Mô hình này là mô hình hệ sinh thái. Đây là mô hình kinh doanh liên kết những dịch vụ của nhiều doanh nghiệp và tạo nên chuỗi giá trị tích hợp.
Theo đó, các doanh nghiệp trong hệ sinh thái vốn là những doanh nghiệp hoạt động hoàn toàn độc lập và liên kết tạo giá trị chứ không phải các doanh nghiệp liên quan hoặc sở hữu lẫn nhau. Cụ thể, ý tưởng của hệ sinh thái kinh doanh là mỗi thực thể trong hệ sinh thái đều sẽ ảnh hưởng và chịu ảnh hưởng bởi các thực thể khác, tạo ra một mối quan hệ không ngừng phát triển. Trong đó, mỗi thực thể phải linh hoạt và thích nghi để tồn tại như trong hệ sinh thái sinh học.
Trên thực tế, nền kinh tế toàn cầu đang có sự chuyển mình mạnh mẽ. Do đó, mô hình kinh doanh hệ sinh thái nổi lên giống như một giải pháp toàn diện góp phần giúp nâng cao trải nghiệm của khách hàng, đồng thời mở ra cơ hội tăng trưởng bền vững cho cổ đông cũng như đối tác kinh doanh. Theo kết quả PWC phân tích các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ, truyền thông và viễn thông, các công ty áp dụng mô hình hệ sinh thái đạt được tỷ suất lợi nhuận tới 50 – 60%, cao hơn so với mức 30 – 35% của các công ty truyền thống tập trung vào sản phẩm.
Đây là mô hình kinh doanh liên kết những dịch vụ của nhiều doanh nghiệp và tạo nên chuỗi giá trị tích hợp.
Xu hướng về mô hình hệ sinh thái
Theo các chuyên gia, các ngành nghề truyền thống sẽ dần mất đi sự phân biệt rõ ràng khi các hệ sinh thái xuất hiện và kết nối nhiều lĩnh vực khác nhau. Đặc biệt, trong thời đại số hóa, doanh nghiệp nào sở hữu dữ liệu sẽ là người chiến thắng trong dài hạn. Nguyên nhân là vì dữ liệu không chỉ là tài sản mà còn là yếu tố quyết định sự tồn tại của hệ sinh thái.
Hiện nay, trên thế giới, nhiều hệ sinh thái đã được triển khai thành công. Ví dụ, Ant Group của Alibaba (Trung Quốc) kết nối các ngân hàng, công ty bảo hiểm, và nhà cung cấp dịch vụ trên nền tảng Alipay, cung cấp dịch vụ tài chính liền mạch cho hàng trăm triệu khách hàng. Một minh chứng khác là Samsung (Hàn Quốc) với chiến lược phát triển theo mô hình hệ sinh thái và những bước tiến vững chắc trong AI đang đóng góp tích cực vào cuộc cách mạng công nghệ toàn cầu.
Tại Việt Nam, FPT – Long Châu Pharma - FRT, Viettel – Viettel Money - MBBank, Vingroup – Masan – Techcombank, Doji - TBbank hay Sovico – Vietjet… đều được xem là những điển hình thành công của mô hình hệ sinh thái. Những doanh nghiệp này đã tận dụng ưu điểm của mô hình này để đem lại nhiều giá trị cùng những trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng.
Lợi ích của mô hình hệ sinh thái
Theo các chuyên gia, từ những điển hình trong thực tiễn, có thể thấy rằng, mô hình hệ sinh thái mang lại 3 lợi ích chính.
Thứ nhất, lợi ích cho cổ đông.
Thông qua những chiến lược tăng trưởng và tối ưu hóa nguồn lực, mô hình hệ sinh thái mang lại giá trị lâu dài và bền vững cho cổ đông.
Đầu tiên, giúp đa dạng hóa nguồn thu. Cụ thể, thay vì chỉ tập trung vào một lĩnh vực, hệ sinh thái tích hợp nhiều dịch vụ như mua sắm, tiêu dùng đến quản lý tài sản, bảo hiểm và tư vấn. Điều này giúp tạo ra nhiều dòng doanh thu mới và giảm sự phụ thuộc vào nguồn thu nhập đơn lẻ. Ngoài ra, hệ sinh thái còn thúc đẩy hoạt động bán chéo và tăng khả năng khai thác giá trị trên một khách hàng.
Thứ hai, tăng trưởng bền vững và mở rộng thị trường. Theo đó, các nền tảng kỹ thuật số trong hệ sinh thái cho phép mở rộng quy mô nhanh chóng mà không cần đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng vật lý, điều này giúp giảm chi phí vận hành và cải thiện lợi nhuận biên. Thực tế là có nhiều hệ sinh thái tài chính như Revolut, Ant Financial đã chứng minh khả năng mở rộng vượt biên giới, giúp doanh nghiệp tiếp cận thị trường quốc tế một cách hiệu quả.
Thứ ba, tăng cường lợi thế cạnh tranh. Việc cung cấp một loạt dịch vụ trong cùng một hệ sinh thái tạo ra giá trị cho khách hàng và từ đó gia tăng lòng trung thành cũng như giảm tỷ lệ khách hàng rời bỏ. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp ổn định doanh thu và duy trì sự tăng trưởng dài hạn. Hơn nữa, một hệ sinh thái mạnh mẽ cũng giúp doanh nghiệp tạo nên sự khác biệt trong một thị trường cạnh tranh khốc liệt, thu hút thêm khách hàng và củng cố vị thế thương hiệu.
Thứ tư, tối ưu hóa hiệu quả và giảm chi phí. Mô hình hệ sinh thái thu thập lượng lớn dữ liệu khách hàng, giúp các tổ chức dự đoán rủi ro tín dụng chính xác hơn, góp phần giảm chi phí cho các khoản nợ xấu và cải thiện hiệu quả quản lý vốn. Mặt khác, các dịch vụ tài chính tích hợp còn giúp loại bỏ các bước trung gian và tự động hóa nhiều quy trình, từ đó tối ưu hóa nguồn lực và giảm chi phí vận hành.
Thứ năm, gia tăng giá trị cổ phiếu và lợi nhuận cho cổ đông. Các doanh nghiệp tham gia hoặc xây dựng hệ sinh thái thường nhận được sự đánh giá cao từ nhà đầu tư nhờ mô hình kinh doanh bền vững và tiềm năng tăng trưởng dài hạn. Điều này cũng giúp gia tăng giá trị cổ phiếu và cải thiện lợi nhuận cho cổ đông. Đáng chú ý, nhờ mô hình kinh doanh hiệu quả, các doanh nghiệp có khả năng chi trả cổ tức ổn định và gia tăng lợi nhuận tích lũy, từ đó mang lại giá trị thực sự cho cổ đông.
Cuối cùng, giúp quản trị rủi ro hiệu quả. Việc đa dạng hóa dịch vụ tài giúp doanh nghiệp giảm sự phụ thuộc vào một thị trường hoặc sản phẩm duy nhất, từ đó giảm thiểu rủi ro khi có biến động kinh tế. Hơn nữa, dữ liệu lớn từ hệ sinh thái cho phép doanh nghiệp đưa ra các quyết định kinh doanh sáng suốt, nhờ phân tích hành vi khách hàng, dự đoán xu hướng thị trường và quản lý rủi ro hiệu quả.
Thứ hai là lợi ích cho khách hàng.
Mô hình hệ sinh thái không chỉ mang lại giá trị lâu dài và bền vững cho doanh nghiệp mà còn mang lại giá trị thiết thực cho khách hàng thông qua trải nghiệm tích hợp, cá nhân hóa và sự tiện lợi chưa từng có.
Đầu tiên, là trải nghiệm "tất cả trong một" thông qua giải pháp tích hợp, liền mạch. Hệ sinh thái kết hợp nhiều dịch vụ khác nhau như mua sắm, tiêu dùng, ngân hàng, bảo hiểm, đầu tư, thanh toán, vay vốn… trên cùng một nền tảng giúp khách hàng không cần phải chuyển đổi giữa các tổ chức hoặc nền tảng khác nhau để sử dụng dịch vụ. Từ việc mở tài khoản, thanh toán hóa đơn, quản lý tài sản đến mua sắm, đăng ký bảo hiểm hoặc vay vốn… cũng giúp việc giao dịch của khách hàng trở nên tiện lợi hơn. Khách hàng có thể hoàn thành tất cả giao dịch thông qua một ứng dụng hoặc cổng dịch vụ duy nhất.
Thứ hai, tính cá nhân hoá cao. Thông qua việc phân tích dữ liệu lớn (Big Data) và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), hệ sinh thái có thể đưa ra các sản phẩm phù hợp với nhu cầu và khả năng của từng khách hàng. Chẳng hạn, trong hệ sinh thái tài chính, một khách hàng có lịch sử tiêu dùng tín dụng tốt sẽ được cung cấp gói vay vốn linh hoạt với lãi suất ưu đãi, trong khi một khách hàng quan tâm đầu tư sẽ nhận được các gợi ý sản phẩm đầu tư phù hợp với hồ sơ rủi ro của mình.
Thứ ba, tiết kiệm chi phí và thời gian. Chỉ cần có kết nối Internet, hệ sinh thái hiện đại thường hoạt động trên nền tảng số hóa, cho phép khách hàng sử dụng dịch vụ 24/7 từ bất kỳ đâu. Chẳng hạn, hệ sinh thái của Ping An Good Doctor kết hợp tài chính và y tế, giúp khách hàng không chỉ nhận bảo hiểm mà còn được tư vấn sức khỏe và thanh toán viện phí trực tiếp. Chính nhờ tính tích hợp và tự động hóa, mô hình này cũng giảm được các chi phí vận hành và quản lý. Điều này được chuyển thành lợi ích trực tiếp cho khách hàng qua việc giảm phí dịch vụ, tăng ưu đãi hoặc giảm giá các sản phẩm bổ sung.
Thứ ba, tăng giá trị sử dụng dịch vụ và niềm tin của khách hàng. Mô hình hệ sinh thái không chỉ dừng lại ở việc cung cấp sản phẩm mà còn tích hợp các dịch vụ hỗ trợ dài hạn như bảo trì, nâng cấp sản phẩm (trong trường hợp mua nhà hoặc xe) hoặc tư vấn. Ngoài ra, khi nhu cầu của khách hàng thay đổi, hệ sinh thái có thể dễ dàng điều chỉnh và cung cấp các sản phẩm mới mà không làm gián đoạn trải nghiệm của họ. Các hệ sinh thái hiện đại thường hoạt động trên nền tảng công nghệ cao với khả năng cung cấp thông tin minh bạch, rõ ràng về sản phẩm, đồng thời được đầu tư mạnh mẽ vào các giải pháp bảo mật, giúp bảo vệ thông tin cá nhân và giao dịch của khách hàng khỏi rủi ro gian lận hoặc tấn công mạng.
Thứ ba, lợi ích cho đối tác.
Các đối tác trong hệ sinh thái, chẳng hạn như nhà cung cấp dịch vụ, nhà phát triển bất động sản, công ty bảo hiểm hay các công ty khác cũng được hưởng lợi từ mô hình này.
Đầu tiên, mở rộng cơ hội kinh doanh. Khi tham gia hệ sinh thái, đối tác có cơ hội khai thác tệp khách hàng đa dạng từ các ngành khác nhau, nhờ sự kết nối giữa các dịch vụ trong hệ sinh thái. Như vậy, các đối tác có thể tận dụng hệ sinh thái để bán chéo sản phẩm hoặc dịch vụ, từ đó gia tăng doanh thu và tối ưu hóa giá trị vòng đời của khách hàng.
Hai là, tối ưu hoá chi phí vận hành và nguồn lực. Cụ thể, thay vì phải tự phát triển các dịch vụ từ đầu, đối tác có thể hợp tác với các bên khác trong hệ sinh thái để cùng cung cấp sản phẩm tích hợp giúp tiết kiệm thời gian, chi phí và gia tăng hiệu quả.
Ba là, tăng lợi thế cạnh tranh và đổi mới sáng tạo. Thay vì cạnh tranh để chiếm lĩnh thị phần, các đối tác trong hệ sinh thái có thể hợp tác để cung cấp các dịch vụ tốt hơn, tạo ra giá trị cho cả khách hàng và các bên tham gia. Hơn nữa, mô hình cũng khuyến khích các đối tác liên tục đổi mới và tạo ra những sản phẩm, dịch vụ đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.
Cuối cùng, giảm rủi ro thông qua chia sẻ dữ liệu. Các đối tác trong hệ sinh thái có thể chia sẻ dữ liệu để cải thiện khả năng dự báo và quản lý rủi ro, chẳng hạn như đánh giá khả năng tín dụng của khách hàng hoặc giảm thiểu gian lận.
Tựu trung lại, hệ sinh thái là chìa khóa để cân bằng giữa chiến lược kinh doanh và trải nghiệm khách hàng, tạo ra những giá trị khác biệt và bền vững. Đây không chỉ là một xu hướng mà còn là một giải pháp chiến lược giúp nâng cao giá trị cho khách hàng, cổ đông và đối tác.
Theo các chuyên gia, trong kỷ nguyên số hóa, việc tham gia hoặc xây dựng hệ sinh thái là một bước đi cần thiết để các doanh nghiệp tạo nên sự khác biệt và phát triển bền vững. Với sự kết nối tất cả các bên tham gia trong nền kinh tế – từ khách hàng cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức tài chính, đến Chính phủ, với những lợi ích đa chiều, mô hình này hứa hẹn sẽ định hình lại cách thức kinh doanh, mang lại lợi ích thiết thực cho toàn xã hội.