Một ngành công nghiệp được coi là ngôi sao mới nổi trên trường chính trị thế giới, đích thân các nhà lãnh đạo cũng dày công vun đắp

Yến Nguyễn | 07:58 31/12/2023

Hàng chục mối quan hệ đối tác giữa các chính phủ liên quan đến chip đã được thiết lập kể từ năm 2021.

Một ngành công nghiệp được coi là ngôi sao mới nổi trên trường chính trị thế giới, đích thân các nhà lãnh đạo cũng dày công vun đắp

Chất bán dẫn đã đóng vai trò chủ đạo trong các chuyến thăm cấp nhà nước. Giám đốc điều hành của Nvidia được các nguyên thủ quốc gia tiếp đón như một quan chức đến thăm. Các phái đoàn chính phủ đã đi khắp thế giới và gặp gỡ các nhà sản xuất chip.

Sự chú ý đổ dồn về các đề xuất tài trợ của chính phủ nhằm giúp giảm chi phí về thiết kế, kỹ thuật và sản xuất các linh kiện công nghệ. Nhưng các công ty cũng phải đối mặt với nhiều quy định thương mại hơn bao giờ hết. Các chính phủ vẫn đang tìm hiểu sự phức tạp của ngành công nghiệp bán dẫn – một trong những lĩnh vực phức tạp nhất của thế giới công nghệ.

Kỷ nguyên ngoại giao chip của Mỹ và các đồng minh diễn ra khi tình trạng thiếu chất bán dẫn trên toàn cầu cho thấy vai trò then chốt của các linh kiện điện tử trong nhiều ngành công nghiệp. Mỹ đã mạnh tay thực hiện một chiến dịch nhằm ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận các chip cao cấp và các máy móc có thể tạo ra chúng. Bên cạnh đó, sự bùng nổ về trí tuệ nhân tạo tổng hợp cũng mang đến một hứa hẹn mới cho chất bán dẫn.

Vào tháng 12, CEO của hãng thiết kế chip lớn nhất thế giới Nvidia, Jensen Huang đã có chuyến công du khắp châu Á và gặp gỡ các quan chức chính phủ cấp cao. Vị doanh nhân đã trao đổi với Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida – người vào tháng 5 đã đề nghị lãnh đạo cấp cao của Intel, TSMC, Samsung và một số khác giúp Nhật Bản thúc đẩy sản xuất chip.

Jan-Peter Kleinhans, thuộc tổ chức nghiên cứu Stiftung Neue Verantwortung của Đức, gần đây đã công bố một báo cáo về ngoại giao chip, cho biết thông qua các cuộc trao đổi như vậy, các chính phủ có thể chứng minh cho người dân và ngành công nghiệp của nước mình rằng họ hiểu về chuỗi cung ứng chất bán dẫn và đang dành ưu tiên cho lĩnh vực đổi mới này.

Điểm dừng chân trong chuyến thăm cấp nhà nước của Hàn Quốc tới Hà Lan trong tháng này là trụ sở chính của ASML – nhà sản xuất máy in thạch bản tiên tiến duy nhất trên thế giới và đóng vai trò quan trọng trong việc chế tạo các con chip tiên tiến. Tháp tùng phái đoàn nhà nước Hàn Quốc có người đứng đầu Samsung và SK Hynix – hai khách hàng của ASML.

Samsung, TSMC và Intel là ba công ty duy nhất được định vị để sản xuất chất bán dẫn tiên tiến nhất thế giới. Mỗi bên đang cạnh tranh để có thể tiếp cận với thiết bị in thạch bản thế hệ tiếp theo của ASML một cách sớm nhất.

Trong chuyến đi kéo dài 4 ngày, các quan chức Hàn Quốc cho biết mối quan hệ hợp tác về chip của nước này với Hà Lan đã biến thành một liên minh chip chính thức. Bộ trưởng thương mại nước này cho biết khoản đầu tư chung giữa ASML và Samsung vào một trung tâm nghiên cứu ở Hàn Quốc sẽ giúp nước này chiếm ưu thế trước các đối thủ trong lĩnh vực sản xuất chip cao cấp.

CEO sắp mãn nhiệm của ASML là Peter Wennink cho biết các khoản trợ cấp của chính phủ là hữu ích. Tuy nhiên, có rất ít quốc gia vạch ra tầm nhìn dài hạn và rõ ràng cho tham vọng chip của mình. Wennink trích dẫn Hàn Quốc và Tổng thống Yoon Suk Yeol là một ngoại lệ vì họ coi bán dẫn như nền tảng cho sự đổi mới của đất nước. “Hiện tại, chúng tôi đang gặp bất lợi vì các chính phủ và nền chính trị bị phân mảnh.

Khi vận động để có thêm nguồn tài trợ, các nhà sản xuất chip cũng trở nên quen dần với sự phức tạp và đôi khi là trì trệ ở khía cạnh chính trị. Dự án Arizona tại Mỹ của TSMC đã bị chậm lại do vướng rào cản về nhân sự và văn hóa lao động mà lẽ ra công ty sẽ không phải đối mặt ở quê nhà Đài Loan (Trung Quốc). Mỹ đã ban hành Đạo luật CHIPSt rị giá 53 tỷ USD vào năm 2022, nhưng cơ quan giám sát đạo luật này là Bộ Thương mại cho đến nay mới chỉ cấp 35 triệu USD.

Theo báo cáo của Stiftung Neue Verantwortung, khi chất bán dẫn trở nên quan trọng hơn đối với an ninh quốc gia và khả năng cạnh tranh kinh tế, hàng chục mối quan hệ đối tác giữa các chính phủ liên quan đến chip đã được thiết lập kể từ năm 2021. Các mối quan hệ này tập trung vào điều phối chính sách, phát triển lực lượng lao động, giám sát chuỗi cung ứng và các vấn đề khác. Những mối quan hệ kiểu này hầu như chưa từng có trong tiền lệ.

Các nhà sản xuất chip đã nhanh chóng tìm cách đưa ngành bán dẫn vào các cuộc trao đổi địa chính trị. Đơn cử, Nvidia đã tìm người vận động hành lang nhằm giải quyết vụ việc liên quan đến chính phủ Mỹ thắt chặt kiểm soát xuất khẩu chip của Nvidia sang Trung Quốc.

Theo những người trong ngành, cho đến những năm gần đây, việc các quan chức chính phủ cấp cao tham gia các phái đoàn thương mại không phải là chuyện bình thường. Nhiều người coi đây là sự mở ra một trật tự kinh doanh toàn cầu mới, nơi các đồng minh như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước châu Âu hỗ trợ nhau xây dựng ngành công nghiệp chip.

Chris Camacho, giám đốc điều hành của Phòng Thương mại Greater Phoenix, lần đầu tiên trong đời chứng kiến một nguyên thủ quốc gia tham gia phái đoàn thương mai khi gần đây tiếp đón một phái đoàn Hà Lan do thủ tướng nước này dẫn đầu. Arizona đã trở thành điểm nóng đầu tư bán dẫn trong những năm gần đây, với công ty dẫn đầu là Intel.

Trong chuyến thăm, ASM International, nhà sản xuất thiết bị sản xuất chip có trụ sở tại Hà Lan, cho biết họ sẽ chi 300 triệu USD để mở rộng hoạt động nghiên cứu và phát triển tại Arizona. Benjamin Loh – Giám đốc điều hành của ASM International, là thành viên của phái đoàn Hà Lan, nói: “Ngày nay, thật khó để tách rời hoàn toàn hoạt động kinh doanh và chính trị trong bối cảnh chất bán dẫn đang nhận được sự quan tâm vô cùng lớn”.

Tham khảo: WSJ


(0) Bình luận
Một ngành công nghiệp được coi là ngôi sao mới nổi trên trường chính trị thế giới, đích thân các nhà lãnh đạo cũng dày công vun đắp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO