Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh đã có văn bản gửi nhiều đơn vị để lấy ý kiến xây dựng Nghị quyết của HĐND TP ban hành kế hoạch chuyển đổi và chính sách hỗ trợ chuyển đổi phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn.
Hiện tại, TP. HCM có khoảng 2.209 xe buýt, trong đó có 546 xe điện và xe CNG, còn lại 1.663 xe sử dụng diesel, với tổng lượng phát thải CO2 là 553.299 tấn/năm. Dự kiến giai đoạn 2025-2030 sẽ mở thêm 1.108 xe, nâng tổng số xe buýt lên 3.317 chiếc vào năm 2030.
Theo Sở GTVT TP. HCM, nếu không nhanh chóng triển khai kế hoạch và chính sách hỗ trợ chuyển đổi xe buýt công cộng sang sử dụng điện hoặc năng lượng xanh, ô nhiễm môi trường từ giao thông ở thành phố sẽ trầm trọng hơn vào năm 2030, do số lượng xe buýt tăng trên 50%. Điều này sẽ gây hại sức khỏe cộng đồng và thiệt hại về kinh tế.
Theo kế hoạch của Sở GTVT TPHCM, việc chuyển đổi xe buýt sẽ được thực hiện từ năm 2025 và kết thúc vào năm 2030. Trong giai đoạn này, thành phố sẽ đầu tư gần 3.000 xe buýt điện, với mục tiêu thay thế dần các xe buýt chạy bằng dầu diesel và CNG hiện có.
Lộ trình này được chia thành nhiều giai đoạn nhỏ. Từ năm 2025-2029, những xe buýt chạy dầu diesel và khí CNG sẽ tiếp tục hoạt động đến khi hết thời hạn hợp đồng. Sau đó, các xe này sẽ bị thay thế hoàn toàn bằng xe điện. Đặc biệt, các tuyến buýt mở mới từ năm 2025 trở đi sẽ 100% sử dụng phương tiện điện, năng lượng xanh.
Về chính sách hỗ trợ chuyển đổi sang xe buýt điện, Sở GTVT TP.HCM đề xuất có chính sách hỗ trợ lãi suất vay đầu tư chuyển đổi phương tiện. Mục tiêu đặt ra là cung cấp cơ sở pháp lý về lãi suất vay và hỗ trợ ngân sách cho chuyển đổi phương tiện từ nhiên liệu hóa thạch sang điện, năng lượng xanh.
Ngân sách Nhà nước sẽ hỗ trợ lãi suất vay cho Hợp tác xã, doanh nghiệp tại Công ty Đầu tư Tài chính TP.HCM để thực hiện dự án chuyển đổi phương tiện công cộng. Mức vốn vay tối đa 85% tổng đầu tư; mức vốn vay hỗ trợ lãi suất tối đa 300 tỷ đồng/dự án; lãi suất vay cố định 3% đối với phần vốn vay đầu tư trong suốt thời gian vay.
Về đơn giá vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt điện, có chính sách đảm bảo phương tiện chuyển đổi có thể tham gia cung ứng dịch vụ trong khi chưa có định mức đơn giá cụ thể.
Đối với chính sách đầu tư trạm cung cấp năng lượng, ngân sách Nhà nước hỗ trợ lãi suất vay cho doanh nghiệp đầu tư trạm, mức vay tối đa 70% tổng đầu tư, mức vốn vay hỗ trợ lãi suất tối đa 200 tỷ đồng/dự án; lãi suất hỗ trợ 50% lãi suất công bố của Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước TP.HCM đối với phần vốn vay đầu tư trong suốt thời hạn vay. Ngân sách thành phố sẽ hỗ trợ 50% mức lãi suất còn lại.