Bộ trưởng Tài chính của cả hai nước bắt tay hợp tác cùng giải quyết vấn đề giá lương thực và năng lượng leo thang bắt nguồn từ xung đột giữa Nga và Ukraine.
Trong một tuyên bố chung, hai Bộ trưởng nhận định xung đột đã làm gia tăng sự biến động tỷ giá hối đoái, vốn có nguy cơ dẫn tới những tác động tiêu cực cho sự ổn định về kinh tế và tài chính.
Hai bên đều cam kết tiếp tục tham vấn chặt chẽ về các thị trường ngoại hối và "hợp tác một cách thích hợp" trong các vấn đề tiền tệ, phù hợp với cam kết của họ với tư cách là một phần của các nền kinh tế thuộc Nhóm G7 và Nhóm G20.
Bên cạnh đó, hai bên cũng hối thúc Trung Quốc và các chủ nợ không thuộc Câu lạc bộ Paris (nhóm không chính thức của 22 quốc gia chủ nợ) khác hợp tác "xây dựng" trong việc xử lý nợ với những nước thu nhập thấp đang khó khăn; đồng thời nêu bật sự cần thiết phối hợp đảm bảo chia sẻ gánh nặng một cách công bằng giữa các chủ nợ của Sri Lanka và các quốc gia thu nhập trung bình dễ bị tổn thương khác.
Tuyên bố chung còn đề cập tới một loạt vấn đề từ biến đổi khí hậu tới cải cách thuế toàn cầu và giới hạn giá dầu mỏ của Nga mà Mỹ đã đề xuất để ngăn chặn Moskva thu lợi từ việc sử dụng giá dầu cao hơn để tài trợ cho chiến dịch đặc biệt ở Ukraine.