Mở rộng chính sách hỗ trợ tài chính cho Vietnam Airlines

Đức Trí | 06:20 24/07/2024

Ngày 22/07/2024, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành Thông tư số 42/2024/TT-NHNN, mở rộng chính sách hỗ trợ tài chính cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, HOSE: HVN).

Mở rộng chính sách hỗ trợ tài chính cho Vietnam Airlines
Cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines liên tiếp giảm sàn, vốn hóa "bay hơi" 30.000 tỷ đồng chỉ sau hơn 2 tuần.

Động thái trên nhằm thực hiện Nghị quyết số 142/2024/QH15 của Quốc hội, cho phép NHNN tự động gia hạn thêm 3 lần đối với dư nợ tái cấp vốn của các tổ chức tín dụng đang cho Vietnam Airlines vay.

Thông tư mới sửa đổi quy định về tái cấp vốn, với thời gian gia hạn mỗi lần bằng thời hạn tái cấp vốn lần đầu. Tổng thời gian các lần gia hạn tối đa không quá 5 năm (bao gồm cả 2 lần đã được gia hạn theo Nghị quyết số 135/2020/QH14). Quyết định này thể hiện nỗ lực của Chính phủ trong việc hỗ trợ hãng hàng không quốc gia vượt qua hậu quả kéo dài của đại dịch COVID-19.

Đà tăng trưởng của Vietnam Airlines chững lại

Về tình hình kinh doanh, đến nay, các kết quả đều cho thấy Vietnam Airlines đã hồi phục trở lại, với lợi nhuận trước thuế 4,528 tỷ đồng trong quý 1/2024 (dù phần lớn lợi nhuận đến từ việc xóa nợ). Ở quý 2/2024, dù báo cáo tài chính vẫn chưa được công bố, nhưng ban lãnh đạo Vietnam Airlines cũng tiết lộ các con số sơ bộ tại hội nghị tổng kết gần đây.

Cụ thể, tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2024 do Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) tổ chức vào ngày 16/07, ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch Vietnam Airlines (HOSE: HVN), ước tính lợi nhuận trước thuế hợp nhất của Vietnam Airlines trong 6 tháng đầu năm đạt hơn 4.600 tỷ đồng.

Với kết quả trên, Vietnam Airlines có thể lãi trước thuế gần 100 tỷ đồng trong quý 2, tuy nhiên, điều này cũng cho thấy đà tăng trưởng lợi nhuận đã chững lại.

Tại sự kiện này, ông Hòa chia sẻ, sau hơn 3 năm đối mặt với nhiều khó khăn do đại dịch COVID-19, kết quả kinh doanh này là một tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, ông cũng thẳng thắn thừa nhận rằng hãng vẫn phải đối mặt với không ít thách thức.

Cụ thể, giá nhiên liệu tăng cao trong 6 tháng đầu năm đã khiến chi phí của hãng tăng thêm hàng nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, tỷ giá từ đầu năm đến nay đã tăng 4.8%, tạo thêm áp lực cho hoạt động kinh doanh.

"Bài toán" thiếu hụt máy bay

Một vấn đề khác mà Vietnam Airlines đang phải đối mặt là tình trạng thiếu máy bay. Hiện các hãng bay Việt Nam chỉ còn hơn 160 tàu bay hoạt động. Tuy nhiên, dù số lượng máy bay giảm, Vietnam Airlines vẫn tăng giờ bay so với năm ngoái để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

Nhìn về 6 tháng cuối năm, ông Hòa dự báo thị trường còn nhiều biến động khó lường. Đặc biệt, ông nhấn mạnh đến áp lực cạnh tranh gay gắt khi phải đối đầu với 120 hãng hàng không quốc tế bay tới Việt Nam. Điều này đòi hỏi hãng phải liên tục nâng cấp dịch vụ, chất lượng và đảm bảo an toàn.

Một động thái khác cho thấy Vietnam Airlines đang "hụt hơi" về tài chính khi "đối thủ" Vietjet vừa chi tới 7,4 tỷ đồng để mua 20 máy bay thân rộng A330Neo tại Triển lãm hàng không Farnborough (Farnborough Airshow) ở Anh, trong khi Vietnam Airlines vẫn "án binh bất động".

Điều này cũng lý giải vì sao, cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines liên tiếp giảm sàn, vốn hóa "bay hơi" 30.000 tỷ đồng chỉ sau hơn 2 tuần.

Chốt phiên ngày 23/7, cổ phiếu HVN tiếp tục giảm sàn về mức 22.650 đồng/cp, đánh dấu phiên giảm sàn thứ 3 liên tiếp và là phiên giảm sàn thứ 5/6 của cổ phiếu này trong 6 phiên giao dịch gần nhất.

Chi tiết thông tư số 42/2024/TT-NHNN:

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 04/2021/TT-NHNN

1. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 3 như sau:

“1. Nghị quyết của Quốc hội là Nghị quyết số 135/2020/QH14 ngày 17 tháng 11 năm 2020 của Quốc hội về Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV và Nghị quyết số 142/2024/QH15 ngày 29 tháng 6 năm 2024 của Quốc hội về Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.”.

2. Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 7 như sau:

“3. Gia hạn tái cấp vốn: Khoản tái cấp vốn được gia hạn tự động 05 (năm) lần tại thời điểm đến hạn đối với dư nợ gốc tái cấp vốn còn lại; thời hạn gia hạn mỗi lần bằng thời hạn tái cấp vốn; tổng thời gian tái cấp vốn và gia hạn tái cấp vốn tối đa không quá 06 năm.”.

3. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 14 như sau:

“1. Vụ Chính sách tiền tệ

a) Đầu mối trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét, xử lý đề nghị vay tái cấp vốn của tổ chức tín dụng theo quy định tại Thông tư này;

b) Đầu mối trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định tái cấp vốn đối với tổ chức tín dụng để triển khai Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết của Chính phủ.”.

4. Bổ sung điểm đ vào khoản 3 Điều 14 như sau:

“đ) Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định tái cấp vốn, Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước và tổ chức tín dụng rà soát, sửa đổi, bổ sung Hợp đồng nguyên tắc tái cấp vốn”.

Điều 2. Bổ sung, thay thế một số cụm từ của Thông tư số 04/2021/TT-NHNN

Bổ sung, thay thế một số cụm từ tại khoản 2 Điều 12 như sau:

1. Bổ sung cụm từ “cơ cấu lại thời hạn trả nợ” vào sau cụm từ “tổ chức tín dụng thực hiện”.

2. Thay thế cụm từ “theo quy định tại Thông tư này” bằng cụm từ “theo quy định tại khoản 1 Điều này”.

3. Thay thế cụm từ “theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài” bằng cụm từ “theo quy định của pháp luật”.

Điều 3. Trách nhiệm tổ chức thực hiện

Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tổ chức tín dụng chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư này.

Điều 4. Điều khoản thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 22 tháng 7 năm 2024.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Mở rộng chính sách hỗ trợ tài chính cho Vietnam Airlines
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO