Một tỉnh Nam Bộ đề xuất làm hầm lộ thiên xuyên rừng, kết nối sân bay trong tương lai

Dy Khoa | 13:30 14/02/2025

Đây là con đường quan trọng về cả kinh tế lẫn quốc phòng.

Một tỉnh Nam Bộ đề xuất làm hầm lộ thiên xuyên rừng, kết nối sân bay trong tương lai

Mới đây, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước đề xuất phương án khôi phục cầu Mã Đà với tổng mức đầu tư khoảng 5.130 tỷ đồng để có tuyến đường kết nối ngắn nhất từ Bình Phước đến Đồng Nai.

TTXVN dẫn lời Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Phước Nguyễn Anh Tuấn cho biết đường tỉnh 753 là tuyến đường đối ngoại quan trọng của tỉnh Bình Phước; đây là tuyến đường ngắn nhất và nhanh nhất kết nối các tỉnh Tây Nguyên (qua Bình Phước) với tỉnh Đồng Nai để đi sân bay Long Thành và cảng nước sâu Cái Mép-Thị Vải.

Dọc theo đường tỉnh 753, tỉnh Bình Phước quy hoạch Khu công nghiệp Đông Nam Đồng Phú rộng trên 4.000ha rất cần có hạ tầng giao thông kết nối đến các trung tâm, cảng của các tỉnh lân cận, trong đó có tỉnh Đồng Nai.

Về quốc phòng, tuyến quốc lộ 13 và đường tỉnh 741 được xác định là tuyến cơ động chi viện cho Bình Phước ngắn nhất. Còn tuyến đường tỉnh 753 hiện hữu tuy chưa là tuyến giao thông huyết mạch nhưng lại có giá trị chiến lược trong khu vực phòng thủ của Quân khu 7 và trên cả miền Nam nói chung.

binh-phuoc.jpg
Cầu Mã Đà bị đánh sập trong giai đoạn chiến tranh, nay được đề xuất khôi phục để tăng cường kết nối liên vùng, đặc biệt là kết nối với Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Bên cạnh đó, đường tỉnh 753 có điểm đầu tại thành phố Đồng Xoài, điểm cuối tại cầu Mã Đà là tuyến đường ngắn nhất và nhanh nhất kết nối các tỉnh Tây Nguyên (qua Bình Phước) với tỉnh Đồng Nai.

“Tuy nhiên, cầu Mã Đà đã bị đánh sập trong chiến tranh, đến nay vẫn chưa được khôi phục lại. Nhu cầu đi lại, giao thương của người dân hai tỉnh rất lớn, hằng ngày người dân vẫn lưu thông qua lại khu vực cầu Mã Đà nhưng rất khó khăn và nguy hiểm (đặc biệt là trong mùa mưa lũ). Do đó, việc khôi phục lại cầu Mã Đà nhằm đảm bảo khả năng kết nối với tỉnh Đồng Nai (hai tỉnh có đường biên giáp ranh khoảng 160km, chưa có tuyến đường kết nối trực tiếp) có ý nghĩa rất quan trọng, cần thiết và cấp bách,” Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Bình Phước Nguyễn Anh Tuấn cho biết.

Còn bà Trần Tuệ Hiền, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước cho biết tỉnh này đề xuất lựa chọn phương án kết nối giao thông giữa tỉnh Bình Phước và tỉnh Đồng Nai như sau: "Từ thành phố Đồng Xoài đi theo đường tỉnh 753, qua cầu Mã Đà sang địa phận tỉnh Đồng Nai, đi theo các đường địa phương đến đường vành đai 4 đoạn qua thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, tổng chiều dài 76km”.

Nghiên cứu các phương án để giảm tác động với khu dự trữ sinh quyển

Theo lãnh đạo tỉnh Bình Phước, đây là phương án tuyến ngắn nhất và nhanh nhất đi theo đường hiện hữu trực tiếp kết nối các tỉnh Tây Nguyên và Bình Phước đến tỉnh Đồng Nai đi sân bay Long Thành và cảng nước sâu Cái Mép-Thị Vải. Sân bay Long Thành có giá trị đầu tư khoảng 16 tỷ USD, sẽ là sân bay lớn nhất Việt Nam.

Đối với các tác động ảnh hưởng đến khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai, qua khảo sát thực tế chỉ có khoảng 2km rừng tự nhiên, 29km còn lại là rừng trồng (chủ yếu là cây keo lai).

z5b_tppe.jpg.jpg
Bình Phước đề xuất xây cầu Mã Đà với 4 làn xe và mở rộng đường tỉnh 753.

Do vậy, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước cho rằng có thể nghiên cứu các phương án làm đường trên cao, cầu cạn, rào chắn chống ồn, hầm lộ thiên tương tự đường Hồ Chí Minh qua rừng quốc gia Bạch Mã, Cúc Phương để giảm thiểu tối đa các tác động đến khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai.

Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước tính toán khái toán sơ bộ tổng mức đầu tư dự án khôi phục cầu Mã Đà khoảng 5.130 tỷ đồng để đảm bảo quy mô tối thiểu 4 làn xe, đồng bộ với các dự án đang triển khai trên các tuyến như nâng cấp mở rộng đường tỉnh 753 với chiều dài 17km, mặt đường rộng 19m, nền đường 24m; nâng cấp, mở rộng đường tỉnh 761, đường tỉnh 767 với chiều dài khoảng 46km với quy mô mặt đường 19m, nền đường 24m; đầu tư cầu cạn khoảng 2km, tường chống ồn và hàng rào khoảng 2km mỗi bên...

Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước báo cáo Bộ Giao thông vận tải xem xét đồng thuận phương án kết nối giao thông giữa tỉnh Bình Phước với tỉnh Đồng Nai nêu trên vào quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bình Phước trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững, là “điểm đến hấp dẫn” của vùng Đông Nam Bộ, có quy mô kinh tế khá dựa trên xây dựng đồng bộ nền tảng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, phát triển các cụm, ngành tiềm năng tạo nhiều việc làm có thu nhập và nguồn thu ngân sách.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Một tỉnh Nam Bộ đề xuất làm hầm lộ thiên xuyên rừng, kết nối sân bay trong tương lai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO