Theo dữ liệu do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) mới công bố, lợi nhuận ngành công nghiệp - đóng góp đến 35% GDP nước này, tăng 3% trong tháng 4 so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức tăng 2,6% của tháng 3. Tính chung 4 tháng đầu năm, lợi nhuận tăng 1,4%, chủ yếu nhờ sự cải thiện trong các lĩnh vực chế tạo thiết bị và sản xuất công nghệ cao.
Tháng trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã áp mức thuế lên đến 145% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Sau đó, Bắc Kinh cũng đưa ra các biện pháp đáp trả và dẫn đến tình trạng gần như “đóng băng” thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, đầu tháng này, một thỏa thuận tạm ngừng áp thuế đã đạt được tại Geneva (Thụy Sĩ), giúp hạ mức thuế của Mỹ xuống 51,1% và của Trung Quốc xuống 32,6%, theo Viện Kinh tế Quốc tế Peterson.
Lợi nhuận công nghiệp Trung Quốc tăng trùng khớp với dữ liệu sản lượng công nghiệp tăng 6,1% trong tháng 4, cho thấy sự phục hồi rõ rệt của sản xuất. Tuy nhiên, doanh số bán lẻ chỉ tăng 5,1%, thấp hơn kỳ vọng, tiếp tục phản ánh tình trạng mất cân bằng giữa cung và cầu trong nền kinh tế.
Sau chuỗi suy giảm kể từ quý III năm ngoái, lợi nhuận công nghiệp đã quay trở lại tăng trưởng từ quý I/2025, với mức tăng 0,8% so với cùng kỳ, cho thấy nền sản xuất đang dần hồi phục nhờ chính sách ổn định và chuyển hướng thị trường hiệu quả.
Dù căng thẳng vẫn còn hiện diện, các doanh nghiệp Trung Quốc đã nhanh chóng chuyển hướng sang các thị trường khác, giúp xuất khẩu không bị suy giảm nghiêm trọng.
Theo các chuyên gia, đà tăng trưởng lợi nhuận công nghiệp phần lớn đến từ các chính sách hỗ trợ chủ động của chính phủ, như giảm nợ tồn đọng cho doanh nghiệp tư nhân, đảm bảo thanh toán đúng hạn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
“Xu hướng này phản ánh hiệu quả của các biện pháp chính sách trong việc hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực tư nhân,” ông Bruce Pang, Phó Giáo sư tại Trường Kinh doanh CUHK nhận định.
Cụ thể, lợi nhuận trong ngành chế tạo công nghệ cao tăng 9% trong 4 tháng đầu năm, đặc biệt nổi bật là các lĩnh vực dược phẩm sinh học và sản xuất máy bay. Ngành điện máy gia dụng cũng ghi nhận mức tăng lợi nhuận hơn 15%, nhờ chương trình hỗ trợ đổi thiết bị cũ lấy thiết bị mới cho người tiêu dùng.
Ngược lại, lợi nhuận ngành khai thác mỏ giảm 26,8%, trong khi các ngành sản xuất và tiện ích như điện, nước, khí đốt ghi nhận mức tăng lần lượt là 8,6% và 4,4%.
Dữ liệu cũng cho thấy sự phân hóa rõ nét giữa các loại hình sở hữu: doanh nghiệp nhà nước lỗ 4,4%, trong khi doanh nghiệp tư nhân và có vốn đầu tư nước ngoài tăng lợi nhuận lần lượt 4,3% và 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Yu Weining, chuyên gia thống kê của NBS, cho biết các doanh nghiệp công nghiệp Trung Quốc đã thể hiện “khả năng chống chịu và thích ứng tốt với cú sốc kinh tế”, nhưng cũng cảnh báo rằng “nhu cầu tiêu dùng yếu, giá đầu ra giảm và môi trường toàn cầu không ổn định” vẫn là những thách thức lớn.
Một số ngành vẫn chịu áp lực mạnh. Ngành ô tô, do cạnh tranh giá gay gắt, đã giảm lợi nhuận 5,1% trong 4 tháng đầu năm. Ngành dệt may, quần áo và hàng thời trang chứng kiến lợi nhuận giảm mạnh 12,7%, phần nào do “mất” đơn hàng vào tay các thị trường khác sau khi Mỹ áp thuế.
Tham khảo CNBC