Nâng cao vai trò của Hội Thẩm định giá trong cơ chế kinh tế thị trường

Lê Khang | 11:08 28/07/2022

“Nhiều ý kiến đóng góp của Hội Thẩm định giá Việt Nam có giá trị thực tiễn, mang tính phản biện và đóng góp có giá trị trong việc xây dựng chính sách trong lĩnh vực giá và thẩm định giá; đồng thời ghi nhận các thành tích về đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên ngành về thẩm định giá…”, Bộ Tài chính đã đánh giá về vai trò của Hội Thẩm định giá Việt Nam.

Nâng cao vai trò của Hội Thẩm định giá trong cơ chế kinh tế thị trường
Hội Thẩm định giá Việt Nam tổ chức lấy ý kiến cho dự thảo Luật Giá (sửa đổi).

Chia sẻ về những đóng góp của Hội Thẩm định giá Việt Nam, ông Nguyễn Tiến Thỏa - Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam dẫn lại quá trình lịch sử, Đại hội toàn quốc lần thứ VI năm 1986 của Đảng đánh dấu một thời khắc lịch sử ghi nhận quyết tâm đổi mới từ dạng kinh tế của Đảng bằng việc thực hiện cuộc cải cách cơ chế kinh tế: Chuyển từ cơ chế kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang cơ chế kinh tế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước theo định hướng XHCN.

Cải cách cơ chế quản lý giá kế hoạch

Ông Nguyễn Tiến Thỏa nhấn mạnh, trong cuộc cải cách tổng thể về cơ chế kinh tế, Đảng ta xác định: Cải cách cơ chế quản lý giá kế hoạch (cơ chế mà Nhà nước quyết định giá của hầu hết các loại hàng hóa, dịch vụ, trong nền kinh tế, thực hiện chế độ bao cấp qua giá cho cả nền kinh tế trong hơn 3 thập kỷ (1954-1986) được coi là vị trí trung tâm, là khâu đột phá của quá trình đoạn tuyệt với cơ chế kinh tế đã lỗi thời, không phù hợp với xu thế hội nhập kinh tế quốc tế và không còn động lực thúc đẩy nền kinh tế phát triển; thay vào đó là thực hiện nhất quán cơ chế giá thị trường có sự điều tiết của Nhà nước, thực hiện nguyên tắc xuyên suốt là tôn trọng quyền tự định giá, thỏa thuận và cạnh tranh bình đẳng về giá giữa các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh mở ra điều kiện để các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh thực hiện được quyền tự chủ về giá, tài chính và hiệu quả sản xuất kinh doanh theo hệ thống tín hiệu khách quan về giá trên thị trường.

Cơ chế giá đó đã góp phần đắc lực vào việc giải phóng, khai thác và phát huy có hiệu quả mọi nguồn lực của đất nước, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển nền kinh tế bền vững.

Những tác động tích cực của cơ chế kinh tế mới; trong đó có cơ chế giá thị trường mà cốt lõi là người mua và người bán thỏa thuận với nhau xác định giá đem lại là không thể phủ nhận.

Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực đó, thì cơ chế giá thị trường – tự trong lòng nó – luôn chứa đựng tiềm ẩn những yếu tố tác động tự phát điều tiết thị trường làm cho giá thị trường không phải lúc nào cũng hình thành và vận động đúng với giá trị thực của tài sản. Chính vì vậy, các đối tác tham gia thị trường gặp nhiều khó khăn trong việc xác định giá trị thực của tài sản để ra các quyết định đầu tư, mua bán, thực hiện các nghĩa vụ tài chính… phù hợp, ngăn ngừa các rủi ro, các thiệt hại có thể xảy ra.

Để giải quyết các khó khăn đó, các đối tác tham gia thị trường tài sản đều có nhu cầu cần một tổ chức tài chính trung gian giúp xác định giá thị trường thực của tài sản để tư vấn cho mình thực hiện quá trình giao dịch thuận lợi, thỏa mãn lợi ích theo nguyên tắc thị trường.

Cùng với sự phát triển của nền kinh tế và thị trường của các loại tài sản được xây dựng và tổ chức hoạt động theo hướng trở thành nơi để các chủ thể kinh tế tham gia tác động lẫn nhau xác định các vấn đề cơ bản của nền kinh tế thì nhu cầu xác định giá tài sản – thế giới gọi là thẩm định giá – xuất hiện ngày càng nhiều và đa dạng trên nhiều lĩnh vực ở nền kinh tế nước ta như: Xác định giá trị tài sản mua sắm từ nguồn ngân sách Nhà nước; Xác định giá trị tài sản để góp vốn đầu tư, thế chấp, tính thuế, mua sắm, chuyển nhượng; Cổ phần hóa, sáp nhập, mua bán, giải thể, phá sản doanh nghiệp.

Để đáp ứng nhu cầu trên, tháng 2/1998 Ban Vật giá Chính phủ thành lập Trung tâm tư vấn dịch vụ kiểm định giá (đặt trụ sở tại TP.Hà Nội), tháng 9/1999 thành lập Trung tâm thông tin và kiểm định giá Miền Nam (đặt trụ sở tại TP. Hồ Chí Minh). Đây là hai trung tâm làm nhiệm vụ cung ứng dịch vụ thẩm định giá đầu tiên của cả nước.

Cũng từ khoảng thời gian đó, nhiều Sở Tài chính – Vật giá các tỉnh, thành phố cũng đã thành lập các Trung tâm thẩm định giá để cung ứng dịch vụ thẩm định giá đáp ứng nhu cầu thẩm định giá trên địa bàn, chính thức đánh dấu sự ra đời của nghề thẩm định giá ở nước ta.

Tuy là một ngành nghề mới được hình thành, nhưng thẩm định giá Việt Nam đã nhanh chóng vươn ra hội nhập với nghề thẩm định giá trên Thế giới và được nhiều tổ chức quốc tế thừa nhận, cụ thể: Ngày 8/6/1997 Thủ tướng Chính phủ đã cho phép Ban Vật giá Chính phủ Việt Nam gia nhập và là thành viên chính thức của Hiệp hội thẩm định giá ASEAN; Ngày 1/6/1998 tham gia Ủy ban Tiêu chuẩn thẩm định giá quốc tế với tư cách là hội viên thông tấn và đến tháng 11/2009 đã trở thành thành viên chính thức của Hội đồng Tiêu chuẩn thẩm định giá quốc tế.

Năm 2002, Pháp lệnh giá ra đời chính thức cho phép thành lập các doanh nghiệp thẩm định giá và yêu cầu 2 Trung tâm thẩm định giá trực thuộc Ban Vật giá Chính phủ và 34 Trung tâm thẩm định giá thuộc Sở Tài chính các tỉnh, thành phố chuyển sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp.

1635593028234-1130x800.jpg
Ông Nguyễn Tiến Thỏa - Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam.

“Cầu nối” giữa các doanh nghiệp thẩm định giá với cơ quan quản lý Nhà nước

Xuất phát từ tình hình thực tế và quy mô hoạt động của nghề thẩm định giá, nhu cầu thành lập Hội Thẩm định giá Việt Nam đã xuất hiện. Mặc dù Pháp lệnh giá không có quy định về thành lập Hội mà mãi đến 10 năm sau khi Luật Giá ra đời mới có quy định về tổ chức nghề nghiệp về thẩm định giá; nhưng tại thời điểm đó, căn cứ Nghị định của Chính phủ quy định về Hội, ngày 26/5/2005 Bộ Trưởng Bộ Nội vụ đã có quyết định số 138/2005/QĐ-BNV về việc cho phép thành lập Hội Thẩm định giá Việt Nam hoạt động theo Điều lệ của Hội được Bộ trưởng Bộ Nội vụ phê duyệt và chịu sự quản lý Nhà nước của Bộ Tài chính.

Đây là một quyết định đúng đắn phù hợp với thông lệ quốc tế và đáp ứng được nguyện vọng của các doanh nghiệp thẩm định giá.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa nhấn mạnh, Hội Thẩm định giá Việt Nam là tổ chức xã hội nghề nghiệp, được thành lập trên cơ sở tự nguyện của các tổ chức và công dân Việt Nam thuộc mọi thành phần kinh tế hoạt động trong lĩnh vực tư vấn định giá và thẩm định giá theo quy định của pháp luật.

Có thể khái quát vai trò của Hội Thẩm định giá Việt Nam trong cơ chế kinh tế thị trường như sau: Hội là một tổ chức được coi như một “Mái nhà chung” của ngành nghề thẩm định giá, thực hiện tập hợp, đoàn kết hội viên; đại diện cho quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của hội viên phù hợp với tôn chỉ, mục đích hoạt động của Hội theo quy định của pháp luật; phối hợp, liên kết hỗ trợ hoạt động của các hội viên vì lợi ích chung và vì sự phát triển của nghề nghiệp; Vận động, khuyến khích hội viên nghiêm túc chấp hành pháp luật về thẩm định giá, giữ gìn đạo đức nghề nghiệp, nâng cao chất lượng dịch vụ đáp ứng một cách tốt nhất nhu cầu thẩm định giá của xã hội.

Đại diện hội viên tham gia các chương trình, dự án, đề tài nghiên cứu, tư vấn, phản biện và giám định xã hội theo đề nghị của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; tham gia, kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền về các chủ trương, chính sách, pháp luật liên quan đến lĩnh vực thẩm định giá. Đại diện cho hội viên trong mối quan hệ đối nội, đối ngoại, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực thẩm định giá có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Hội. Thực hiện hòa giải tranh chấp, giải quyết khiếu nại tố cáo trong nội bộ Hội theo quy định của pháp luật.

Hội đóng vai trò là “cầu nối” giữa các doanh nghiệp thẩm định giá với cơ quan quản lý Nhà nước, hỗ trợ các doanh nghiệp thẩm định giá phản ánh tâm tư, nguyện vọng, những khó khăn, vướng mắc để cơ quan quản lý Nhà nước tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động thẩm định giá. Đồng thời, Hội cũng đóng vai trò là “cánh tay nối dài” của cơ quan quản lý Nhà nước, hỗ trợ cơ quan quản lý Nhà nước theo dõi, giám sát, quản lý lĩnh vực thẩm định giá có hiệu quả hơn.

Thực hiện việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên ngành về thẩm định giá; đào tạo hành nghề, tổ chức truyền tải các thông tin về thẩm định giá, tuyên truyền pháp luật về thẩm định giá và tổ chức các hoạt động dịch vụ khác theo quy định của pháp luật.

Làm tốt vai trò phản biện chính sách và đào tạo kiến thức chuyên ngành

Là một tổ chức Hội ra đời muộn hơn rất nhiều so với các tổ chức Hội hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ tài chính và gặp khá nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động, nhưng sau gần 20 năm nỗ lực phấn đấu, đoàn kết, khắc phục khó khăn, Hội Thẩm định giá Việt Nam đã đạt được nhiều thành quả và đã có những bước trưởng thành đang ghi nhận trên nhiều lĩnh vực.

Tại Đại hội nhiệm kỳ III của Hội, Bộ Tài chính đã đánh giá khái quát về kết quả hoạt động của Hội: “Bộ Tài chính luôn đánh giá cao những đóng góp của Hội Thẩm định giá Việt Nam trong việc tham gia với cơ quan quản lý Nhà nước mà trực tiếp là Bộ Tài chính trong việc xây dựng và hoàn thiện khung khổ pháp lý về thẩm định giá; nhiều ý kiến đóng góp của Hội có giá trị thực tiễn, mang tính phản biện và đóng góp có giá trị trong việc xây dựng chính sách trong lĩnh vực giá và thẩm định giá; đồng thời ghi nhận các thành tích về đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên ngành về thẩm định giá; Công tác thông tin tuyên truyền, nghiên cứu khoa học và các công tác khác…

Những thành công trong hoạt động của Hội được đánh giá cụ thể nổi bật trong các hoạt động sau:

Thứ nhất: Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tham mưu, tư vấn, phản biện, góp ý xây dựng và hoàn thiện khung khổ pháp lý, cơ chế chính sách về kinh tế - tài chính giá và thẩm định giá theo yêu cầu của các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan và của Bộ Tài chính, góp phần tạo lập môi trường pháp lý phù hợp hơn với cơ chế kinh tế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước cho việc quản lý hoạt động về giá và thẩm định giá.

Nhìn chung các đề xuất, góp ý của Hội đều được các cơ quan quản lý Nhà nước có yêu cầu đóng góp ý kiến đánh giá cao do bảo đảm đúng yêu cầu, thời gian, chất lượng tốt, có tính khả thi. Các nội dung đề xuất, góp ý đều được các cơ quan có yêu cầu góp ý nghiên cứu, tiếp thu đưa vào xây dựng và hoàn thiện các văn bản pháp luật, đặc biệt là những góp ý để xây dựng một hệ thống pháp luật về giá và thẩm định giá bảo đảm sự gắn kết, tính thống nhất với hệ thống các Luật có liên quan góp phần tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho hoạt động thẩm định giá hiệu quả đáp ứng tốt yêu cầu quản lý Nhà nước về giá, nhu cầu của xã hội, góp phần tích cực vào việc khẳng định uy tín của Hội, giảm thiểu được sự mâu thuẫn, chồng chéo trong hoạt động thực tiễn…

Thứ hai: Chủ động, tích cực bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các hội viên thông qua các hoạt động: Tích cực phản ánh với cơ quan quản lý Nhà nước tâm tư, nguyện vọng, những khó khăn vướng mắc của thực tiễn hoạt động thẩm định giá mà các doanh nghiệp, thẩm định viên gặp phải để được tháo gỡ. Trao đổi làm rõ các kết quả thẩm định giá của một số doanh nghiệp với các cơ quan có thẩm quyền, cơ quan bảo vệ pháp luật, các cơ quan truyền thông đồng thời có những đề xuất, kiến nghị xử lý hợp lý phù hợp với quy định của pháp luật…

Chú trọng phối hợp với các doanh nghiệp hội viên nghiên cứu, giải đáp, tháo gỡ những vướng mắc về nghiệp vụ và các việc cần chấn chỉnh, rút kinh nghiệm, khắc phục những thiếu sót đối với một số thương vụ thẩm định giá. Hỗ trợ tích cực các doanh nghiệp trong trách nhiệm giải trình với cơ quan có thẩm quyền, cơ quan pháp luật về hoạt động cung ứng dịch vụ thẩm định giá…

Trực tiếp giới thiệu trên một số thông tin đại chúng, trên Website của Hội đối với các hội viên đủ điều kiện hoạt động theo quy định của pháp luật; Giới thiệu, quảng bá hình ảnh hoạt động của các doanh nghiệp hội viên giúp cho khách hàng thẩm định giá biết được thực trạng hoạt động, năng lực của các doanh nghiệp hội viên để có niềm tin khi lựa chọn doanh nghiệp thẩm định giá đáp ứng nhu cầu thẩm định giá của mình.

Tổ chức kết nối thông tin chặt chẽ giữa Văn phòng trung ương hội với các hội viên trong cả nước qua Website, email và các mạng xã hội (của cả tập thể và cá nhân) để không chỉ truyền tải các chủ trương, kết quả hoạt động của Hội) các cơ chế chính sách, pháp luật của Nhà nước về thẩm định giá đến các hội viên mà còn thông qua đó để Hội nắm bắt và giải quyết được những đề xuất, kiến nghị, giải đáp những vướng mắc của hội viên về nghiệp vụ thẩm định giá; hòa giải những tranh chấp xảy ra giữa các tổ chức thẩm định giá về vấn đề thị trường, cạnh tranh, chất lượng dịch vụ…

Công tác thông tin tuyên truyền về cơ chế chính sách, chủ trương quản lý và điều tiết giá, các quy định về thẩm định giá của Nhà nước được Hội chủ trương thực hiện tích cực, thường xuyên, thực hiện bằng nhiều hình thức trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin điện tử của Hội và trên Tạp chí điện tử Nhịp sống Thị trường/Markettimes.vn.

Công tác nghiên cứu khoa học về giá, thẩm định giá và các vấn đề kinh tế vĩ mô để tham mưu, đề xuất ý kiến với cơ quan quản lý Nhà nước cũng có những thành công được ghi nhận. Công tác hợp tác quốc tế với một số tổ chức quốc tế được phát huy trên các lĩnh vực: đào tạo, chuyển giao kiến thức, thông tin.

Đáng chú ý là Hội đã đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên ngành về thẩm định giá cho các đối tượng trong xã hội có nhu cầu tự nguyện tham gia học tập. Đến nay Hội đã mở được trên 130 lớp đào tạo cho khoảng trên 7.000 người, trở thành cơ sở đào tạo ngắn hạn về thẩm định giá có uy tín trong xã hội. Bên cạnh hình thức đào tạo đó, Hội rất chú trọng việc cập nhật kiến thức hàng năm về thẩm định giá cho các thẩm định viên về giá, mỗi năm gần đây trung bình gần 1.000 người theo học các lớp của Hội…

Xã hội hóa hình thức đào tạo thẩm định viên về giá

Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, để nâng cao vai trò của Hội Thẩm định giá Việt Nam góp phần thúc đẩy nghề nghiệp thẩm định giá phát triển đáp ứng nhu cầu của xã hội dự thảo Luật Giá sửa đổi cần lưu ý.

Thứ nhất, xuất phát từ vai trò của Hội Thẩm định giá Việt Nam trong nền kinh tế thị trường, bảo đảm phù hợp với thực tế và thông lệ quốc tế, Bộ Tài chính là cơ quan giám sát thực hiện những nhiệm vụ này, kiến nghị:

Luật không nên quy định nhiệm vụ đối với “Tổ chức nghề nghiệp về thẩm định giá” mang tính chung chung nữa mà ghi trực tiếp là Hội Thẩm định giá Việt Nam.

Luật cần khẳng định và giao cho Hội Thẩm định giá các công việc về đào tạo, như: Đào tạo, bồi dưỡng và cấp chứng chỉ đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên ngành về thẩm định giá; Tổ chức cập nhật kiến thức hàng năm cho các thẩm định viên về giá; Tổ chức thi, cấp, thu hồi Thẻ thẩm định viên về giá; Thông báo đủ điều kiện hành nghề hàng năm cho các doanh nghiệp thẩm định giá, thẩm định viên về giá.

Đối với việc đào tạo cán bộ là thành viên Hội đồng thẩm định giá Nhà nước: Đề nghị cần thực hiện xã hội hóa hình thức đào tạo, xóa bỏ quy định mang tính độc quyền chỉ cơ quan Nhà nước mới được làm. Đồng thời phải tạo sự bình đẳng giữa đối tượng này với các thẩm định viên về giá hành nghề trong các doanh nghiệp thẩm định giá về thời gian, nội dung đào tạo, chứng chỉ đào tạo và việc cập nhật kiến thức hàng năm…

Ngoài nhiệm vụ đào tạo như trên là các nhiệm vụ về hợp tác quốc tế về thẩm định giá, kiểm soát chất lượng hoạt động thẩm định giá, công tác thông tin… và các nhiệm vụ theo quy định của Điều lệ Hội.

Thứ hai, đối với hoạt động thẩm định giá: Vấn đề quan trọng bậc nhất đối với việc cung ứng dịch vụ thẩm định giá là chất lượng hoạt động chứ không phải là vấn đề quy mô, do đó đề nghị loại bỏ các quy định về: Vốn điều lệ của doanh nghiệp thẩm định giá; Tiết lộ thông tin về hồ sơ khách hàng thẩm định giá và tài sản được thẩm định giá, trừ trường hợp được khách hàng thẩm định giá hoặc cho phép; Quy định khống chế người tham dự kỳ thi Thẻ thẩm định viên về giá phải là người làm việc tại doanh nghiệp thẩm định giá, thay bằng tất cả các đối tượng có nhu cầu thi và có đủ điều kiện dự thi; Quy định cấm làm việc trong cùng một thời gian cho từ hai doanh nghiệp thẩm định giá trở lên; thay bằng cấm hành nghề thẩm định giá cho từ hai doanh nghiệp thẩm định giá trở lên.

Đề nghị bổ sung các quy định Tiêu chuẩn thẩm định viên về giá; Người cho thuê, cho mượn, đi thuê, đi mượn Thẻ thẩm định viên về giá không được đăng ký hành nghề thẩm định giá.

Ngoài ra cần quy định thẩm định viên phải chịu trách nhiệm chính về kết quả thẩm định giá được ban hành tại Chứng thư và Báo cáo kết quả thẩm định giá; Cơ chế giải quyết tranh chấp về kết quả thẩm định giá khi có khác biệt lớn giữa các doanh nghiệp thẩm định giá cùng tham gia thẩm định giá một loại tài sản có thông số kỹ thuật và điều kiện tương đồng.

Tất cả các quy định thông đồng về giá, thẩm định giá đều phải bổ sung cụm từ “để trục lợi” (Khoản 3, Điều 4) hoặc thông đồng, cấu kết là phải có đối tác họ “câu kết với nhau” chứ không thể mình câu kết với mình.

Không nên quy định cứng: “Có Thẻ thẩm định viên về giá về thẩm định giá tài sản và thẩm định giá doanh nghiệp” mà cần quy định theo hướng mở tùy thuộc vào lĩnh vực kinh doanh dịch vụ thẩm định giá của doanh nghiệp, tức: “Có Thẻ thẩm định viên về giá về thẩm định giá tài sản và /hoặc thẩm định giá doanh nghiệp.

Cần làm rõ và bổ sung quy định về: Ký Chứng thư thẩm định giá và Báo cáo kết quả thẩm định giá không đúng lĩnh vực ngành nghề.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nâng cao vai trò của Hội Thẩm định giá trong cơ chế kinh tế thị trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO