Lượng tiêu thụ mít Thái giảm do "tắc" biên sang Trung Quốc

Thu Hà | 22:39 25/03/2022

Theo các vựa lớn chuyên mua mít Thái xuất khẩu, hiện rất khó khăn để vận chuyển hàng qua Trung Quốc bán nên nhiều vựa không mua vào, kéo theo giá mít giảm xuống thấp.

Lượng  tiêu  thụ  mít Thái giảm  do  "tắc" biên  sang  Trung  Quốc
Trong phiên giao dịch hôm nay (25/3) giá mít Thái tăng trở lại.

Giá mít Thái các phiên đầu tuần qua hầu như giảm nhẹ, đến giữa tuần mới có sự “nhích nhẹ” lên 1.000 – 2.000 đồng/kg. Do giá mít giảm và nằm ở mức thấp, nhiều vựa mít Thái tạm nghỉ, không báo giá. Nhiều thương lái tạm ngưng đi vào vườn cắt ảnh hưởng đến việc tiêu thụ sản phẩm này.

Sau nhiều phiên đi ngang do việc vận chuyển mít Thái qua cửa khẩu sang Trung Quốc gặp nhiều khó khăn, vận chuyển bằng đường biển cũng không được thuận lợi thì đến hôm nay (25/3) giá mít đã tăng trở lại.

Cụ thể, một số vựa mít Thái ở tỉnh Tiền Giang cho biết, giá mít tăng 1.000 đồng/kg so với hôm qua. Theo đó, giá mít Kem lớn 12.000 đồng/kg, giá mít Kem nhỏ 5.000 đồng/kg.

Tuy nhiên, ngoài một số vựa tăng giá, cũng có vựa vẫn giữ giá như hôm qua. Cụ thể, một số vựa mua mít Kem lớn 11.000 đồng/kg, mít Kem nhỏ 4.000 đồng/kg, mít chợ 4.000 đồng/kg.

Đối với các thương lái vào các vườn ở Tiền Giang mua mít Kem lớn từ 9.000 -10.000 đồng/kg, mít Kem nhỏ từ 2.000-3.000 đồng/kg.

Tại các địa phương như Đồng Tháp, An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Vĩnh Long và TP Cần Thơ, giá mít Thái hôm nay 25/3 mua tại vựa như sau: mít Kem lớn 11.000 đồng/kg, mít Kem nhỏ 4.000 đồng/kg.

a1111.png

Theo khảo sát của Markettimes, tuần qua (21-25/3) giá mít Thái không có sự biến động nhiều do việc xuất khẩu sang thị Trường Trung Quốc vấn còn gặp khó khăn.

Đối với các địa phương này, thương lái vào vườn mua mít Kem lớn 9.000 đồng/kg, mít Kem nhỏ 2.000 đồng/kg.

Nhiều hộ dân ở huyện Cái Bè và huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang cho biết, các thương lái vào vườn chủ yếu mua mít xô (không phân loại). Sau khi mua về, các thương lái sẽ phân loại bán lại cho vựa và các đầu mối vận chuyển đi tiêu thụ thị trường trong nước.

Hiện thương lái mua xô ở tất cả khu vực ở tỉnh Tiền Giang, chiếm tỉ lệ khoảng 90%. Chỉ có số ít thương lái mua phân loại ra mít Kem lớn, mít Kem nhỏ và mít chợ.

Được biết, hiện nay nhiều nhà vườn trồng mít Thái ở Đồng bằng  sông Cửu Long đang chuẩn bị bước vào giai đoạn thu hoạch vụ mới. Với giá mít giảm như hiện nay, người dân lo lắng có nguy cơ thu lỗ.

Theo thống kê của Cục Trồng trọt, năm 2021, sản lượng mít Thái của các tỉnh phía Nam đạt khoảng 524.000 tấn, tăng 110% so với năm 2020.

Chỉ tính riêng quý I/2022, sản lượng mít Thái cần tiêu thụ của các tỉnh phía Nam lên đến 158.000 tấn, tập trung nhiều ở các tỉnh Tiền Giang, Hậu Giang, Đồng Nai,... 90% sản lượng mít Thái phục vụ xuất khẩu thị trường Trung Quốc.

Mặt khác, theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt - Bộ Nông  nghiệp và Phát triển nông thôn, việc xuất khẩu trái cây, trong đó có mít Thái sang thị trường Trung Quốc bị  ảnh  hưởng  do tác động của dịch Covid-19. 

Dự báo giá mít Thái trong thời gian tới cũng không có nhiều biến động. Ngay sau khi Trung Quốc "siết" kiểm soát ở các cửa khẩu để phòng chống dịch Covid-19 khiến hàng nghìn xe container nông sản, trong đó có mít Thái ùn ứ nên  giá ở nhiều nơi đã giảm sâu.

Còn ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công thương cho biết, trước đây đã có tình trạng ùn ứ hàng hoá tại cửa khẩu, tuy nhiên tình hình trong đợt vừa qua có điểm khác. Đó là Trung Quốc thực hiện chính sách "Zero COVID" nên  việc kiểm tra chặt chẽ dịch bệnh theo chính sách này khiến thông quan bị hạn chế rất nhiều.

Để giảm bớt rủi ro trong việc tiêu thụ nông sản cho người dân trong đó có mặt hàng mít Thái, theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông  thôn Lê Minh Hoan, ở các địa phương, hoạt động nuôi trồng hầu hết là “thả nổi”, để người nông dân tự làm. Hầu hết địa phương cũng chỉ biết trồng bao nhiêu ha, các câu chuyện cụ thể hơn về mùa vụ, sản lượng chất lượng, thị trường còn chưa chắc chắn.

Tư duy sản xuất nông nghiệp mới chú ý tạo ra sản lượng, chưa có tư duy kinh tế, tìm kiếm thị trường, do đó, còn “vênh nhau” giữa sản xuất và thị trường. Do đó, chúng ta cần có giải pháp căn cơ từ gốc, làm chủ được câu chuyện thị trường để hạn chế thấp nhất rủi ro.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Lượng tiêu thụ mít Thái giảm do "tắc" biên sang Trung Quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO