Một mặt hàng Việt Nam có thể đạt mức giá cao nhất lịch sử nhưng vì sao bị dự đoán lượng xuất khẩu giảm?

Dy Khoa | 17:34 08/12/2023

Giá mặt hàng này ở đầu niên vụ 2023/2024 ở mức cao nhất trong lịch sử, dự kiến giá sẽ tiếp tục tăng và có thể lên cao nhất thế giới trong năm 2024.

Một mặt hàng Việt Nam có thể đạt mức giá cao nhất lịch sử nhưng vì sao bị dự đoán lượng xuất khẩu giảm?

Theo khảo sát của Tạp chí Công Thương, giá cà phê hôm nay tại khu vực Tây Nguyên tăng từ 600 - 800 đồng/kg, dao động trong khoảng 60.000 - 60.900 đồng/kg.

Cụ thể, giá cà phê hôm nay tại Lâm Đồng tăng 600 đồng/kg, lên mức 60.000 đồng/kg - thấp nhất trong các địa phương khảo sát. Giá cà phê tại Gia Lai tăng 800 đồng/kg, lên mức 60.800 đồng/kg.

Giá cà phê hôm nay tại Đắk Lắk và Đắk Nông cùng tăng 700 đồng/kg, lên mức 60.900 đồng/kg - cao nhất trong các địa phương được khảo sát.

Theo ông Đỗ Hà Nam- Phó Chủ tịch Hiệp Hội Cà Phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa), đồng thời là Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Intimex group – công ty xuất khẩu cà phê hàng đầu Việt Nam, cà phê vụ mới đang chào bán mức 60.000 đồng/kg, giao hàng tháng 12/2023 và tháng 1/2024. Mức giá này cao hơn nhiều so với vụ trước do nhu cầu mua lớn của các doanh nghiệp xuất khẩu và doanh nghiệp FDI.

Ông Đỗ Hà Nam cho biết: “Trong lịch sử ngành cà phê đến giờ mới có, không chỉ doanh nghiệp Việt Nam mua cà phê non (tức là mua trước khi thu hoạch - PV) mà có khá nhiều các doanh nghiệp FDI cũng đã mua trước với một lượng hàng khá lớn. Trước tháng 11/2023, giá mua vào lên đến 64.000 đồng/kg, hiện nay giá cà phê vẫn ở mức 60.000 đồng/kg. Đây là mức giá chưa từng có vào đầu vụ và ở Việt Nam chưa bao giờ có giá cao như vậy”.

Một vấn đề quan trọng của Việt Nam là không còn hàng tồn kho, trong khi thông thường trước đây hàng tồn kho có từ 150.000 - 200.000 tấn, nhưng năm nay Việt Nam thiếu hẳn nguồn hàng này, báo hiệu một tình trạng rất không bình thường trong thời gian tới đối với ngành cà phê Việt Nam.

Theo ông Đỗ Hà Nam, nếu như vụ 2022/2023 đến tháng 6/2023 hầu như không còn hàng để mua trừ hàng tồn kho, thì năm nay Vicofa dự báo có thể vào tháng 5/2024, thậm chí tháng 4/2024, Việt Nam sẽ không còn hàng để mua.

Trong khi đó, nhu cầu nhập khẩu cà phê Robusta của châu Âu là rất lớn và gần như hoàn toàn trông cậy vào cà phê Robusta của Việt Nam, ít nhất là từ nay đến hết tháng 4/2024.

“Nếu như tất cả dồn hết vào thị trường Việt Nam thì từ nay đến hết tháng 4/2024, mọi người chỉ mua cà phê Việt Nam sẽ khiến nguồn cung trở nên rất căng thẳng. Như vậy, giá cà phê Việt Nam sẽ tăng ít nhất đến tháng 4/2024, trước khi Indonesia vào vụ mới và có thể sẽ đắt nhất thế giới trong năm 2024”, ông Đỗ Hà Nam nhấn mạnh.

Cũng đề cập đến thông tin xuất khẩu cà phê từ thị trường Việt Nam, tờ The Star (Malaysia) cho biết “xuất khẩu cà phê của Việt Nam dự báo giảm do năng suất thấp”.

Bài viết dẫn lời các lãnh đạo hiệp hội, doanh nghiệp cà phê cho rằng lượng xuất khẩu cà phê của Việt Nam niên vụ 2023-2024 có thể thấp hơn một năm trước do sản lượng giảm.

Cụ thể, Hiệp hội Cà phê và Ca cao Việt Nam cho biết không có tồn kho, nhu cầu trong nước tăng và giá xuất khẩu sẽ vẫn ở mức cao.

Phát biểu tại Hội nghị quốc tế châu Á lần thứ 27 tại TP HCM hồi đầu tuần này, ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch hiệp hội, cho biết Việt Nam, nước cung cấp hạt cà phê Robusta lớn nhất thế giới đang vào vụ thu hoạch 2023-2024 với khoảng 50% tổng diện tích canh tác, thu hoạch và sản lượng ước tính giảm nhiều hơn dự kiến.

Ông cho biết niên vụ mới có thể đạt sản lượng 1,6 triệu - 1,7 triệu tấn so với 1,78 triệu tấn niên vụ trước do thời tiết không thuận lợi và diện tích gieo trồng thu hẹp. Ông cho biết thêm, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong 11 tháng năm 2023 giảm gần 13% so với cùng kỳ năm 2022 và có khả năng giảm gần 15% trong cả năm.

Ông Đỗ Hà Nam, Phó chủ tịch hiệp hội kiêm Chủ tịch Tập đoàn Intimex, nêu diện tích trồng cà phê, đặc biệt là ở Đắk Lắk và Đắk Nông, đang bị thu hẹp.

Ông cho biết thêm, mỗi ha cà phê mang lại lợi nhuận khoảng 200 triệu đồng, trong khi bơ mang lại từ 1 tỷ đồng đến 1,5 tỷ đồng, gấp hơn 5 lần so với cà phê. Điều này gây khó khăn cho việc giữ nông dân tham gia trồng cà phê.

Steve Wateridge, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tại công ty tư vấn Tropical Research Services, cho biết nguồn cung cà phê toàn cầu đã thâm hụt khá lớn trong hai năm qua, ảnh hưởng đáng kể đến tồn kho và giá cả.

Ông cho biết, mức tiêu thụ cà phê Robusta trên toàn cầu đã tăng 10% vào năm 2023, trong khi sản lượng cà phê Arabica giảm 8%, đồng thời cho biết thêm rằng nhu cầu cao hơn đã đẩy giá cà phê Robusta lên cao.

Ông Nam cho biết, năm 2023 có ý nghĩa quan trọng đối với ngành cà phê Việt Nam khi giá trong nước và xuất khẩu liên tục tăng.


(0) Bình luận
Một mặt hàng Việt Nam có thể đạt mức giá cao nhất lịch sử nhưng vì sao bị dự đoán lượng xuất khẩu giảm?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO