Phát biểu tại buổi họp báo, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, nền kinh tế toàn cầu được dự báo giảm trong năm 2022 so với các dự báo đưa ra trước đó của các tổ chức quốc tế.
Theo nhận định, cuộc chiến với đại dịch Covid 19 vẫn tiếp tục tiếp diễn trên toàn cầu, cuộc xung đột giữa Nga và Ucraina… sẽ tạo ra một lực cản lớn đối với sự hồi phục kinh tế toàn cầu, tạo nên những căng thẳng mới đối với chuỗi cung ứng và tạo áp lực lạm phát mạnh hơn. Thương mại toàn cầu có xu hướng tăng, tuy nhiên sự gián đoạn nguồn cung, giá cước vận tải gia tăng đã làm giảm sức mạnh phục hồi của thương mại hàng hóa.
Giá các mặt hàng chiến lược, thiết yếu (giá dầu, khí đốt, giá lương thực) và giá các mặt hàng nguyên vật liệu sản xuất (than, gỗ, phân bón, titan, nhôm…) tiếp tục tăng cao, một số mặt hàng chạm các mốc kỷ lục đã ảnh hưởng đến phát triển một số ngành sản xuất công nghiệp.
Sản xuất công nghiệp được khôi phục
Chia sẻ về tình hình sản xuất công nghiệp, ông Đỗ Thắng Hải cho biết, trong quý 1/2022, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 7,07%, tăng cao hơn so với mức tăng chung của toàn nền kinh tế (tăng 5,03%) và tăng cao hơn so với mức tăng của cùng kỳ năm trước (quý 1/2021 tăng 6,44%), đóng góp 2,42 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế.
Nhìn chung, sản xuất công nghiệp quý 1/2022 được khôi phục ở hầu hết các ngành, nhu cầu và sản lượng sản xuất đều tăng, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đã hoạt động trở lại, nối lại các chuỗi cung ứng cơ bản thông suốt. Chỉ số Nhà Quản trị mua hàng (PMI) tháng 2 tiếp tục tăng đạt 54,3 điểm, số lượng đơn đặt hàng mới tăng và điều kiện kinh doanh ổn định đã góp phần làm tăng sản lượng sản xuất trong nước.
Về xuất nhập khẩu, mặc dù tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, chi phí vận chuyển tăng cao, ảnh hưởng bởi căng thẳng, xung đột chính trị giữa Nga và Ukraine … nhưng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam trong quý I/2022 vẫn ghi nhận mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước, ước tính đạt 176,35 tỷ USD, tăng 14,37% so với cùng kỳ năm trước, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 88,58 tỷ USD, tăng 12,9%; nhập khẩu hàng hóa đạt 87,77 tỷ USD, tăng 15,9%. Cán cân thương mại hàng hóa quý I/2022 ước tính xuất siêu 809 triệu USD.
Về thị trường trong nước, hoạt động thương mại dịch vụ đã từng bước khôi phục, thị trường hàng hóa và đời sống của người dân dần ổn định, các điểm bán lẻ, hệ thống phân phối, nhà hàng, khách sạn, hàng quán kinh doanh ăn uống… đã mở cửa trở lại toàn hệ thống.
Các cơ sở kinh doanh bán hàng song song cả hình thức trực tiếp và trực tuyến đã khiến tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ gia tăng, tháng 3 đạt 438.000 tỷ đồng, tăng 2,9% so với tháng trước và tăng 9,4% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 9,2%).
Đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước
Chia sẻ về tình hình xăng dầu trong nước, ông Hoàng Anh Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết, từ năm 2021 đến nay, sự cố từ Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn đã ảnh hưởng rất lớn đến thị trường xăng dầu trong nước bởi Nghi Sơn đang chiếm 30% nguồn cung xăng dầu trong nước dẫn đến việc thiếu hụt xăng dầu trong thời gian rất ngắn.
Bộ Công Thương đã có nhiều văn bản chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn báo cáo kế hoạch tái khởi động sản xuất, kế hoạch cung ứng, giao hàng cho thương nhân đầu mối.
Bộ Công thương đã ban hành Quyết định số 242 yêu cầu các thương nhân đầu mối ngoài tổng nguồn đã giao năm 2022 thì đẩy mạnh tăng kế hoạch nhập khẩu.
Mặc dù vậy, việc nhập khẩu xăng dầu cũng đang gặp nhiều khó khăn sau 2 năm chịu ảnh hưởng của dịch Covid. Tuy nhiên với sự nỗ lực của thương nhân đầu mối đã đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước thời gian vừa qua và trong thời gian sắp tới.
