Tại ĐHĐCĐ thường niên 2023 của CTCP Cơ điện lạnh (REE) vừa qua, khi được hỏi lý do REE nắm giữ cổ Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB), Chủ tịch HĐQT - bà Nguyễn Thị Mai Thanh - phân tích: “VIB là ngân hàng mới nổi nhưng rất năng động, vấn đề nợ xấu ngân hàng này ở mức rất an toàn, vì tỷ lệ cho vay trong bất động sản chưa tới 3%. Ngân hàng này tập trung vào bán lẻ, cho vay mua nhà có số đỏ, xe hơi và tỷ lệ lợi nhuận/vốn chủ sở hữu (ROE) dưới 30%, năm nay trả cổ tức 20% bằng tiền mặt, 15% bằng cổ phiếu”.
Mặt khác, đầu tư vào VIB là hoạt động đầu tư tài chính, được REE thực hiện do 2 năm qua, lĩnh vực đầu tư năng lượng và đầu tư bất động sản cùng "tắc".
Tính đến cuối năm 2022, giá gốc các khoản đầu tư chứng khoán của REE là 790 tỷ đồng. Trong đó, khoản đầu tư chiếm giá trị lớn nhất là VIB với giá gốc 738 tỷ đồng (tương đương 38,8 triệu cổ phiếu), giá trị hợp lý vào mức 800,85 tỷ đồng. Như vậy, tính đến cuối năm 2022 thì REE đang tạm lãi 62,5 tỷ đồng từ mã VIB, tương đương 8,5%.
Trên thị trường, VIB từ đầu năm có đà tăng tốt, hiện thị giá ở mức 21.400 đồng/cp. Tạm tính theo mức giá này, khoản đầu tư của REE đang có giá trị hợp lý khoảng 831 tỷ đồng. Khoản đầu tư này được REE thực hiện vào quý 4/2022, như vậy chỉ sau vài tháng REE đã “bỏ túi” cả trăm tỷ từ khoản đầu tư vào VIB.
“Tính trên giá cổ phiếu VIB, hiện REE đang lời hơn 20%. REE cũng sắp nhận 20% cổ tức bằng cổ phiếu từ VIB, do đó REE có thể nắm giữ VIB cho đến khi có dự án năng lượng tái tạo lớn sẽ cân nhắc thoái vốn”, bà Thanh nói.
Ngoài ra, Đại hội năm nay của VIB đã thống nhất chia trả cổ tức, cổ phiếu thưởng cho cổ đông với tỷ lệ 15% bằng tiền mặt và 20% bằng cổ phiếu. Như vậy, không chỉ chênh lệch giá trị, REE cũng sắp nhận thêm hơn 58 tỷ đồng cổ tức (chưa kể 20% cổ phiếu).