Theo số liệu vừa công bố của Tổng cục Hải Quan, tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong 11 tháng đã vượt 6,6 tỷ USD, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm trước.
Mục tiêu đề ra của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho ngành hàng rau quả trong năm nay là giá trị xuất khẩu ước đạt 6 - 6,5 tỷ USD. Như vậy, kim ngạch xuất khẩu rau quả sau 11 tháng đã hoàn thành.
"Sự tăng trưởng vượt bậc của sản lượng các loại trái cây chủ lực, kết hợp với việc khai thác hiệu quả thị trường Trung Quốc, đã giúp xuất khẩu rau quả Việt Nam đạt được những thành tích đáng ghi nhận trong thời gian qua", Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đánh giá.
Về thị trường, nhập khẩu nhiều rau quả nhất của Việt Nam là Trung Quốc chiếm 65% thị phần, đạt hơn 4,3 tỷ USD (108.000 tỷ đồng), tăng 28% so với cùng kỳ 2023, cao nhất từ trước tới nay. Các thị trường tiếp theo phải kể đến là Mỹ, Hàn Quốc, Thái Lan và Nhật Bản.
Hiện Việt Nam đang xuất khẩu chính ngạch cho Trung Quốc 11 loại trái cây đặc sản như: sầu riêng, mít, thanh long, chuối, xoài, nhãn, vải, dưa hấu, chôm chôm, măng cụt, chanh dây, ngoài ra có thêm khoai lang, cây xạ đen.
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, trong 11 tháng, sầu riêng là mặt hàng xuất khẩu chủ lực, chiếm khoảng 42% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc và đạt khoảng 2,8 tỷ USD. Hiện, Việt Nam là nhà cung cấp sầu riêng lớn thứ hai tại Trung Quốc. Thị phần trong năm nay của Việt Nam đã tăng từ 34% lên hơn 40%.
Cùng với mặt hàng sầu riêng, những sản phẩm khác như thanh long, chuối, mít và xoài cũng tiếp tục đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu. Thị phần chuối Việt Nam đã tăng từ 31,3% năm 2023 lên 40,7% trong năm nay. Dự kiến, đến hết năm 2024, kim ngạch xuất khẩu chuối có thể đạt nửa tỷ USD - mức cao kỷ lục. Cùng với đó, chuối và mít đang dẫn đầu thị phần tại nước này.
“Với tiềm năng to lớn và tốc độ tăng trưởng cao trong sản xuất nông nghiệp, Việt Nam tự tin có thể đáp ứng những yêu cầu to lớn và đa dạng của thị trường Trung Quốc hiện tại và tương lai”, ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch Hiệp hội rau quả Việt Nam, Việt Nam - Trung Quốc chia sẻ trên Báo Công thương.
Dự kiến việc xuất khẩu rau quả sẽ gặp phải một số khó khăn trong tháng cuối cùng của năm do sự khan hiếm nguồn cung một số loại trái cây chủ lực. Tuy vậy, sự tăng trưởng của nhu cầu từ các thị trường toàn cầu, đặc biệt là từ Trung Quốc, cùng với việc ký kết các Hiệp định thương mại thuận lợi, sẽ thúc đẩy quá trình xuất khẩu.
Với dân số 1,4 tỷ người, Trung Quốc hiện là thị trường nhập khẩu rau quả nhiều nhất từ Việt Nam. Xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc được dự báo sẽ đạt từ 4,5 - 5 tỷ USD trong cả năm 2024.
Theo đà tăng trưởng và nhu cầu thị trường Trung Quốc ngày càng cao, các nhà kinh tế nhận định rằng, rau quả Việt Nam có khả năng cán mốc 10 tỷ USD giá trị xuất khẩu trong thời gian sắp tới.
Một trong những lợi thế của rau củ quả Việt Nam là các sản phẩm nông sản rau quả sạch, an toàn, có nguồn gốc tự nhiên, giá thành hợp lý. Đây chính là điều người tiêu dùng Trung Quốc ngày càng quan tâm trong thời gian gần đây. Nhiều loại trái cây Việt Nam được người tiêu dùng Trung Quốc biết đến và ưa chuộng nhờ hương vị thơm ngon, chất lượng không thua kém các nước xung quanh.
Ngoài ra, năm 2024, Việt Nam đã ký hai Nghị định thư quan trọng với Trung Quốc liên quan đến sầu riêng đông lạnh và dừa tươi sẽ mở ra cơ hội lớn cho các sản phẩm của Việt Nam, góp phần nâng kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam.