Bên lề phiên họp Quốc hội thảo luận về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC cho rằng việc thiếu những quy định theo hướng nguyên tắc mới là nguyên dân dẫn đến những ách tắc liên quan đến đấu thầu trong lĩnh vực y tế vừa qua chứ không phải do thiếu những quy định cụ thể.
“Điều kiện chỉ định thầu đã rõ, đã sửa, hồ sơ thầu cụ thể, việc quyết định ở những người triển khai, thẩm định, quyết định,… do đó, trách nhiệm của những người tham gia là trên hết. Luật quy định cụ thể quá sẽ rất vướng mắc, vừa qua, cũng do không có quy định nguyên tắc đã dẫn đến vướng mắc”, Luật sư Trương Thanh Đức nêu quan điểm.
Từ phân tích nêu trên, Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng cần có những quy định ràng buộc, giám sát, tăng cường trách nhiệm giải trình nhằm hạn chế những tiêu cực nhũng nhiễu, thông thầu bất thường trong lĩnh vực đấu thầu. Không chỉ một Luật đấu thầu mà còn nhiều quy định khác, không nên yêu cầu Luật Đấu thầu phải quy định một cách quá cụ thể, chi tiết.
Bình luận thêm về việc có nhiều ý kiến cho rằng, việc thiếu điều kiện cụ thể khiến cho công tác đấu thầu, nhất là trong ngành y tế thời gian qua bị ách tắc, Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng thực tế về hồ sơ mời thầu, trong nghị định, thông tư đã quy định, hướng dẫn rất chi tiết, đầy đủ nhưng việc cài cắm thì không có luật nào có thể giải quyết được.
“Nếu người thực hiện cố tình đưa ra, vấn đề là ai chịu trách nhiệm, do đó, cần đề cao trách nhiệm giải trình, giám sát. Nếu không giải trình được thì sẽ phải chịu trách nhiệm về những quyết định. Pháp luật không thể bao quát hết được. Các nước cũng quy định theo tinh thần nguyên tắc chung, việc chi tiết cụ thể…” Luật sư Trương Thanh Đức bảy tỏ quan điểm.
Cũng liên quan đến các quy định của dự thảo Luật Đấu thầu sửa đổi, sáng 24/5, thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) cho rằng, không phải xây dựng Luật Đấu thầu để tạo ra "vòng kim cô" là tốt, mà yếu tố cuối cùng vẫn là con người. Khi DNNN đầu tư vào một doanh nghiệp khác, có thể chỉ ký 5-10% vốn của doanh nghiệp kia mà phải chịu sự chi phối của Luật Đấu thầu là không cần thiết.
"Ai tham nhũng, tiêu cực đã có cơ quan thanh tra, kiểm tra, điều tra xử lý, chứ không phải chỉ dùng Luật Đấu thầu mà khắc phục được tham nhũng, tiêu cực", ông Nghĩa nêu quan điểm.