Tiêu thụ nông sản khả quan
Thông tin về tình hình tiêu thụ nông sản, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết, trong quý 1/2022 tăng trưởng xuất khẩu chung của các mặt hàng là 10%, riêng tăng trưởng xuất khẩu nông sản đạt 19%. Đặc biệt, gạo, cà phê, thủy sản còn có tốc độ tăng trưởng cao hơn nữa, từ 38-50%.
“Hiện nay, tình hình tiêu thụ nông sản rất tốt bởi 3 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu nông sản đạt 7,2 tỷ USD, tăng trưởng 19% so với cùng kỳ. Đặc biệt, số lượng xe hàng còn ùn tắc ở cửa khẩu Lạng Sơn đã giảm đi nhiều và chỉ còn khoảng 1.000 xe”, ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh.
Ông Trần Thanh Hải chia sẻ thêm, tuy vậy tình hình tiêu thụ nông sản vẫn gặp một số khó khăn ở một số nhóm hàng và một số thời điểm cụ thể. Chẳng hạn như mặt hàng trái cây xuất khẩu qua các cửa khẩu đường bộ biên giới sang Trung Quốc. Do đó, để tháo gỡ khó khăn Bộ Công Thương đã xây dựng dự thảo và trình Thủ tướng Chính phủ Đề án về chuyển hoạt động thương mại biên giới từ tiểu ngạch sang chính ngạch.
Bộ Công Thương cũng thành lập Ban chỉ đạo giải quyết vấn đề ùn tắc nông sản tại các cửa khẩu biên giới. Phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc đẩy mạnh đàm phán với Trung Quốc để gia tăng số lượng mặt hàng trái cây xuất khẩu chính ngạch trong thời gian tới. Phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải hướng dẫn doanh nghiệp thay đổi phương thức giao nhận và tận dụng các phương thức khác ngoài đường bộ như đường sắt, đường biển.
Theo ông Trần Thanh Hải, tại thời điểm này, số lượng xe hàng còn nằm ở khu vực biên giới đã giảm đi rất nhiều. Việc này do chính sách chống dịch của Trung Quốc chưa thay đổi làm khả năng thông quan bị giảm đi nhiều, khiến doanh nghiệp hạn chế đưa hàng lên cửa khẩu.
Bộ Công Thương cũng phối hợp với các hiệp hội, địa phương tổ chức tập huấn cho doanh nghiệp về xuất khẩu nông sản nói chung, xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc nói riêng; trong đó, có việc biên soạn tài liệu hướng dẫn doanh nghiệp tìm thị trường, bạn hàng, các điều cần lưu ý khi tham gia hoạt động xuất khẩu, kể cả chính ngạch và tiểu ngạch.
Thời gian tới sẽ xuất bản cuốn Cẩm nang hướng dẫn các doanh nghiệp chuyển sang xuất khẩu chính ngạch và huy động hệ thống các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài đẩy mạnh mở rộng các thị trường khác, ngoài các thị trường truyền thống như Trung Quốc, EU, Mỹ sang các khu vực thị trường khác như Mỹ la tinh, Trung Đông, Đông Bắc Á...
Nhấn mạnh thêm, ông Trần Thanh Hải cho biết, mặc dù Bộ Công Thương đang khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh chuyển sang hình thức xuất khẩu chính ngạch nhưng hoạt động thương mại biên giới vẫn tồn tại với những ưu điểm riêng. Đây là phương thức mà các địa phương, doanh nghiệp có thể sử dụng nhưng để cân đối tỷ lệ và phát huy hiệu quả của các phương thức này trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ phối hợp, trao đổi với các hiệp hội, địa phương để đẩy mạnh việc chuyển đổi sang chính ngạch.
Lý giải nguyên nhân tại sao năm nào cũng có hiện tượng ùn tắc, hoặc không tiêu thụ được các sản phẩm và người dân, doanh nghiệp không xuất khẩu chính ngạch, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định, cần phải nhìn nhận đó là một thực tế, bởi sự manh mún trong hoạt động sản xuất kinh doanh, sự phối hợp giữa doanh nghiệp, nhà sản xuất, nông dân… còn nhiều bất cập, chưa đạt được ở nước khác.
Việt Nam là một trong những nước có xuất khẩu tăng trưởng cao nên muốn có sự tăng trưởng bền vững thì xuất khẩu chính ngạch phải tốt. Dù vậy, thực tế vẫn còn tồn tại hoạt động xuất khẩu tiểu ngạch. Đây là cả một quá trình và để giải quyết được nên một mặt phải khuyến khích người dân, người sản xuất, nông dân, kể cả các doanh nghiệp hoạt động theo chính ngạch, nhưng mặt khác cũng phải tập trung tháo gỡ khó khăn do chính nội tại hiện nay.