John là luật sư hình sự ở độ tuổi 30 đang sống ở thủ đô London của nước Anh. Anh đã có vợ còn con nhỏ đang đi học nhà trẻ cùng khoản thế chấp đắt đỏ. Song trong thời gian rảnh rỗi, John còn là người buôn bán đồng hồ trị giá hàng trăm nghìn USD và sở thích này đã có tác động đáng kể đến cuộc sống và tài chính của anh.
Kiếm tiền tỷ nhờ kinh doanh đồng hồ cũ
"Đồng hồ mê hoặc tôi bởi chúng là những thức khác biệt. Cho đến gần đây, chúng là những đồ vật mà mọi người cần có. Chúng là những viên nang thời gian, những vật phẩm lịch sử có thể mang dấu tích thời đại hay kỷ nguyên nghệ thuật đại chúng. Đó là sự giao thoa độc đáo của lịch sử, thiết kế, nghệ thuật, cơ khí và kỹ thuật mà bạn không thể tìm thấy ở nơi nào khác", John nói.
Một trong những chiếc đồng hồ của John từng thuộc về một phi công chiến đấu. Món phụ kiện có những vết lõm và trầy xước gợi lên quá khứ.
Anh còn có một mẫu Seiko thuộc sở hữu của doanh nhân người Nhật Bản vào thập niên 1960. Xung quanh "khuôn mặt thanh tú" của chiếc đồng hồ là khung bezel xoay, bên trong hiển thị thời gian ở tất cả thủ đô trên toàn cầu.
Nhưng bên cạnh những viên ngọc lịch sử này, John đã bỏ túi được khoản tiền kha khá nhờ vào việc bán đồng hồ từ các thương hiệu lớn trên thị trường đồ cũ.
Năm 2022, anh đã nhận được mức đề nghị 80.000 bảng Anh (gần 2,3 tỷ đồng) cho một mẫu Patek Philippe mà John đã mua với giá 7.000 bảng Anh (hơn 200 triệu đồng) hồi năm 2015. Ngoài ra, nam luật sư còn bán chiếc Audemars Piguet hồi năm 2021 với mức giá 6 con số.
"Tôi bắt đầu bằng con số 0 vào năm 2010 và kiếm được khoản tiền từ vài thiết kế nhỏ. Rồi dần dần tôi có các cuộc thương lượng với mức giá cao hơn cả mức lương hàng năm của mình", John tâm sự.
Trong thập kỷ qua, thị trường đồng hồ đã bùng nổ mạnh mẽ. 10 năm trước, bạn có thể bước vào cửa hàng Rolex hay Patek Philippe và mua một trong những mẫu đồng hồ phổ biến nhất của họ ngay trên kệ.
Nhưng giờ đây, nhờ sự chênh lệch lớn giữa cung và cầu, danh sách chờ đợi kéo dài hơn một thập kỷ trên khắp thế giới cùng thị trường đồ cũ đang sôi sục. Tại nơi này, đồng hồ được bán với giá gấp 2, 3 hay 4 lần so với giá bán lẻ. Chẳng hạn, một chiếc bằng thép có giá bán lẻ 12.500 bảng Anh (hơn 358 triệu đồng) nhưng được bán ở mức 40.000 bảng Anh (hơn 1,1 tỷ đồng) vào năm 2022.
Từ đam mê sưu tập thành công việc kinh doanh sinh lời
Sự khác biệt này đã thay đổi cả ngành công nghiệp. Bên cạnh những nhà sưu tập với lòng đam mê, thị trường giờ đây còn có cả nhóm người mua mới và bán đồng hồ hoàn toàn vì lợi nhuận. Mặt khác, tội phạm đồng hồ cũng gia tăng theo cấp số nhân, bằng chứng là vụ việc ở trung tâm mua sắm đồ xa xỉ Harrods cách đây không lâu.
Adam Golden, người sáng lập đại lý Đồng hồ Menta ở Miami (Florida, Mỹ), cho biết: "Có rất nhiều người đam mê đồng hồ nhưng cũng có những người đam mê kinh doanh tham gia vào thị trường này".
Golden cũng chỉ ra rằng London, Los Angeles (Mỹ) và Paris (Pháp) là 3 thành phố mà tội phạm đồng hồ nằm ngoài tầm kiểm soát. "Trong mọi trường hợp, bạn không muốn đeo chiếc đồng hồ đẹp rồi dạo quanh đường phố ở bất kỳ thành phố nào trong số này".
Ngay cả những người nổi tiếng cũng cần cảnh giác. Vào năm 2021, tay đua xe đạp Tour de France - Mark Cavendish đang ở nhà thì kẻ gian đột nhập vào và lấy trộm 2 chiếc đồng hồ Richard Mille có tổng trị giá 700.000 bảng Anh (hơn 20 tỷ đồng). Bọn tội phạm đã nhìn thấy Cavendish đeo đồng hồ sang trọng trong bức hình mà paparazzi (thợ săn ảnh) chụp được.
Trong khi đó, những người kinh doanh đồng hồ cũng đang đối mặt với nỗi sợ khác. Raj Jain sở hữu Trung tâm Đồng hồ trên phố New Bond (London, Anh) đã trải qua 2 vụ trộm lớn. Vụ đầu tiên là khi băng đảng đi xe máy đã khoắng sạch cửa hàng của anh chỉ trong vòng 1 phút 17 giây. Vụ thứ hai diễn ra gần đây. Chúng xông đến mặt tiền cửa hàng nhưng đã bị cánh cửa mới được lắp đặt gây cản trở lối vào.
Ông nói: "Những tên trộm nhận ra rằng giá đồng hồ đeo tay đã tăng chóng mặt và đang nhắm mục tiêu vào bất kỳ ai, cả ngày lẫn đêm. Gần đây có nhóm người tên là Rolex Rippers chuyên tìm kiếm những người đeo đồng hồ đắt tiền, tình cờ ôm rồi tháo đồng hồ của họ và nạn nhân không hề hay biết".
Kết quả là dù sở hữu nhiều đồng hồ đẹp, Jain hầu như chỉ đeo một bản sao của mẫu Longines mà phi công Charles Lindbergh thiết kế vào thập niên 1930. Cả luật sư John cùng nhiều nhà sưu tập đồng hồ khác đều nhất trí rằng việc đeo đồng hồ từ nhà chế tác nổi tiếng trên đường phố London đã không còn an toàn.
Theo Telegraph