Lý giải sự cố gây náo loạn sàn giao dịch chứng khoán New York: Chúng ta đã biết những gì?

Linh Anh | 03:08 25/01/2023

Dù khó tin nhưng rất nhiều cổ phiếu lớn đã bị ảnh hưởng trong sự cố đầu phiên giao dịch ngày 24/1, để lại hàng loạt những câu hỏi cần sự giải đáp.

Lý giải sự cố gây náo loạn sàn giao dịch chứng khoán New York: Chúng ta đã biết những gì?

Sàn giao dịch chứng khoán New York (NYSE) gặp sự cố kỹ thuật vào đầu phiên giao dịch ngày 24/1, khi hàng chục cổ phiếu mở cửa ở mức giá cao hơn hoặc thấp hơn nhiều so với giá đóng cửa ngày hôm trước.

Hầu hết các giao dịch đã tạm ngừng ngay sau khi mở cửa vì quy định được thiết kế để ngăn chặn biến động. Khoảng 5-10 phút sau, các giao dịch đã được mở cửa trở lại với mức giá gần hơn nhiều so với mức giá đóng cửa của phiên hôm trước.

Các cổ phiếu bị ảnh hưởng bao gồm một loạt các tên tuổi lớn như Altria, Mastercard, McDonalds, Uber, Wells Fargo, Verizon, Rio Tino, Shell, AT&T, Lilly, Mosaic, Wells Fargo, Nike, Nucor, Transocean, Prudential, 3M, Newmont Mining, Southern, United Pacific , Sony, United Parcel Service, Altria, Valero Energy, Occidental Petroleum, Royal Dutch Shell, MetLife, Visa, Walmart và Exxon Mobil.

Vào lúc 11h sáng ngày 24/1, NYSE đã đưa ra tuyên bố chính thức: “Chúng tôi đang tiếp tục điều tra các vấn đề với phiên giao dịch đầu giờ sáng nay. Các công ty bị ảnh hưởng có thể xem xét nộp đơn khiếu nại để làm rõ ràng vấn đề theo Quy định số 18”. Trong trường hợp này, NYSE sẽ xác định giá ban đầu của các cổ phiếu bị ảnh hưởng không phải là giao dịch hợp lệ và NYSE sẽ xác định mức giá được cho là “đúng”.

Vậy chuyện già đã xảy ra?

Hàng ngày, NYSE mở cửa giao dịch lúc 9h30 theo giờ địa phương. Chỉ có một mức giá mở cửa duy nhất, được xác định bởi hàng nghìn lệnh mua và bán cổ phiếu riêng lẻ. Các giao dịch này được tổng hợp trong một sổ lệnh để đánh giá tổng thể cung và cầu. Sau đó, mức giá cân bằng giữa lượng mua và lượng bán sẽ được chọn là giá mở cửa.

Vì một lý do nào đó, có vẻ như nhiều lệnh mua và lệnh bán cổ phiếu đã không được đưa vào sổ lệnh, dẫn tới việc xác định giá mở cửa sai. Hậu quả là nhiều cổ phiếu mở cửa với mức giá thấp hơn hoặc cao hơn rất nhiều, khiến giá cách xa giá đóng cửa của phiên ngày 23/1.

Có 2 ví dụ để mọi người có thể hiểu về điều này. Cổ phiếu Mosaic đóng cửa phiên 23/1 ở mức giá 48,35 USD nhưng mở cửa ở mức 40,29 USD của ngày hôm sau, tương đương mức giảm 16%. Giao dịch đã bị đình chỉ gần như ngay lập tức nhưng được mở lại lúc 9h43 với mức giá 48 USD.

Trong khi đó, Walmart đóng cửa phiên thứ 2 là 142,64 USD nhưng mở cửa ngày hôm qua ở 159,88 USD, tương đương mức tăng 12%. Nó cũng bị đình chỉ gần như ngay lập tức và mở cửa trở lại lúc 9h40 với mức giá 141,51 USD.

NYSE sẽ làm gì?

NYSE đã ám chỉ rằng họ có thể hủy bỏ tất cả những giao dịch diễn ra trong thời gian xảy ra sự cố. Đây dường như là phương án khả thi nhất bởi nhiều nhà đầu tư đã phải hứng chịu các khoản lỗ lớn trong trường hợp giao dịch của họ được khớp lệnh. Ngoài ra, các nhà đầu tư bị ảnh hưởng có thể sẽ đâm đơn kiện bởi giá biến động mà không liên quan tới doanh nghiệp và các sự kiện bên ngoài.

Nhiều khả năng, giá mở cửa chính xác sẽ là mức giá khi các giao dịch được thực hiện trở lại.

Những sự cố tương tự đã từng xảy ra?

NYSE chưa đưa ra lời giải thích nhưng kiểu sự cố này có khả năng liên quan đến việc nâng cấp phần mềm hoặc lỗi bảo mật trong hệ thống.

Vào ngày 8/7/2015, giao dịch đã bị tạm dừng trong gần 4 giờ khi NYSE gặp phải cái gọi là “sự cố kỹ thuật nội bộ”.

Hồi tháng 8/2012, một sự cố phần mềm đã đánh sập Knight Trading, dẫn tới một lượng lớn lệnh sai được gửi lên sàn giao dịch. Vụ việc này đã khiến Knight phải bán mình.

Một chuyên gia thị trường cho biết: “Chín trong 10 lần xảy ra sự cố của NYSE là do nâng cấp hoặc thay đổi phần mềm trong hệ thống”.

Tham khảo: CNBC


(0) Bình luận
Lý giải sự cố gây náo loạn sàn giao dịch chứng khoán New York: Chúng ta đã biết những gì?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO