Mở thẻ tín dụng có phải là “bẫy” tín dụng?

Dương Trang | 15:51 20/03/2024

Cuộc “đua” mở thẻ thanh toán và thẻ tín dụng của các ngân hàng chưa bao giờ hết nóng. Trường hợp nếu không kiểm soát được chi tiêu và không cân đối được nguồn tài chính chuyên gia khuyên không nên mở thẻ tín dụng.

Mở thẻ tín dụng có phải là “bẫy” tín dụng?

Thống kê gần đây nhất của Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) cho thấy, Việt Nam có tổng số khoảng hơn 145 triệu thẻ vật lý đang lưu hành, gồm 113,07 triệu thẻ nội địa và 32,81 thẻ quốc tế.

Tuy nhiên, thực tế là không ít người dù mở thẻ, thậm chí là mở nhiều thẻ nhưng lại không sử dụng.

Là khách hàng VIP của một ngân hàng có vốn nhà nước, chị Diệu Hiền (Cầu Giấy, Hà Nội) được ngân hàng này phát hành thẻ Platinum debit và Epartner. Ngoài ra, chị còn được hai ngân hàng thương mại tư nhân khác mời mở thẻ tín dụng. Tuy nhiên, vì không có yêu cầu nên chị không mở thẻ tín dụng.

Mặc dù có 2 loại thẻ, nhưng chị chưa bao giờ dùng bất cứ loại nào để giao dịch, rút tiền tại các cây ATM hay hình thức thanh toán khác dùng quẹt thẻ. Bởi hiện nay thanh toán không dùng tiền mặt ở khắp mọi nơi, từ chợ truyền thống đến các trung tâm thương mại đều có thể chuyển online hoặc mã QR, nên 2 thẻ ngân hàng của chị bị “ế ẩm”.

Khác với chị Diệu Hiền, chị Thuý (Hoàng Mai, Hà Nội) được bạn bè, người quen ở một số ngân hàng mời mở thẻ, trong đó có 1 thẻ tín dụng. Nể tình chị đồng ý vì nghĩ nếu không dùng thì cũng không sao. Cầm trong tay 3 thẻ nhưng hầu như chị không dùng đến. Duy nhất, chị dùng một thẻ của tài khoản mà cơ quan trả lương, thưởng qua đó.

Sau 5 năm mở thẻ ở 2 ngân hàng không có giao dịch, linh tính mách bảo sau khi vụ việc của Eximbank xảy ra với khách hàng dư nợ tín dụng từ 8,5 triệu đồng mà lên 8,8 tỷ đồng, chị Thuý ra ngân hàng huỷ không dùng nữa, lúc đó chị ngạc nhiên vì phí duy trì thẻ phát sinh 600.000 đồng/2 thẻ. Nhân viên ngân hàng giải thích, nếu không sử dụng mà không hủy, thẻ vẫn phát sinh phí thường niên.

"Đây là bài học cho tôi và cũng cho mọi người không nên dễ dãi đồng ý cho mở thẻ, chỉ mở ở ngân hàng mà thường xuyên sử dụng thôi”, chị Thuý nói.

Được biết, cuộc đua phát hành thẻ, tài khoản rất khốc liệt. Người dùng được mời chào lẫn yêu cầu mở thẻ, tài khoản mọi lúc mọi nơi.

Chị Ngọc Anh, nhân viên tín dụng của một ngân hàng tư nhân cho biết, ngoài việc mở thẻ thanh toán thông thường, thì các nhân viên cần phải đạt KPI 3 thẻ tín dụng có hạn mức 50 triệu đồng/thẻ. Không mời được bạn bè, chị đành nhờ người nhà đứng tên, vì nếu không có nhu cầu sử dụng thì không cần kích hoạt.

Nhiều khách hàng vào giao dịch chị đều mời mở thẻ tín dụng, có những khách hàng dễ tính họ đồng ý mở, nhưng có những khách kỹ tính, họ trả lời thẳng không quen “ăn trước trả sau”.

Thực tế, nhiều khách hàng khi mở thẻ tín dụng vì được khuyến mại hay “mở giúp người quen”… đều không đọc kỹ hợp đồng khi mở thẻ, và nghĩ rằng mình chưa kích hoạt thẻ xem như không sử dụng, chắc không có vấn đề gì. Tuy nhiên, sau một thời gian nhận được thông báo của ngân hàng về khoản nợ đóng phí duy trì thẻ, phí thường niên… lên đến hàng trăm nghìn, thậm chí hàng triệu đồng mới tá hoả đi kiểm tra thì đã "dính nợ" ngân hàng.

Việc đầu tư vào thẻ tín dụng mang lại nguồn lợi nhuận lớn cho các ngân hàng bởi lãi suất cao hơn so với cho vay thông thường. Đồng thời, các khoản thu phí từ thẻ như phí thường niên, phí rút tiền mặt, phạt nợ quá hạn… đem lại nguồn thu lớn và rất ổn định.

Do đó, các ngân hàng chạy đua phát hành thẻ để mở rộng thị phần, bất chấp khách hàng đó có nhu cầu sử dụng hay không. Các ngân hàng liên tục đưa ra những chính sách nhằm thu hút và giữ chân khách hàng sử dụng thẻ tín dụng như: Hoàn tiền ở các điểm mua sắm, tặng tiền mặt khi chi tiêu nhiều, tặng vali, miễn thêm phí thường niên cho năm tiếp theo nếu chi tiêu đạt mức ngân hàng đưa ra...

Trong khi đó, khách hàng thấy việc mở thẻ có lợi và đặc biệt không cần phải đến quầy giao dịch, có thể mở tài khoản online thông qua app, mở bằng số điện thoại, CCCD... nên không đắn đo mở thẻ. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng có hàng chục triệu thẻ "rác" (khoảng 55 triệu thẻ), gây lãng phí cùng nhiều hệ lụy khác.

Trong bối cảnh thẻ “rác” tràn lan nhưng hiện nay vẫn chưa có quy định thời hạn đóng thẻ, tài khoản ngân hàng.

Tuy nhiên, mỗi ngân hàng có quy định riêng về xử lý thẻ rác. Tuy nhiên, về cơ bản các quy định đều giống nhau. Đơn cử như tại Agribank, đối với thẻ ATM sẽ tự động đóng khi không còn thời hạn sử dụng. Đối với thẻ tín dụng, khi không có nhu cầu sử dụng khách hàng chỉ cần đến phòng giao dịch thông báo đóng thẻ và không còn nợ, thẻ sẽ được đóng.

Nếu khách hàng có nhu cầu sử dụng lại tài khoản trong 48 tháng thì đề nghị ngân hàng khôi phục lại tài khoản và nộp thêm tiền để đủ số dư tối thiểu.

Một số chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, thanh toán không dùng tiền mặt là chủ trương của NHNN, tuy nhiên, thuận lợi thì rất nhiều, nhưng khi mở thẻ tín dụng khách hàng không kiểm soát được chi tiêu, không cân đối được nguồn tài chính thì đây có thể là cái “bẫy” tín dụng. Do vậy, khách hàng phải hết sức cân nhắc trước khi mở thẻ.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Mở thẻ tín dụng có phải là “bẫy” tín dụng?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO