Điểm chung là sự thua lỗ này bắt nguồn từ các khoản cho vay trong lĩnh vực bất động sản thương mại, vốn đang chịu cảnh lay lắt dù bóng ma Covid-19 đã bị đẩy ra xa.
Hôm 31/1, cổ phiếu New York Community Bancorp (NYCB) giảm 38% sau khi báo cáo khoản lỗ 252 triệu USD trong quý vừa qua. Ngân hàng này đã phải dành 552 triệu USD trong quý 4 để dự phòng rủi ro, tăng 62 triệu USD so với quý trước. Ngân hàng này dự kiến sẽ lỗ lớn với các khoản vay dành cho một tòa nhà văn phòng.
Mức giảm của NYCB đã kéo bộ chỉ số KBW Regional Banking Index giảm 6%, mức giảm hàng ngày lớn nhất kể từ tháng 5 năm ngoái – tháng mà First Republic có trụ sở tại California trở thành ngân hàng thứ 3 của Mỹ sụp đổ.
Chỉ số này tiếp tục giảm 2,29% trong phiên giao dịch ngày 1/2, phục hồi so với mức giảm 4,8% trong phiên. Cùng với đó, cổ phiếu một loạt các ngân hàng của Mỹ cũng bị nhà đầu tư bán tháo.
Kể từ những “hỗn loạn” vào mùa xuân năm ngoái, các nhà đầu tư cũng như cơ quan quản lý cảnh giác cao độ trước những căng thẳng mới trong lĩnh vực ngân hàng, đặc biệt là mức độ tiếp xúc của mảng này với thị trường bất động sản thương mại đang ngày càng suy yếu.
Giá trị của nhiều tòa nhà đã giảm mạnh khi hàng triệu người lao động phải làm việc từ xa trong thời kỳ đại dịch, khiến một lượng lớn văn phòng bị bỏ trống hoặc không được sử dụng. Trong khi đó, lãi suất cao đã khiến các doanh nghiệp bất đổng sản, những người thường vay các khoản lớn để tài trợ cho các dự án, gặp khó khăn hơn trong việc hoàn trả các khoản nợ.
Hôm 1/2, Ngân hàng Aozora của Nhật Bản cho biết các khoản nợ xấu gắn liền với các văn phòng ở Mỹ là một phần nguyên nhân dẫn đến khoản lỗ hàng năm 190 triệu USD của doanh nghiệp này trong năm ngoái. Trước đây, ngân hàng dự kiến kiếm được lợi nhuận 160 triệu USD. Tin tức này đã ngay lập tức khiến cổ phiếu ngân hàng giảm 21%. Theo dự báo của Aozora, sẽ cần một hoặc 2 năm để thị trường văn phòng ở Mỹ có thể “ổn định”, khi nhiều người hơn trở lại văn phòng lạm việc và FED giảm dần lãi suất.
Ngoài ra, tổn thất cũng được ghi nhận ở châu Âu. Ngân hàng lớn nhất nước Đức là Deutsche Bank cũng trích lập 133 triệu USD để dự phòng rủi ro với các khoản vay trong lĩnh vực bất động sản thương mại ở Mỹ trong quý vừa qua. Con số này cao gấp 4 lần số tiền mà họ dự phòng rủi ro trong cùng quãng thời gian của năm 2022.
Philip Lawlor, lãnh đạo bộ phận nghiên cứu thị trường tại Wilshire Indexes, cho biết tình trạng hỗn loạn gần đây khó có thể tác động đến các ngân hàng lớn, có vốn hóa tốt trong thời gian này.
Tuy nhiên, ông này cảnh báo không nên chủ quan, nhất là khi những biến cố trong lĩnh vực ngân hàng đầu năm 2023 đều bắt nguồn từ những “gợn sóng nhỏ”.
Tham khảo: CNN