Nâng tầm giá trị nguồn lực đất đai

Lê Sáng | 07:45 20/01/2023

“Luật Đất đai (sửa đổi) với nhiều điểm mới, đặc biệt là trong công tác định giá đất, được kỳ vọng sẽ là động lực mạnh mẽ giúp khơi thông và nâng tầm nguồn lực đất đai của quốc gia trong giai đoạn tới…”, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định.

Nâng tầm giá trị nguồn lực đất đai
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà.

Theo nhận định của các chuyên gia, sau hơn 8 năm kể từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành, đến nay chúng ta đã tạo được hệ thống cơ sở pháp lý khá đồng bộ, toàn diện. Cùng với Luật Đất đai 2013, nhiều bộ luật khác đã thể chế hóa được Nghị quyết 19 Trung ương về chính sách liên quan đến đất đai.

Sử dụng chưa hiệu quả nguồn lực đất đai

Nếu như nguồn lực đất đai năm 2013 đóng góp 7-8% nguồn thu ngân sách thì đến năm 2021-2022 tăng lên trung bình 15-20%, có địa phương đóng góp đến 35% tổng thu ngân sách. Giai đoạn vừa qua nguồn lực đất đai đã cân đối được mọi nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng.

Bên cạnh kết quả đạt được, khi tổng kết Nghị quyết 19 và Luật Đất đai năm 2013, cho thấy nhiều vấn đề đặt ra với hệ thống pháp luật hiện nay.

Trước những vấn đề đặt ra từ cả thực tiễn và lý luận, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng: Việc sửa đổi Luật Đất đai là cấp thiết do các quy định liên quan đến đất đai vẫn có khe hở, yếu kém, một bộ phận cán bộ quản lý lợi dụng để mang lại lợi ích không chính đáng cho mình.

“Hiện nay nguồn lực đất đai còn sử dụng chưa hiệu quả, nhiều khu vực thành phố đất nông nghiệp bỏ hoang, nhiều dự án chậm triển khai, không đưa đất vào sử dụng. Bên cạnh đó, vốn là quốc gia có lợi thế về nông nghiệp nhưng do quá trình khai thác sử dụng đất chưa bền vững nên đất đai đang thoái hóa cả về chất lượng lẫn số lượng. Chất lượng đất giảm đi do hoạt động canh tác, thoái hóa, hoang mạc hóa, ô nhiễm...”, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhận định.

Nhà nước giao đất chủ yếu không đấu thầu, đấu giá mà tính giá theo khung và bảng giá đất. Trong khi khung, bảng giá đất không theo kịp giá thị trường. Đây là bất cập rất lớn. Mặt khác, việc tính toán thu thuế trên hợp đồng làm cho người dân không khai thật. Do đó, phương pháp mới nhất được đưa vào dự luật lần này là xây dựng bảng giá đất đến từng thửa đất theo vùng giá trị, thửa đất chuẩn.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà

Việt Nam sẽ có hệ thống định giá đất mới

Với tầm quan trọng được đánh giá như là một “Luật mẹ” có tính định hướng, điều tiết hàng loạt các quy định liên quan đến vấn đề đất đai, Luật Đất đai (sửa đổi) đang được bàn thảo hết sức sôi nổi từ Nghị trường Quốc hội đến các cơ quan quản lý, chuyên gia nghiên cứu và người dân.

Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà sẽ có 3 điểm mới quan trọng nhất, tác động mạnh mẽ nhất đến người dân trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm: Các vấn đề liên quan đến quy hoạch, những tồn tại vướng mắc, tố cáo, mất an ninh trật tự, tham nhũng, trục lợi, tài chính, định giá đất đai; vấn đề chuyển đổi số, áp dụng công nghệ thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai .

Đáng chú ý, trong vòng 5 năm, Việt Nam sẽ có hệ thống định giá đất mới. Theo đó, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhận định hiện nay, vấn đề cần giải quyết và được người dân quan tâm nhất là làm sao xác định giá phù hợp với giá phổ biến trên thị trường trong điều kiện bình thường.

Theo đó, để xác định được giá phổ biến trên thị trường trong điều kiện bình thường cần thu thập thông tin dữ liệu giá đất thông qua quá trình giao dịch của người mua với người bán trên thị trường cũng như giá đất Nhà nước giao đất trên thị trường sơ cấp thông qua đấu giá, đấu thầu để có cơ sở dữ liệu giá đất phù hợp với thị trường.

Tuy nhiên, hiện nay, theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, công tác định giá đất hiện nay dù có đến 5 phương pháp nhưng thực tiễn cho thấy vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra dù cũng đã có phương án dự báo, thống kê để quy đổi nhưng giá thị trường xác định được vẫn còn nhiều sai lệch, thông qua hệ số biến động xác định biến động của thị trường.

Từ đó, theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, vấn đề quan trọng nhất trong bài toán định giá đất sát thị trường là thông tin về giá đất, tức phải tạo bản đồ vùng giá trị, thể hiện được từ giá Nhà nước giao đất, đấu giá đất đến giá giao dịch thương mại thế nào.

Khi có dữ liệu thông tin về giá đất sẽ giúp sẽ đưa ra giá đầy đủ, chỉ cần làm phép tính đơn giản để đưa ra giá trị trung bình. Với các nước, thường mất 5-10 năm, để đưa ra bảng giá đất theo vùng giá trị đất và hiện ở Việt Nam, nhiều địa phương đã áp dụng phương pháp này để xác định giá đất và biến động giá đất thị trường.

“Như vậy, hy vọng trong vòng khoảng 5 năm tới, Việt Nam sẽ có hệ thống định giá đất mới. Đến năm 2025, sẽ cơ bản có cơ sở dữ liệu đất đai, trong đó bao gồm bản đồ về giá đất đai. Khi đó, các thửa đất đều được thể hiện trên bản đồ địa chính, gắn với giá đất thu thập hàng ngày. Hiện nay, chúng ta phải kết hợp các phương pháp định giá và việc lập bản đồ giá trị đất đai phụ thuộc vào từng khu vực, nơi nào có nhiều giao dịch đất đai diễn ra thì sẽ càng sớm thu thập được cơ sở dữ liệu phục vụ định giá đất”, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nâng tầm giá trị nguồn lực đất đai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO