những trường hợp như vậy, dự trữ ngoại hối là một yếu tố thiết yếu, song giờ đây lại là vấn đề với Nga. Quỹ Tài sản Quốc gia của Nga đã sụt giảm gần 1 nửa vào đầu năm nay vì quốc gia này hỗ trợ ngân sách khi giá dầu xuống thấp, trong khi không có nguồn tiền tệ phương Tây để đa dạng hoá kho dự trữ ngoại hối.
Henderson cho hay, vẫn chưa biết liệu Tổng thống Vladimir Putin có tham gia vào cuộc chiến giá dầu với Riyadh hay không. Theo Henderson, rất khó để dự đoán các động thái của Điện Kremlin vì có nhiều yếu tố bí ẩn liên quan đến doanh số bán dầu của Nga.
Tuy nhiên, 2 thành viên này của BRICS có thể đang mâu thuẫn. Tuần vừa qua, phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết vẫn chưa rõ liệu OPEC có nên tăng sản lượng dầu tại cuộc họp tháng 12 hay không, như Ả Rập Xê Út đã phát tín hiệu.
Cooper nhận định nếu tình hình trở nên tồi tệ hơn, cuộc chiến giá dầu sẽ là tin xấu với Nga. Ông nói: “Không như Ả Rập Xê Út, việc khai thác dầu Nga tốn kém hơn, theo đó nước này khó có đủ khả năng để ứng phó trong trường hợp giá dầu thấp. Hơn nữa, Nga vẫn đang chi tiêu mạnh cho lĩnh vực quân sự kể từ khi mâu thuẫn với Ukraine nổ ra.”
Tham khảo BI