Brian Armstrong, giám đốc điều hành kiêm đồng sáng lập của Coinbase, sàn giao dịch tiền số lớn nhất thế giới, vừa chia sẻ với Forbes: “Chúng ta đang ở thời điểm thực sự thú vị. Có một sự thay đổi đang diễn ra với tiền số: từ một loại tài sản đầu cơ biến thành thứ mọi người sử dụng cho các tiện ích hàng ngày. Khoảng 400 triệu người đang sử dụng tiền số trên toàn cầu”.
Nhắc đến tiền số, hầu hết mọi người đều quan tâm đến giá cả. Bitcoin đã tăng giá gấp đôi trong năm ngoái lên khoảng 58.000 USD, trong khi hơn 20 quỹ ETF tiền số nắm giữ 54 tỷ USD tài sản kỹ thuật số đang giao dịch tại Mỹ. Chúng được sử dụng rộng rãi hơn bao giờ hết, thậm chí trở thành chủ đề quan trọng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.
Với việc CEO Binance Changpeng Zhao và Sam Bankman-Fried của FTX phải ngồi tù, Armstrong nổi lên như một người phát ngôn nổi bật nhất. Sàn giao dịch tiền số mà ông đồng sáng lập cách đây 12 năm hiện có vốn hóa thị trường hơn 40 tỷ USD.
Vào năm 2023, Coinbase thu về 95 triệu USD trên doanh thu 3,1 tỷ USD. Trong sáu tháng đầu năm 2024, doanh thu đạt 3,1 tỷ USD trong khi thu nhập ròng tăng vọt lên 1,2 tỷ USD.
Nếu có một tổ chức ‘quá lớn để sụp đổ’, đó đích thị là Coinbase. Chỉ tính riêng về Bitcoin, Coinbase nắm giữ 11% tổng số token đang tồn tại. Đối với đồng tiền quan trọng thứ hai là Ether, thị phần của Coinbase thậm chí còn lớn hơn, ước tính chiếm 14% tổng số các token. Nếu Coinbase sụp đổ, hậu quả vô cùng thảm khốc.
Tuy nhiên, không phải ai cũng thích Coinbase.
Vào tháng 6 năm 2023, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch đã kiện Coinbase vì hoạt động như một sàn giao dịch, công ty môi giới và công ty thanh toán chưa đăng ký. Các cáo buộc dự sẽ được đưa ra xét xử vào năm 2025.
Theo Forbes, hoạt động kinh doanh chính của Coinbase là giao dịch, lưu ký và đồng quản lý một hoạt động stablecoin khổng lồ (trị giá 35 tỷ USD) gắn giá trị của token USDC với đô la Mỹ. Vị thế thống lĩnh của Coinbase cho phép công ty tính phí cao. Mua 5.000 USD Bitcoin trên sàn giao dịch sẽ tốn 90 USD. Để so sánh, trên Kraken phí là 20 USD còn trên Robinhood là miễn phí.
Tham vọng của Armstrong là phá vỡ cỗ máy kiếm tiền và tạo ra một cơ sở hạ tầng hoàn toàn mới cho các giao dịch nhanh như chớp. Điều này không chỉ giúp giảm phí mà còn làm suy yếu sự kiểm soát của các công ty công nghệ và tài chính lớn.
“Sứ mệnh của tôi và Coinbase là tăng cường tự do kinh tế trên thế giới”, anh ấy nói. “Tầm nhìn ở đây là tiền số sẽ thúc đẩy GDP toàn cầu. Nó sẽ tạo ra tiền tệ lành mạnh, cơ sở hạ tầng tài chính lành mạnh cho mọi người trên toàn thế giới với mức phí thấp hơn”.
Động lực thúc đẩy doanh nghiệp mới nhất của Armstrong là Base, ra mắt vào tháng 8 năm 2023. Thay vì là một blockchain tự cung tự cấp như Bitcoin, Ethereum và Solana, Base được thiết kế để cải thiện Ethereum nhờ khả năng xử lý hàng nghìn giao dịch mỗi giây. Mỗi giao dịch có chi phí chưa đến một xu. Để so sánh, Ethereum chỉ có thể xử lý khoảng một chục giao dịch mỗi giây, mỗi giao dịch có chi phí trung bình là 1 USD. Đây là cải tiến lớn, song vẫn còn kém xa các mạng tài chính hiện có.
Armstrong muốn Base giá rẻ của mình có thể tương tác với các blockchain dựa trên Ethereum khác và hỗ trợ các phiên bản phi tập trung của Facebook, YouTube, Google, Uber và X. Theo nhà phân tích Owen Lau của Oppenheimer, ước tính 1 triệu người dùng hoạt động của Base sẽ đóng góp 100 triệu USD vào doanh thu Coinbase năm 2024. Phần lớn số tiền đến từ phí giao dịch.
Hiện cổ phiếu Coinbase đã tăng gần gấp đôi trong 12 tháng qua. Miễn là giá tiền số tiếp tục tăng vọt, Armstrong vẫn có thể nói ra nhiều lời ‘vô nghĩa lý tưởng’ mà mình muốn.
Vị CEO này mở rộng Coinbase bất chấp sự suy thoái của ngành, hướng hoạt động công ty ra thị trường nước ngoài, sau đó củng cố mối quan hệ kinh doanh với các nhà quản lý tài sản Phố Wall. Đáng chú ý, Coinbase còn đóng vai trò giám sát 8 quỹ giao dịch Bitcoin.
Vào năm ngoái, Armstrong dành gần như toàn bộ thời gian ở Washington để vận động hành lang cho luật tiền số. Anh chàng thuê các nhà lập pháp làm cố vấn, sau đó quyên góp hơn 1 triệu USD tài sản cá nhân cho một ủy ban siêu tiền số.
Đối với nhiều người trong ngành, Armstrong 40 tuổi đang lấp đầy khoảng trống mà Bankman-Fried, người từng là “đại sứ tiền số” để lại. Adam Jackson, giám đốc điều hành Braintrust, công ty đầu tư mạo hiểm của Coinbase, cho biết: “Khi Sam sa sút, đã có một khoảng trống. Brian bước vào và cố gắng mang lại uy tín cho tiền số”.
Không giống như Zhao và Binance, vụ kiện chống lại Coinbase không nêu tên Armstrong là bị đơn. Công ty cũng không bị cáo buộc lợi dùng tiền của khách hàng.
Nhà phân tích John Todaro của Needham & Co. cho rằng Coinbase đang có một vị thế “tốt chưa từng có” kể từ khi lên sàn. Năm 2022 và 2023 được xem là sóng gió đối với lĩnh vực tiền số song các doanh nghiệp như Coinbase vẫn đang nỗ lực sống sót để vươn lên.
“Bitcoin là một trong những phát minh quan trọng nhất của thời đại, khiến cả thế giới phải chuyển mình. Thật tuyệt vời khi chứng kiến toàn bộ hệ sinh thái đang phát triển quanh phát minh vĩ đại này. Bitcoin với tôi vẫn là mối tình đầu”, Brian Armstrong nói.
Được biết trước đó, CEO Coinbase đã nhiều lần xuất hiện trong danh sách Under 40 và được ca ngợi như là một “Rockstar trong cộng đồng Bitcoin”. Anh ủng hộ việc áp dụng Bitcoin và thường xuyên có bài phát biểu tại các hội nghị, hội thảo vận động hành lang cho tiền số.
Theo: WSJ, Forbes
Những thông tin về tiền mã hóa (cryptocurrency), hay thường được gọi là "tiền ảo" chưa được pháp luật công nhận tại Việt Nam. Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và không có giá trị khuyến nghị đầu tư.