Ông Milei đang phải đối mặt với một cuộc chiến ba bên gay gắt với các ứng cử viên chính trị truyền thống ở cánh hữu và cánh tả trước cuộc bỏ phiếu ngày 22/10.
Theo Reuters, kế hoạch đô la hóa của ứng cử viên Milei đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều: những người ủng hộ ông cho rằng đây là giải pháp cho lạm phát gần 115%, trong khi những người phản đối cho rằng đây là một ý tưởng phi thực tế sẽ làm mất đi năng lực của đất nước trong việc ấn định lãi suất, kiểm soát lượng tiền đang lưu thông và đóng vai trò là người cho vay cuối cùng.
Juan Napoli - ứng cử viên Thượng viện Argentina của đảng Liberty Advances - cho biết: “Lập luận ủng hộ đô la hóa là không có sự ổn định về giá cả và sự độc lập của ngân hàng trung ương chỉ là ảo tưởng.”
Thừa nhận Argentina vẫn chưa sẵn sàng cho việc đô la hóa hoàn toàn, ông Napoli nói: “Nó đòi hỏi một thỏa thuận chính trị tuyệt vời giữa chúng tôi và cũng phải có đủ nguồn dự trữ. Dự trữ ngoại tệ ròng hiện tại của ngân hàng trung ương đang ở mức âm. Sẽ mất một thời gian, nó sẽ không xảy ra ngay lập tức."
Thử nghiệm đô la hóa và những thách thức
Theo Reuters, đô la hóa đã được thử nghiệm ở những nước khác, thường là thay thế đồng nội tệ bằng đồng đô la theo tỷ giá hối đoái ấn định hoặc can thiệp vào thị trường để 'chốt' giá tại địa phương cho đồng đô la. Trong trường hợp đó, ngân hàng trung ương sẽ mất đi vai trò thiết lập chính sách tiền tệ, nhưng thường được giữ lại để xử lý các nhiệm vụ kỹ thuật và hành chính như quản lý dự trữ và hệ thống thanh toán.
Argentina từng neo đồng peso của mình với đồng đô la vào năm 1991 theo chính sách kinh tế tân tự do của Tổng thống Carlos Menem và thậm chí còn tranh luận về việc đô la hóa hoàn toàn. Tuy nhiên, nước này buộc phải hủy bỏ chế độ neo một thập kỷ sau đó do một cuộc khủng hoảng kinh tế lớn và việc chạy đua bằng đồng peso đã gây ra bạo loạn và chứng kiến hội đồng tiền tệ sụp đổ.
Bolivia có chính sách tỷ giá cố định với đồng đô la; Venezuela có nền kinh tế gần như đô la hóa; trong khi Ecuador, El Salvador và Panama đều chính thức sử dụng đồng đô la. Zimbabwe đã áp dụng chính sách đô la hóa trong thời gian ngắn, mặc dù 80% nền kinh tế của nước này vẫn dựa vào đồng đô la.
Tuy nhiên, theo Reuters, nền kinh tế trị giá 650 tỷ USD của Argentina sẽ là thử nghiệm đô la hóa lớn nhất nếu điều đó xảy ra. Quốc gia này là nước xuất khẩu đậu nành, ngô và thịt bò lớn trên thế giới, có trữ lượng lithium hàng đầu thế giới, có trữ lượng dầu và khí đá phiến khổng lồ.
Bản thân nhiều người Argentina cũng không bị thuyết phục, lo sợ mất đi sự độc lập về kinh tế. Các cuộc thăm dò trong những tháng gần đây cho thấy ngày càng có nhiều người phản đối ý tưởng này, mặc dù một số cuộc khảo sát mới cho thấy sự ủng hộ đang tăng lên khi lạm phát lên đến đỉnh điểm.
Martina Rivero, 25 tuổi, làm việc tại một cửa hàng quần áo trẻ em ở Buenos Aires - cho biết: “Tôi không biết giải pháp là gì, nhưng tôi không đồng tình với việc đô la hóa.”
Các đối thủ của ứng viên tổng thống Milei, bao gồm Bộ trưởng Kinh tế Sergio Massa và cựu Bộ trưởng An ninh Patricia Bullrich, đều đã bác bỏ ý tưởng đô la hóa khi cho rằng không thực tế.
Chính phủ Argentina cũng đang tham gia chương trình cho vay trị giá 44 tỷ USD của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), có nghĩa là việc hoạch định chính sách kinh tế thường đi kèm với những điều kiện ràng buộc.
Olivier Blanchard - cựu chuyên gia kinh tế trưởng của IMF - cho biết: “Đối với tôi, đó là giải pháp cuối cùng. Sẽ rất tốn kém nếu từ bỏ sự linh hoạt của tỷ giá hối đoái."
Tình yêu với đô la do thiếu tin tưởng vào peso
Theo Reuters, đối với nhiều người dân Argentina, tình yêu với đồng đô la là không phải bàn cãi do các cuộc khủng hoảng và hành động của chính phủ trong quá khứ.
Một dữ liệu chính thức được Reuters trích dẫn cho thấy, người Argentina có tài sản bằng đô la lên tới 371 tỷ USD, phần lớn nằm ngoài hệ thống tài chính quốc gia, phản ánh việc trong hàng thập kỷ qua, người dân nước này đã đẩy các khoản tiết kiệm phi peso ra khỏi tầm tay của chính phủ, làm suy yếu nền kinh tế trong nước.
Dữ liệu của Ngân hàng Trung ương Argentina cho thấy, lượng tiền mặt lưu thông và tiền gửi của Argentina là 6,15 nghìn tỷ peso, tương đương khoảng 17,5 tỷ USD trên sàn giao dịch chính thức. Tuy nhiên, theo tỷ giá hối đoái song song được sử dụng rộng rãi, con số đó chỉ là 8,4 tỷ USD.
Riccardo Grassi tại Mangart Advisors - một quỹ phòng hộ có trụ sở tại Thụy Sĩ tham gia vào quá trình tái cơ cấu khoản nợ khổng lồ năm 2020 của Argentina - cho biết: “Đó đã là một nguyên tắc mà người Argentina thực hiện hàng ngày. Họ giữ số tiền khổng lồ trong nhà.”
Theo Reuters, trên các đường phố ở trung tâm thành phố Buenos Aires, khắp nơi đều có bảng giá bằng đồng đô la bên cạnh đồng peso. Một số thứ đắt đỏ, như nhà hoặc ô tô, đã có mối liên hệ chặt chẽ với đồng đô la. Trong khi những thứ khác được giữ ở mức thấp giả tạo bằng các khoản trợ cấp, bao gồm các dịch vụ tiện ích, giá nhiên liệu và giao thông công cộng.
Cũng theo Reuters, một số công ty tại Argentina đã lựa chọn trả lương, ít nhất một phần, bằng đô la; và khoảng 20% tiền gửi ngân hàng địa phương được đô la hóa.
Tuy nhiên, Claudio Loser - cựu giám đốc IMF khu vực Tây bán cầu - nhận định, việc đô la hóa hoàn toàn sẽ là một “cú sốc khủng khiếp” đối với nền kinh tế Argentina vì những người đang nắm giữ đồng peso sẽ phải đổi chúng với tỷ giá rất cao, làm giảm số tiền tiết kiệm. Những người giàu hơn có nhiều đô la dự trữ sẽ được bảo vệ nhiều hơn.