Mua "tai nghe Airpod Pro 2" giá chưa đến 300 nghìn trên Temu: Món đồ nhận về khiến người dùng ngỡ ngàng

Mạnh Kiên | 15:55 14/11/2024

Mẫu tai nghe được bán với giá 300 nghìn trên Temu được quảng cáo là có cả tính năng xuyên âm lẫn chống ồn nhưng khi mua về thì mọi thứ lại khác.

Mua "tai nghe Airpod Pro 2" giá chưa đến 300 nghìn trên Temu: Món đồ nhận về khiến người dùng ngỡ ngàng

Giá hời và bạt ngàn các món đồ là điều kích thích nhất đối với người mới sử dụng Temu. Sàn thương mại điện tử đến từ Trung Quốc cung cấp những lựa chọn thay thế rẻ hơn cho hàng nghìn sản phẩm, từ quần áo, mỹ phẩm đến đồ dùng nhà bếp và đồ công nghệ như tai nghe.

Nhưng không phải tất cả trong số chúng đều tốt. Trên mạng xã hội đầy rẫy những câu chuyện cảnh báo về chất lượng kém của các vật phẩm nhái trên Temu. Hashtag "Temu Fail" có đến 104,9 triệu bài đăng trên TikTok, với những video chia sẻ về các món đồ mua về có trải nghiệm sử dụng kém.

Cây bút Jessica Fierro của CNET đã thử mua bản nhái của tai nghe không dây AirPods Pro 2 nổi tiếng trên Temu với giá chỉ có 11 USD (chưa đến 300 nghìn đồng) và so sánh với bản chính hãng có giá 250 USD (hơn 5 triệu đồng) để xem chất lượng ra sao.

Dưới đây là kết quả.

Háo hức vì quảng cáo hay

Trước tiên, cần phải lưu ý rằng mẫu tai nghe 11 USD trên Temu này là hàng nhái chứ không phải hàng giả.

Về định nghĩa, hàng giả có mục đích đánh lừa bạn nghĩ rằng mình đang mua hàng thật khi sao chép hết mọi thứ, từ vẻ ngoài cho đế đến cả tên thương hiệu và logo. Ở nhiều quốc gia, hàng giả là bất hợp pháp.

Còn hàng nhái không tự nhận là sản phẩm mà chúng bắt chước. Chúng tự cho mình là một lựa chọn thay thế giá cả phải chăng hơn cho hàng thật. Chúng thường có tên hoặc vẻ ngoài "tương tự" hoặc "lấy cảm hứng", từ bản gốc.

Tai nhái của Temu cực kỳ giống với tai nghe chính hãng.

Lúc đầu, tôi rất ấn tượng với chiếc tai nghe bản nhái giá rẻ này. Chúng trông khá giống với hàng thật.

Tôi là người nghe nhạc hầu như mọi lúc mọi nơi, khi đi làm, đi bộ, trang điểm. Và tôi thích chức năng nâng cao mà AirPods cung cấp, như chế độ Nhận biết cuộc trò chuyện, giúp giảm tiếng ồn xung quanh khi nói chuyện với ai đó.

Nhưng điều tôi thích nhất ở AirPods lại rất đơn giản. Đó là âm thanh trong trẻo và có thể chuyển đổi giữa chế độ xuyên âm, cho phép tiếng ồn bên ngoài lọt vào và chế độ khử tiếng ồn, giúp loại bỏ tiếng ồn bên ngoài.

Vì vậy, tôi đã rất kỳ vọng khi thấy chiếc tai nghe không tên giá 11 USD được quảng cáo là có thể chuyển đổi giữa chế độ xuyên âm và chế độ chống ồn như hàng thật.

Trước tiên, để so sánh về bên ngoài, cả hai có sự khác biệt lớn. Vỏ hộp đựng tai nghe không tên sạc bằng cáp Lightning, trong khi vỏ hộp tai nghe Apple chính hãng sạc bằng USB-C. Vỏ hộp không tên sáng màu đỏ khi đang sạc và chớp trắng khi rút sạc.

Trong khi AirPods chuẩn chỉ sáng lên khi đang sạc. Vỏ hộp Apple có một vòng bên hông để đeo dây; loa ở phía dưới; và thông tin sản phẩm ở mặt sau, trong khi vỏ tai nghe không tên không có bất kỳ thứ gì.

Cặp tai nghe Temu thỉnh thoảng cứ nhấp nháy màu đỏ mà tôi không biết tại sao. Lúc đầu tôi nghĩ có thể là do pin yếu, nhưng chúng vẫn nhấp nháy màu đỏ khi được sạc đầy. Nhìn qua rất khó phân biệt đâu là tai trái hay phải vì chúng trông rất giống nhau.

Mic rè, không có tính năng gì

Giống như AirPods xịn, bạn có thể điều khiển bằng cử chỉ chạm vào thân tai nghe. Nhưng điều đó không phải lúc nào cũng hiệu quả. Nhấn vào tai nghe để phát hoặc tạm dừng có tác dụng, cũng như nhấn đúp để qua bài, nhưng nhấn ba lần để quay lại thì không, thay vào đó lại tăng âm lượng.

Khi lấy chúng ra khỏi hộp và đeo vào tai, chiếc tai nghe rẻ tiền này cũng liên tục báo "đã kết nối!" một cách rất to dù tôi đã chỉnh âm lượng nhỏ từ trước.

Sau khi sạc đầy, khoảng hai giờ 10 phút nghe, tai nghe Temu bắt đầu nói "Tắt nguồn" trong tai tôi (cũng rất to) rồi cứ thế là tắt. Có lẽ chúng đã cạn pin. Trong khi đó, AirPods của tôi có thể dùng được tới sáu giờ chỉ với một lần sạc.

Tôi không thể tìm ra cách bật chế độ khử tiếng ồn như quảng cáo. Tôi đã nhờ cả đồng nghiệp mày mò cũng không thấy. Dường như thứ này không hề tồn tại.

Đối với phần mic, giọng tôi nghe khá rè. Bạn bè và gia đình nói họ không nghe hết được mọi lời của tôi khi khi gọi điện và tôi vô tình cúp máy chỉ vì chạm nhầm vào phần tai nghe trong lúc tháo ra.

Tai Temu không êm bằng AirPods, không khít tai và cũng không có cảm giác thoải mái. Chúng nhẹ đến mức tôi cảm tưởng nếu chỉ rơi nhẹ một cái là nó có thể hỏng vĩnh viễn.

Tất nhiên, với tai nghe 300 nghìn thì hỏng chỉ có nước vứt đi chứ chẳng có bảo hành nào cả.

Tôi thử nhờ người mở chiếc tai nghe này xem bên trong chúng là gì mà lại nhẹ đến thế. Hóa ra pin trong tai nghe Apple hàng chuẩn lớn gấp đôi so với pin trên tai nghe bản sao và các thành phần khác cũng nhiều hơn.

Tôi hoàn toàn không khuyên mọi người mua chiếc tai nghe nhái này. Chúng không chỉ tệ mà còn bắt chước đến trắng trợn chứ không chỉ dừng lại là lấy cảm hứng.


(0) Bình luận
Mua "tai nghe Airpod Pro 2" giá chưa đến 300 nghìn trên Temu: Món đồ nhận về khiến người dùng ngỡ ngàng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO