Mô hình kinh doanh đặc biệt “một vốn mười lời”, đã có công ty Việt Nam giành giải thưởng top đầu ASEAN

Minh Hằng | 14:23 16/10/2024

Mô hình này có thể bắt đầu từ những việc làm nhỏ bé nhưng lại mang lại giá trị vô cùng to lớn và bền vững cho các doanh nghiệp.

Mô hình kinh doanh đặc biệt “một vốn mười lời”, đã có công ty Việt Nam giành giải thưởng top đầu ASEAN

Đó là kinh doanh bao trùm, đặc biệt là trong lĩnh vực Nông nghiệp tại Việt Nam. Đây cũng là chủ đề được trao đổi và thảo luận tại hội thảo "Thúc đẩy kinh doanh bao trùm trong lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam" và Chương trình ươm tạo tổ chức hỗ trợ và doanh nghiệp kinh doanh bao trùm, được tổ chức vào chiều 15/10 tại Hà Nội. Chương trình do Cục Phát triển Doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phối hợp cùng với Ban Thư ký Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cùng các đối tác liên quan tiến hành tổ chức.

Theo ASEAN định nghĩa, kinh doanh bao trùm (Inclusive business - IB) là mô hình kinh doanh cung cấp hàng hóa, dịch vụ và sinh kế cho những người có thu nhập thấp trên cơ sở khả thi về thương mại, ở quy mô lớn hoặc có khả năng mở rộng, huy động sự tham gia của người có thu nhập thấp trong chuỗi giá trị với vai trò là nhà cung cấp, phân phối, bán lẻ hoặc khách hàng. Mô hình này mang lại lợi ích cho cả ba bên, bao gồm chính phủ, doanh nghiệp và chính những người có thu nhập thấp.

Trong khu vực ASEAN, từ năm 2017, việc hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh bao trùm đã được đưa vào trong các chương trình hoạt động của ASEAN. Những năm sau đó, ASEAN đã có những hợp tác để đưa ra những chiến lược, kế hoạch hành động hướng dẫn để làm thế nào cho các nước thành viên có thể thúc đẩy và triển khai được mô hình kinh doanh bao trùm.

ba-huong-2.jpeg
Bà Trịnh Thị Hương, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, phát biểu tại Hội thảo. 

Bà Trịnh Thị Hương, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp đang chịu tác động nặng nề do biến động địa chính trị thế giới, biến động về kinh tế hay biến đổi khí hậu…, vì thế, phát triển bền vững trở thành xu hướng tất yếu.

Hướng tới mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam, Chính phủ đã có cam kết mạnh mẽ tại COP26 hướng đến "Net Zero" vào năm 2050. Để đạt được mục tiêu này, cộng đồng doanh nghiệp đóng một vai trò quan trọng và mô hình kinh doanh bao trùm được coi chính là giải pháp để doanh nghiệp đạt được mục tiêu về phát triển bền vững.

Tại Việt Nam, năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt "Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững giai đoạn 2022 – 2025" (gọi tắt là Chương trình 167). Đây cũng là lần đầu tiên khái niệm về kinh doanh bao trùm được Chính phủ đưa vào chương trình mang tầm quốc gia. Tiếp đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Thông tư 13/2023/TT-BKHĐT "Hướng dẫn cơ chế tổ chức thực hiện chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững giai đoạn 2022 – 2025".

"Chúng tôi cùng với các đối tác quốc tế, trong nước, để xây dựng ra các công cụ đánh giá về mức độ thực hành kinh doanh bao trùm tại Việt Nam", bà Trịnh Thị Hương cho biết.

"Mô hình kinh doanh bao trùm đang được khu vực ASEAN cũng như trên thế giới thúc đẩy. Bởi đây là một công cụ, mô hình hết sức hữu ích cho doanh nghiệp có thể tạo được những động lực mới và nâng cao sức cạnh tranh. Mô hình kinh doanh bao trùm vẫn là khái niệm khá mới với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. 

Nói một cách đơn giản, mô hình kinh doanh bao trùm giúp doanh nghiệp có các hoạt động kinh doanh không chỉ tạo ra được lợi nhuận mà còn khuyến khích các bên tham gia sản xuất – kinh doanh theo hướng bền vững, từ đó biến gánh nặng tuân thủ trở thành lợi thế mới cho doanh nghiệp", bà Hương chia sẻ.

Ông Ishraq Fazal, Cán bộ dự án Ủy ban Kinh tế - Xã hội Châu Á Thái Bình Dương (UN ESCAP), cho biết, hiện nay bối cảnh kinh doanh đang ngày càng phức tạp hơn cả về phát triển kinh tế và trong những nỗ lực để đạt được mục tiêu xã hội. Các doanh nghiệp đang ngày càng phải đối mặt với nhiều thách thức và sự đào thải hơn nữa. Trước bối cảnh như vậy, khu vực tư nhân, bao gồm các doanh nghiệp đóng một vai trò vô cùng to lớn để giúp chúng ta giải quyết được những thách thức này, chẳng hạn như việc họ giúp tạo ra thị trường công bằng và bền vững…

"Ở Việt Nam cũng đã có những mô hình về kinh doanh bao trùm. Đây là những minh chứng cho thấy việc phát triển kinh tế và xã hội hoàn toàn có thể song hành với nhau. Tuy nhiên, hiện nay, những mô hình này vẫn chưa phát huy hết được những tiềm năng của nó. Thúc đẩy mô hình kinh doanh bao trùm cần có sự nỗ lực và hành động của tất cả các bên, từ cơ quan Chính phủ, doanh nghiệp đến cộng đồng", ông Ishraq Fazal nhấn mạnh.

o-jason.png
Ông Jason Lusk, Giám đốc điều hành của Clickable Impact Consulting Group, cho rằng mô hình kinh doanh bao trùm mang lại nhiều lợi ích đa chiều. 

Đồng quan điểm với ông Ishraq Fazal, ông Jason Lusk, Giám đốc điều hành của Clickable Impact Consulting Group cho rằng, mô hình kinh doanh bao trùm mang lại lợi ích đa chiều cho cả Chính phủ, doanh nghiệp và người thu nhập thấp. Ông chỉ ra rằng đối với người thu nhập thấp, mô hình này tạo cơ hội việc làm và mang lại nguồn thu nhập ổn định. Về phía chính phủ, kinh doanh bao trùm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, còn với doanh nghiệp, mô hình giúp mở rộng thị trường mới và nâng cao giá trị thương hiệu và hình

"Như vậy, mô hình kinh doanh bao trùm sẽ tạo nên chiến thắng gấp 3 và tác động gấp 3 lần cho Việt Nam", ông Jason Lusk khẳng định.

Doanh nghiệp Việt giành giải thưởng kinh doanh bao trùm ASEAN

Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp cho biết, trong những năm gần đây, Việt Nam tự hào có 5 doanh nghiệp xuất sắc giành được giải thưởng quốc tế ASEAN IB Award về mô hình kinh doanh bao trùm. Một trong số đó có Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh.

ba-vinh-1.png
Bà Hà Thị Vinh, Giám đốc Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh, chia sẻ về việc áp dụng mô hình kinh doanh bao trùm tại doanh nghiệp.

Bà Hà Thị Vinh, Giám đốc Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh, chia sẻ kinh nghiệm về kinh doanh bao trùm. Theo bà Vinh, nhờ có mô hình kinh doanh bao trùm và tạo ra tác động xã hội hoặc tạo ra giá trị chia sẻ với người thu nhập thấp, đến nay, các sản phẩm gốm sứ Quang Vinh đã phục vụ cho hơn 90 triệu dân Việt Nam và xuất khẩu cho thị trường nước ngoài.

"Trải qua quá trình xây dựng nhà máy, trực tiếp cầm tay chỉ việc cho công nhân xuất phát là những nông dân, chúng tôi đánh giá được rằng, không phải những người yếu thế ở những vùng nông thôn mà họ không có tiềm lực hay không có khả năng để phát triển. Nguyên nhân là do họ chưa được trao cơ hội mà thôi. Minh chứng ngay tại Quang Vinh, từ những người nông dân chân lấm tay bùn, giờ đây họ trở thành những nghệ nhân. Các sản phẩm của họ đã chạm vào cảm xúc của người mua và xuất khẩu được vào các thị trường rất khó tính như Nhật Bản, Mỹ…", bà Hà Thị Vinh bộc bạch.

"Trên 90% sản phẩm của công ty chúng tôi đã và đang bán tại thị trường của hơn 20 quốc gia trên thế giới. Trong đó, các thị trường chính bao gồm Nhật Bản, Mỹ, Pháp, Đức, Đan Mạch, Anh, Canada, Israel… Hiện nay chúng tôi đang xây dựng nhà máy dùng điện mặt trời, điện tái tạo áp mái để tiết kiệm nặng lượng, tiến tới xây dựng sản phẩm xanh", Giám đốc Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh cho biết.

Biến đổi khí hậu đã tác động trực tiếp đến nền kinh tế, nhất là cơn bão Yagi đổ bộ vào các tỉnh miền Bắc Việt Nam vào tháng 9/2024. Những hiện tượng thời tiết cực đoan đã gây ra thiệt hại lớn cho các doanh nghiệp nông nghiệp, vốn phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên. Những tổn thất này không chỉ làm ảnh hưởng đến lợi nhuận trước mắt mà còn làm gián đoạn chuỗi cung ứng, khiến việc tiếp cận thị trường của các doanh nghiệp trở nên khó khăn hơn.

Trong bối cảnh này, phát triển bền vững trở thành một yêu cầu cấp thiết đối với nền kinh tế và đặt ra bài toán mà các doanh nghiệp cần tìm ra những mô hình kinh doanh mới để thích ứng. Chính vì vậy, đại diện Cục phát triển doanh nghiệp kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng mô hình kinh doanh bao trùm, nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tăng cường sức cạnh tranh, mở rộng thị trường, và xây dựng thương hiệu một cách bền vững.

Mô hình kinh doanh bao trùm không chỉ mang lại nhiều lợi ích về kinh tế mà còn mang tới những tác động xã hội sâu sắc, nhất là với cộng đồng thu nhập thấp.

jason.jpg
Theo ông Jason Lusk, việc nâng cao nhận thức về kinh doanh bao trùm là cấp thiết.

Tuy nhiên, theo ông Jason Lusk, mô hình kinh doanh bao trùm vẫn là khái niệm mới đối với nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nhiều doanh nghiệp hiện vẫn chưa nhận thức đầy đủ về tiềm năng và tác động to lớn mà mô hình này có thể mang lại.

Vì vậy, ông Jason Lusk cho rằng, việc nâng cao nhận thức về kinh doanh bao trùm là cấp thiết. Việc này cần có sự hỗ trợ từ phía chính phủ và các cơ quan chức năng nhằm tạo đòn bẩy cho doanh nghiệp áp dụng mô hình này.

Trên hành trình hướng tới phát triển bền vững, Chính phủ Việt Nam đang thực hiện mục tiêu của mình thông qua nhiều cam kết, chính sách trên cả 3 mặt trận, gồm kinh tế, xã hội và môi trường. Song hành với xu thế đó, kinh tế tư nhân đã phát triển không ngừng cả về quy mô và chất lượng, trở thành một nòng cốt hỗ trợ Chính phủ đến gần hơn với mục tiêu đã đề ra.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam hiện có hơn 910 doanh nghiệp, trong đó gần 98% là các doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa.

Chính vì vậy, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã ban hành Quyết định số 167/QĐ-TTG về "Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững giai đoạn 2022 – 2025" (gọi tắt là Chương trình 167). Chương trình này đặc biệt chú trọng đến các thực hành kinh doanh bao trùm, với mục tiêu đảm bảo toàn xã hội đều được hưởng lợi từ các hoạt động kinh tế, đặc biệt là các nhóm yếu thế vốn thường bị bỏ qua trong các mô hình kinh doanh truyền thống.

Trong khuôn khổ Hội thảo này, có giới thiệu dự án trong khuôn khổ Sáng kiến Australia về chiến lược truyền thông toàn diện, nhằm hướng tới việc thúc đẩy mô hình kinh doanh bao trùm tại Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam.


(0) Bình luận
Mô hình kinh doanh đặc biệt “một vốn mười lời”, đã có công ty Việt Nam giành giải thưởng top đầu ASEAN
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO