Trong kinh doanh, lợi nhuận là ưu tiên hàng đầu. Các thương nhân luôn tìm cách để tối ưu hóa thu nhập và phát triển thị trường. Cạnh tranh là điều tất yếu, nhưng nếu cạnh tranh phân định rõ "thắng - thua" thì đó không phải là một chiến lược khôn ngoan. Trong kinh doanh, đôi bên cùng có lợi hay nó còn có cái tên khác là "win - win" mới thực sự là nguyên tắc cốt lõi nhất.
Chuyện ngắn trong lĩnh vực kinh doanh
Không để tâm lời can ngăn của người thân và bạn bè, doanh nhân giàu có Bob đã cho xây dựng một nhà hát opera sang trọng ở một khu vực yên tĩnh. Không lâu sau, nơi này đã thu hút được rất nhiều sự quan tâm và việc kinh doanh cực kỳ thuận lợi.
Chỉ trong một vài năm, khu vực này đầy nhà cao tầng và sầm uất, rồi phát triển thành một trong những khu vực thịnh vượng nhất trong thành phố. Giá đất ở đây cũng tăng chóng mặt, hầu như toàn bộ cư dân đều nhận được lợi nhuận hậu hĩnh từ việc phát triển bất động sản, và việc kinh doanh ngày càng thịnh vượng.
Theo thời gian, vợ của Bob cảm thấy bất công, bà cho rằng gia đình mình bị lợi dụng vì những người hàng xóm có thể kiếm được nhiều tiền chỉ với một mảnh đất nhỏ. Bà bắt đầu phàn nàn rằng chồng không có tầm nhìn xa và không biết cách kiếm tiền.
Sau khi nghe vợ phàn nàn, Bob cũng bắt đầu cảm thấy mình đã phải chịu thiệt nên kiên quyết đóng cửa rạp hát. Sau đó, ông vay một khoản tiền lớn từ ngân hàng và bắt đầu xây dựng một tòa nhà thương mại.
Tuy nhiên, điều ông không ngờ là tòa nhà mới chỉ xây được một nửa, các doanh nghiệp lân cận bắt đầu chuyển đi, giá nhà đất xung quanh cũng giảm mạnh, kéo theo đó là sự rút lui của các nhà phát triển bất động sản, và sự thịnh vượng trước đây dường như biến mất chỉ qua một đêm.
Mọi thứ dần dần trở lại trạng thái ban đầu. Bob cuối cùng chỉ còn lại khoản vay khổng lồ.
Trong câu chuyện này, điều mà doanh nhân giàu có Bob còn thiếu chính là việc cân nhắc lợi ích trong tương lai. Ông ta cảm thấy mình bị lợi dụng chỉ vì thấy hàng xóm được lợi nhờ rạp hát của mình nhưng không nhận thức được rằng sự tồn tại của họ cũng quan trọng không kém. Đây là một ví dụ điển hình của việc không chú ý đến kết quả đôi bên cùng có lợi.
Nguyên tắc win - win là gì?
Không khó để nhận thấy bài học từ câu chuyện trên: Đôi bên cùng có lợi loại bỏ khái niệm thắng thua trong cạnh tranh thuần túy. Những điều có lợi cho cả các bên cuối cùng sẽ hiện thực hóa sự phát triển chung của các bên tham gia và giúp đôi bên cùng có lợi.
Và câu chuyện sau đây giải thích rõ hơn tại sao win-win là trạng thái cao nhất của hoạt động kinh doanh.
Nơi đây từng có một lão nông kiếm sống bằng nghề trồng cam. Sau nhiều năm miệt mài nghiên cứu, cuối cùng ông cũng lai tạo được giống cam mới không hạt, nhiều thịt và ít sâu bệnh. Sau khi cây ăn trái được trồng thành công, người nông dân già giấu kỹ bí quyết và cảnh báo người nhà không được để lọt tin tức ra ngoài.
Mấy năm sau, cây cam do lão trồng ra hoa kết trái thu hoạch lớn, cam có vị ngọt như mật. Khách hàng từ khắp nơi đổ xô đến mua cam của ông. Chẳng bao lâu, số cam của người nông dân già đã được bán hết, lão nông thu về một khoản tiền lớn.
Những người hàng xóm ghen tị với giống cam tốt của ông lão. Một số người đến hỏi cách trồng nhưng người nông dân già không muốn chia sẻ bí quyết với người khác, ông chỉ cười và nói rằng đó chỉ là một loại cây ăn quả đã qua nhiều năm lai tạo. Ông cho rằng đây là thành quả lao động vất vả bao năm qua của mình, sao có thể tùy tiện giao cho người khác được.
Tuy nhiên, một điều bất ngờ đã xảy ra, khi cam chín vào năm thứ hai, cam của lão nông không những không phát triển tốt như năm đầu mà chất lượng cũng sụt giảm nghiêm trọng.
Cuối cùng ông cũng tìm ra lý do: Vườn cây ăn quả của ông được thụ phấn bởi giống cây từ những vườn cây lân cận. Vì chất lượng của những vườn cây kia không cao nên vườn quả của ông cũng bị ảnh hưởng.
Nhận ra điều này, người nông dân già đã phân phát những hạt giống mà ông giữ lại cho mọi người để trồng. Trong vòng vài năm, tất cả nông dân trồng cây ăn quả trong làng đều thu hoạch được quả tốt. Vì vậy, lão nông được mọi người kính nể, được bầu làm chủ tịch hiệp hội ngành hàng cây ăn quả của địa phương.
Vì sao trên thương trường lại coi trọng nguyên tắc đôi bên cùng có lợi?
Trong truyện ngắn trên, ông lão nông ban đầu chỉ mong được hưởng hoa lợi, không ngờ cây ăn quả của người khác lại ảnh hưởng đến thu hoạch của chính mình.
Về sau ông phân phát giống cải tiến cho mọi người, không chỉ giúp vườn cây của mình tăng chất lượng mà còn giúp người khác làm giàu, hơn nữa còn giành được sự kính trọng và có được địa vị xã hội.
Trong xã hội kinh doanh hiện đại, ngày càng có nhiều công ty tích hợp các nguồn lực thông qua hợp tác, kết hợp lợi thế của mình với lợi thế của công ty khác, cải thiện cả bản thân và những người khác, đạt được kết quả đôi bên cùng có lợi.
Đây là tương lai của kinh doanh. Cạnh tranh cũng là xu hướng phát triển của thị trường. Tuy nhiên, trong thế giới kinh doanh, các nhà kinh doanh cũng phải hiểu rằng để hợp tác với đối thủ để đôi bên cùng có lợi, các bên phải có tinh thần hợp tác chân thành, tuân thủ luật chơi và làm những điều có lợi cho đôi bên.
Tóm lại, nguyên tắc win-win là điểm mấu chốt quyết định thành bại trong kinh doanh. Nếu một nhà điều hành muốn tạo ra bước đột phá thì phải tìm kiếm sự hợp tác cùng có lợi với các đối thủ và biết cách cạnh tranh lành mạnh.
Nguồn: Sohu