Theo số liệu thống kê sơ bộ của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu cá ngừ đóng hộp của Việt Nam trong tháng 8 đã thu về gần 22 triệu USD, giảm 13% so với tháng trước đó. Lũy kế 8 tháng đầu năm mặt hàng này thu về hơn 196 triệu USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước mặc dù giảm liên tục từ tháng 5 đến nay, do 4 tháng đầu năm tăng mạnh.
Cũng theo VASEP, hiện các sản phẩm cá ngừ đóng hộp của Việt Nam đã được xuất khẩu sang 74 nước trên thế giới. Xét về thị trường, Mỹ, Israel, Đức, Hà Lan và Libanon là 5 thị trường xuất khẩu đơn lẻ lớn nhất của Việt Nam, chiếm hơn 61% tổng giá trị. Tuy nhiên, xuất khẩu cá ngừ đóng hộp sang 2 thị trường lớn nhất là Mỹ và EU đang sụt giảm liên tục trong 4 tháng qua.
Đáng chú ý Israel đang trở thành thị trường nóng của cá ngừ Việt Nam nói chung và cá ngừ đóng hộp nói riêng. Trong tháng 8, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam đạt mức tăng trưởng ấn tượng tại thị trường Israel với mức tăng 143% so với tháng 8/2023, tổng thu về hơn 48 triệu USD sau 8 tháng đầu năm.
Việt Nam có hơn 140 công ty tham gia xuất khẩu cá ngừ đóng hộp. Trong đó, 5 công ty xuất khẩu lớn nhất là Tuna Vietnam chiếm tỷ trọng 10%, Mariso Vietnam chiếm 8%, Yueh Chyang Canned Food chiếm 8%, AHFISHCO chiếm 7% và Highland Dragon chiếm 6%.
Theo VASEP, giai đoạn sụt giảm xuất khẩu cá ngừ đóng hộp cũng chính là giai đoạn Nghị định 37/2024/NĐ-CP có hiệu lực khiến các doanh nghiệp phải ngừng việc thu mua nguyên liệu cá vằn khai thác trong nước của ngư dân do không đảm bảo kích cỡ 100% đạt nửa mét trở lên; hầu hết các cảng cá hiện nay cũng đã ngừng xác nhận nguyên liệu (giấy S/C) cho các lô hàng cá ngừ vằn do kích thước cá khai thác nhỏ hơn quy định của Nghị định 37 khiến doanh nghiệp phải tận dụng nguồn nguyên liệu tồn kho để đáp ứng xuất khẩu.
Bên cạnh đó, những vấn đề xung đột tại Biển Đỏ khiến chi phí vận tải đi châu Âu và Mỹ tăng mạnh. Theo báo cáo từ Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), chi phí vận tải từ Việt Nam đến châu Âu đã tăng 3-5 lần, còn đến Mỹ cũng tăng từ 70-88%. Không chỉ vậy, thời gian vận chuyển kéo dài còn gây ra tình trạng thiếu hụt container rỗng, khiến việc lưu thông hàng hóa thêm khó khăn. Điều này đang ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp cá ngừ Việt trên thị trường quốc tế.
Lạm phát ổn định và phục hồi kinh tế chậm cũng là những yếu tố khó khăn, khiến cho nhu cầu nhập khẩu cá ngừ tại nhiều quốc gia vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục.
Năm 2022, lần đầu tiên, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam vượt mốc 1 tỷ USD. Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu cá ngừ lớn thứ 5 thế giới xét về kim ngạch, chỉ sau Thái Lan, Ecuador, Tây Ban Nha và Trung Quốc trong năm 2023.