Muốn quay lại thời thuế quan ‘nuôi sống’ chính phủ, chính quyền ông Trump đối mặt "nỗi thất vọng nghìn tỷ USD"

Y Vân | 07:41 20/05/2025

Nhiều dự báo cho thấy nguồn thu từ thuế quan sẽ thấp hơn nhiều so với kỳ vọng của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Muốn quay lại thời thuế quan ‘nuôi sống’ chính phủ, chính quyền ông Trump đối mặt "nỗi thất vọng nghìn tỷ USD"

Đầu thế kỷ 20, trước khi áp dụng thuế thu nhập, chính phủ liên bang Mỹ chủ yếu hoạt động nhờ nguồn thu từ thuế quan. Hiện Tổng thống Donald Trump đang muốn khôi phục mô hình này. Ông Trump liên tục đề xuất lập “cơ quan thu thuế ngoại thương” (External Revenue Service) mà chính phủ sẽ thay thế phần lớn thuế thu nhập bằng thuế đánh vào hàng hóa nhập khẩu.

“Đây sẽ là một cú hích lớn”, ông Trump tuyên bố trên mạng xã hội, đồng thời khẳng định thuế quan có thể xóa bỏ thuế thu nhập đối với những người có thu nhập dưới 200.000 USD/năm.

Tuy nhiên, giới kinh tế học cảnh báo rằng thuế quan gây méo mó thương mại và phần lớn gánh nặng không rơi vào các công ty nước ngoài mà đè lên doanh nghiệp và người tiêu dùng trong nước. Một nghiên cứu năm 2020 của Cục Dự trữ Liên bang New York cho thấy gần như toàn bộ thuế quan dưới nhiệm kỳ đầu của ông Trump đều được gánh bởi doanh nghiệp Mỹ (biên lợi nhuận giảm) và người tiêu dùng (giá cả tăng).

Mặc dù thỏa thuận thương mại giữa Mỹ với Anh và thỏa thuận "đình chiến" thương mại với Trung Quốc tạm giảm mức thuế quan toàn diện, song thu thuế vẫn đang tăng. Tính đến ngày 13/5, tổng thu thuế từ đầu năm đã đạt 47 tỷ USD, cao hơn 15 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái. Mức tăng này một phần là do doanh nghiệp tăng nhập hàng trước khi thuế có thể tăng tiếp. Điều này khẳng định thuế quan đang quay lại thành nguồn thu đáng kể.

Dự báo thu từ thuế quan: Chênh lệch lớn giữa kỳ vọng và thực tế

Peter Navarro, cố vấn thương mại của ông Trump, cho rằng thuế quan có thể mang lại hơn 6.000 tỷ USD trong một thập kỷ – tức 600 tỷ USD/năm. Ông Navarro chỉ đơn giản áp mức thuế hiệu dụng 20% lên kim ngạch nhập khẩu năm ngoái là 3.300 tỷ USD.

Nhưng các dự báo nghìn tỷ USD của ông Navarro bỏ qua các yếu tố kinh tế cơ bản. Thuế cao sẽ làm giảm nhu cầu nhập khẩu, qua đó thu hẹp nền thuế. Đồng thời, nó cũng khiến thu thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế tiền lương giảm, bào mòn khoảng 25% nguồn thu kỳ vọng. Chưa kể biện pháp trả đũa từ đối tác và tình trạng né thuế sẽ càng làm giảm hiệu quả.

Các ước tính độc lập cho kết quả thấp hơn nhiều. Mô hình dự báo của ngân sách Penn Wharton (ĐH Pennsylvania) cho rằng mức thuế quan toàn diện sẽ mang về khoảng 290 tỷ USD/năm trong 10 năm tới. Trung tâm nghiên cứu Budget Lab (ĐH Yale) đưa ra con số thấp hơn: 180 tỷ USD/năm, còn Tax Foundation chỉ ước khoảng 140 tỷ USD.

Một điểm đáng lưu ý là mức thuế 145% từng áp lên hàng hóa Trung Quốc lại không hiệu quả bằng mức hiện tại 30%. Lý do là mức thuế quá cao khiến nhập khẩu sụt mạnh, dẫn đến tổng thu thực tế lại giảm. Theo Penn Wharton, mức thuế 145% chỉ giúp thu thêm 25 tỷ USD/năm so với mức 30%.

Không thể thay thế thuế thu nhập

Năm ngoái, thuế thu nhập cá nhân đã mang về cho ngân sách Mỹ 2.400 tỷ USD. Con số này dự kiến tăng lên 4.400 tỷ USD trong thập kỷ tới. Theo Tax Foundation, việc miễn thuế hoàn toàn cho nhóm thu nhập dưới 200.000 USD sẽ khiến Mỹ thất thu 737 tỷ USD chỉ trong năm 2025, gấp 2-3 lần mức thu thuế quan khả thi.

Theo lý thuyết, nếu chỉ muốn miễn thuế cho nhóm thu nhập dưới 80.000 USD (chiếm 10% nguồn thu thuế thu nhập), thì có thể cân đối với nguồn thu từ thuế quan. Nhưng thực tế, cắt thuế cho người thu nhập thấp thường đồng nghĩa với giảm mức thuế suất đầu tiên – áp dụng cho toàn bộ người nộp thuế – và như vậy lại mang lợi cho người thu nhập cao.

Ở đầu thế kỷ 20, thuế quan đủ “nuôi” chính phủ Mỹ vì chi tiêu liên bang chỉ chiếm khoảng 2% GDP, chủ yếu là quốc phòng, hạ tầng. Ngày nay, tỷ lệ này đã cao gấp 10 lần. Trong khi đó, nhập khẩu biến động, không phù hợp để vận hành một chính phủ hiện đại.

Trớ trêu thay, nếu phụ thuộc vào thuế quan, chi tiêu của chính phủ Mỹ sẽ trở nên lệ thuộc vào sản xuất của Trung Quốc, trái ngược với khẩu hiệu “America First” (Nước Mỹ trên hết) của ông Trump.

Tham khảo: The Economist


(0) Bình luận
Muốn quay lại thời thuế quan ‘nuôi sống’ chính phủ, chính quyền ông Trump đối mặt "nỗi thất vọng nghìn tỷ USD"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO