Tại hội thảo "Thị trường căn hộ Hà Nội: Đâu là lựa chọn sống, đầu tư bền vững?" diễn ra mới đây, ông Bùi Văn Doanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam chia sẻ: “Giá trị bất động sản luôn gắn liền với vị trí, tiện ích và hạ tầng, cả hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Nhìn vào các tiêu chí trên thì thấy khu vực phía Nam Hà Nội nói chung và khu vực Linh Đàm nói riêng có khá nhiều lợi thế, cả hiện hữu và tiềm năng”.
Phân tích kỹ hơn về từng tiềm năng, sức hút của khu vực này, ông Doanh cho biết, thứ nhất là sức hút từ hạ tầng.
Cụ thể, về tiện ích, hạ tầng xã hội, khu vực này có hệ thống các bệnh viện lớn như Bạch Mai, Tai Mũi Họng Trung ương, Việt – Pháp, Lão khoa, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương...; các trường đại học như Bách Khoa, Y Hà Nội, Kinh tế, Xây dựng...
"Nếu được bổ sung thêm cơ sở giáo dục phổ thông và mầm non sẽ hoàn thiện hệ thống hạ tầng xã hội và giải quyết nỗi lo của cư dân, nhất là cư dân trẻ về chỗ học cho trẻ", ông Doanh cho biết.
Vị này cũng nhấn mạnh, tiềm năng của khu vực này rất lớn theo chủ trương của thành phố và quyết tâm lên quận của huyện Thanh Trì cũng như quy hoạch, kế hoạch phát triển hạ tầng đã và đang được triển khai gấp rút và động bộ.
Nhiều tuyến đường trọng điểm đã và đang được triển khai như: Cầu vượt thấp qua hồ Linh Đàm; tuyến đường Vành đai 2,5; tuyến nối Vành đai 2,5 với đường Đại Từ, tuyến qua phường Giáp Bát kết nối Vành đai 2,5 với Aeon Mall; tuyến nối Giải Phóng với Trương Định qua bến xe Giáp Bát; tuyến đường trục phía Nam Hà Nội với mức đầu tư 7.500 tỷ đồng bao gồm 8 làn xe xuyên qua 4 quận, huyện TP. Hà Nội là: Hà Đông, Thanh Oai, Ứng Hòa và Phú Xuyên; dự án đường Vành đai 4; tuyến Vành đai 3,5…
Theo ông Doanh, tác động của dự án tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam với điểm đầu ga Ngọc Hồi tại các xã Ngọc Hồi, Liên Ninh (huyện Thanh Trì, Hà Nội) cũng được đưa ra. Tổ hợp ga Ngọc Hồi có thể trở thành bàn đạp để phát triển đô thị khu vực phía Nam trở thành điểm nhấn công nghiệp, dịch vụ, thương mại hiện đại của Thủ đô. Hà Nội dự kiến dành khoảng 250 ha cho tổ hợp Ngọc Hồi để xây dựng đầy đủ chức năng của một ga đầu mối quốc gia và đô thị.
Từ tổ hợp Ngọc Hồi, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam kết nối với mạng lưới đường sắt phía Bắc sông Hồng thông qua hệ thống đường sắt vành đai phía Đông và phía Tây theo quy hoạch; kết nối với trung tâm Hà Nội qua tuyến đường sắt đô thị số 1; kết nối với cảng hàng không quốc tế Nội Bài thông qua tuyến đường sắt đô thị số 6; kết nối cảng biển Hải Phòng, liên vận quốc tế với Trung Quốc thông qua tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và tuyến Hà Nội - Lạng Sơn.
"Khu vực cửa ngõ phía Nam Hà Nội được ví như một thỏi nam châm đầy sức hút đối với các nhà đầu tư. Chắc chắn, trong tương lai, những dự án bất động sản phía Nam sẽ được hưởng lợi", ông Doanh nhận định.
Thứ hai là lợi thế về vị trí. Theo ông Doanh, khu vực phía Nam, trong đó có Linh Đàm rất gần vùng lõi, khu phố cổ, di chuyển đến trung tâm nhanh, thuận lợi. Có cảm giác không bị tách biệt với vùng lõi, tức có sự giao thoa, gần gũi về văn hóa, phong tục. Linh Đàm chỉ cách Bờ Hồ chưa đầy 10km, không có sông ngăn cách nên còn tạo cảm giác về không gian, về văn hóa gần gũi hơn.
Điều này có lợi cho việc giãn dân từ vùng lõi khi các hộ gia đình muốn tách hộ để giảm áp lực khi sống trong diện tích chật chội ở vùng lõi hoặc những người làm việc ở trung tâm muốn có nơi ở gần và tiện di chuyển.
Ở đây có yếu tố văn hóa, phong tục và địa lý. Có một sự thật thế này, khoảng cách từ trung tâm đến Linh Đàm cũng tương đương đến khu vực Cầu Đuống ở phía Đông hay đường Phạm Hùng, Phạm Văn Đồng ở phía Tây, nhưng những người chuyển từ khu vực trung tâm đến sống ở Linh Đàm sẽ luôn có cảm giác gần gũi với khu vực trung tâm hơn. Yếu tố này sẽ càng được nhân lên khi hạ tầng giao thông hoàn thiện, làm tăng lợi thế của khu vực này.
Thứ ba là lợi thế về nhân khẩu học. Sự dịch chuyển dân số từ các tỉnh về Hà Nội diễn ra liên tục và ngày càng tăng. Chưa có thống kê cụ thể nhưng nhìn đại thể có thể thấy, cư dân mới chuyển đến Hà Nội chủ yếu là lao động trẻ, chủ yếu từ các tỉnh phía Nam Nà Nội như Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, sau đó là Hà Nam, Ninh Bình.
Vì vậy, nhìn chung lực lượng cư dân này có nhu cầu cao mua nhà để ở. Xu hướng của họ nhìn chung dựa trên các tiêu chí giá cả hợp lý, tiện di chuyển đến nơi làm việc, tiện ích đầy đủ, nhất là trường học cho con, và có cả tiêu chí tiện lợi khi di chuyển về các tỉnh thành phía Nam Hà Nội.
"Khu vực Nam Hà Nội nói chung và Linh Đàm nói riêng gần như đáp ứng được các tiêu chí trên như gần vùng lõi, giá cả phải chăng, lại tiện có trục đường Pháp Vân – Cầu Giẽ kết nối với các tỉnh phía Nam là quê hương của những cư dân mới này", ông Doanh nói.
Vị này cho rằng, hiện nay, giá căn hộ khu vực này vẫn thấp hơn một số khu vực chính là do chưa đồng bộ về hạ tầng. Băn khoăn lớn nhất của người có nhu cầu mua nhà là về hạ tầng, cả hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Nhưng như trên đã nói, một khi hoàn thành đường vành đai 2,5, vành đai 4 và vành đai 3,5 sẽ giải tỏa ách tắc của đường Giải Phóng, nút Pháp Vân... và khi đó sức hút của khu vực Linh Đàm sẽ tăng lên.
Đặc biệt khi hạ tầng xã hội, nhất là hệ thống giáo dục phổ thông đủ đáp ứng nhu cầu của các gia đình trẻ thì sức hút căn hộ chung cư khu vực này sẽ rất mạnh và giá sẽ tăng.