Tổng Công ty cổ phần Dệt may Hòa Thọ (mã: HTG) vừa công bố Nghị quyết HĐQT về việc tạm ứng chi trả cổ tức lần 2 năm 2024 bằng tiền cho cổ đông, tỷ lệ 30%/cp (1 cổ phiếu được nhận 3.000 đồng). Ngày chốt danh sách cổ đông sẽ là ngày 25/12 tới đây, thời gian thực hiện chi trả vào 23/1/2025.
Với hơn 36 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ước tính doanh nghiệp cần chi khoảng 108 tỷ đồng để trả đợt cổ tức này.
Tính cả đợt tạm ứng cổ tức 10% bằng tiền hồi cuối tháng 7/2024, tổng tỷ lệ cổ tức năm 2024 của Dệt may Hòa Thọ lên tới 40%.
Được biết, doanh nghiệp dệt may này có truyền thống trả cổ tức bằng tiền cho cổ đông “đều như vắt tranh” với tỷ lệ cao, dao động trên 20% tới 40%. Hồi năm 2023, Dệt may Hòa Thọ thậm chí còn trả cổ tức năm 2022 với tổng tỷ lệ lên tới 60%, trong đó 40% bằng tiền và 20% bằng cổ phiếu.
Về kết quả kinh doanh quý 3/2024, Dệt May Hòa Thọ ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.498 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước và lợi nhuận trước thuế đạt 93 tỷ đồng, tăng 25%.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu của Dệt May Hòa Thọ đạt 3.772 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 236 tỷ đồng, lần lượt tăng 4,5% và 52% so với cùng kỳ năm 2023. Như vậy, doanh nghiệp đã hoàn thành 84% kế hoạch doanh thu (4.500 tỷ đồng) và vượt 6% mục tiêu lợi nhuận (220 tỷ đồng) cho cả năm.
Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu HTG chốt phiên 27/11 dừng ở mốc 46.350 đồng/cp, chỉ thấp hơn khoảng 2% đỉnh lịch sử 47.200 đồng/cp tại ngày 24/10.
Ngành dệt may "sáng cửa" trong tương lai?
Tại một báo cáo gần đây, Chứng khoán VNDirect nhận định ngành dệt may Việt Nam có nhiều lợi thế cạnh tranh với thế giới. VNDirect cho biết tính linh hoạt, nhanh nhạy và đa dạng sản phẩm là lợi thế lớn nhất của dệt may Việt Nam.
Theo khảo sát mới nhất của Hiệp hội Ngành Thời trang Hoa Kỳ (USFIA), ngành dệt may Việt Nam cạnh tranh nhất về tính linh hoạt và nhanh nhạy trong việc cung ứng dệt may, bao gồm việc đáp ứng thời hạn giao hàng, khối lượng và sản phẩm theo yêu cầu của khách hàng. Việt Nam có hệ thống cảng biển lớn, lợi thế về địa lý và chính trị ổn định so với Bangladesh.
Việt Nam có chi phí vận chuyển đến Hoa Kỳ thấp hơn so với Ấn Độ, Indonesia và Sri Lanka, nhưng cao hơn Mexico. Tuy nhiên, Việt Nam vượt trội hơn Mexico nhờ nhân công rẻ hơn và kỹ năng sản xuất cao.
Ngoài ra, Việt Nam cũng đang dẫn đầu về khả năng sản xuất linh hoạt và đa dạng sản phẩm, nhờ vào việc đầu tư máy móc tiên tiến và lao động có tay nghề cao, theo USITC. So với Bangladesh, Việt Nam có khả năng cung cấp các sản phẩm giá trị cao và đa dạng như áo gile, áo khoác mùa đông và đồ bơi, trong khi Bangladesh chủ yếu sản xuất hàng loạt áo thun cơ bản.
Lợi thế thứ hai là việc chuyển đổi số mạnh mẽ. Theo FPT Digital, mức độ sẵn sàng cho chuyển đổi số của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam còn thấp, mặc dù chúng ta tham gia mạnh mẽ vào chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu. Theo ông Nguyễn Thế Phương, chuyên gia tư vấn tại FPT Digital, có tới 90% doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang nằm ngoài xu hướng chuyển đổi số. Khó khăn lớn nhất được đưa ra là vốn đầu tư, việc triển khai và duy trì các giải pháp công nghệ số do chi phí cao và hiệu quả về năng suất chưa thể hiện rõ trong ngắn hạn.
Lợi thế thứ 3 là việc VNDirect kỳ vọng có thể thu hút thêm khách hàng từ sự dịch chuyển nguồn cung ra khỏi Trung Quốc. Các công ty thời trang Mỹ đang lên kế hoạch đẩy nhanh việc “giảm thiểu sự phụthuộc vào Trung Quốc”, theo USFIA. Theo khảo sát mới nhất của USFIA, 80% số người tham gia khảo sát có kế hoạch cắt giảm nguồn cung hàng may mặc từ Trung Quốc trong hai năm tới.
Việt Nam, Bangladesh và Ấn Độ là những điểm đến phổ biến nhất mà các nhà khảo sát sẽ lựa chọn để thay thế. Những quốc gia này nhìn chung có năng lực sản xuất quy mô lớn và kinh nghiệm lâu năm trong sản xuất dệt may. VNDirect kỳ vọng ngành dệt may Việt Nam sẽ hưởng lợi không chỉ từ xu hướng này mà còn từ những lợi thế của chúng ta như đã đề cập ở trên.