Kỳ lạ ứng dụng chat bị người Việt "ghẻ lạnh" dù có 2 tỷ người dùng trên thế giới: Đọc tên chắc ít ai biết

Quốc Vinh | 10:02 27/05/2025

Cùng gia đình với nhau nhưng ứng dụng này lại không được người Việt ưa chuộng giống Facebook Messenger.

Kỳ lạ ứng dụng chat bị người Việt "ghẻ lạnh" dù có 2 tỷ người dùng trên thế giới: Đọc tên chắc ít ai biết

Trên khắp các châu lục, từ những khu chợ sầm uất ở Ấn Độ đến các quán cà phê ở Brazil, WhatsApp đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày. Với hơn 2 tỷ người dùng, ứng dụng nhắn tin thuộc sở hữu của Meta này là một thế lực gần như không có đối thủ trên toàn cầu.

Tuy nhiên, có một thị trường sôi động và am hiểu công nghệ ở Đông Nam Á, nơi mà "người khổng lồ" này lại đáng ngạc nhiên khi không phải là lựa chọn hàng đầu: Việt Nam.

Tại quốc gia với gần 100 triệu dân và tỷ lệ sử dụng internet cao, sân chơi ứng dụng nhắn tin thuộc về những cái tên như Facebook Messenger hay Zalo.

WhatsApp: Quen mà lạ, lạ mà quen

Theo thống kê năm 2024, có hơn 5 tỷ người trên thế giới sử dụng các ứng dụng nhắn tin, nhiều nhất là WhatsApp và Facebook Messenger. Tổng cộng hai nền tảng có hơn 3 tỷ người sử dụng, chiếm đa số thị phần.

Kỳ lạ ứng dụng chat 2 tỷ người trên thế giới dùng mà người Việt thì ngó lơ: Nói tên chắc ít ai biết - Ảnh 1.

Nhiều người Việt sẽ nghĩ Facebook Messenger mới là ứng dụng nhắn tin phổ biến nhất thế giới, xét đến Facebook là mạng xã hội lớn nhất. Nhưng trái lại, WhatsApp mới là ứng dụng nhắn tin phổ biến nhất toàn cầu, với khoảng 2 tỷ người dùng hàng tháng. Các nguồn khác thậm chí còn chỉ ra con số lên tới 3,14 tỷ người dùng tính đến tháng 1/2025.

Ứng dụng này dẫn đầu tại hơn 60 quốc gia và có tỷ lệ thâm nhập thị trường đáng kinh ngạc là 97%. Ấn Độ dẫn đầu về số lượng người dùng hoạt động hàng tháng với 535,8 triệu, tiếp theo là Brazil (148 triệu) và Indonesia (112 triệu). WhatsApp xử lý một lượng tin nhắn khổng lồ, đạt 140 tỷ tin nhắn mỗi ngày vào tháng 1 năm 2025, tương đương 1,6 triệu tin nhắn mỗi giây.

Tuy nhiên, điều đáng chú ý là sự phổ biến của WhatsApp không đồng đều trên toàn cầu. Mặc dù thống trị ở nhiều nơi như châu Á, Nam Mỹ, các quốc gia đang phát triển, ứng dụng này lại ít phổ biến hơn đáng kể ở Bắc Mỹ, với tỷ lệ sử dụng hàng ngày ở Mỹ dưới 30%. Thậm chí ở một số nơi, như Việt Nam, WhatsApp gần như không được biết đến.

Sự khác biệt cho thấy một nghịch lý thú vị: Không phải cứ là số một toàn cầu thì có thể dễ dàng chiếm lĩnh những thị trường công nghệ mới nổi hoặc có văn hóa đặc trưng.

Điều này có thể được giải thích bởi nhiều lý do. Như thói quen nhắn tin đã có từ trước ở một số quốc gia. Ví dụ iMessage trên iPhone phổ biến ở Mỹ nhiều hơn, trong khi nhiều nơi ở châu Phi, châu Á đang phát triển sử dụng WhatsApp vì liên lạc quốc tế giá rẻ, thay thế cho tin nhắn SMS đắt đỏ

WhatsApp đã tích hợp sâu vào văn hóa ở một số khu vực. Tại Morocco, ứng dụng đã trở thành thiết yếu, phù hợp cho cả doanh nghiệp lẫn cá nhân nhờ tính hiệu quả về chi phí (sử dụng dữ liệu tối thiểu so với SMS/cuộc gọi quốc tế đắt đỏ) và giải pháp tất cả trong một (tin nhắn văn bản, thoại, video, trò chuyện nhóm, chia sẻ tệp).

Kỳ lạ ứng dụng chat 2 tỷ người trên thế giới dùng mà người Việt thì ngó lơ: Nói tên chắc ít ai biết - Ảnh 2.

Mọi thứ từ việc tìm căn hộ đến đặt tour và nhận báo giá đều được thực hiện qua WhatsApp. Ứng dụng này cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các kết nối gia đình, đặc biệt đối với những người không thể gõ hoặc đọc, như người già ở các ngôi làng xa xôi.

Vì sao WhatsApp không phổ biến ở Việt Nam?

Ở Việt Nam, gần như rất ít người dùng WhatsApp, thậm chí là không biết đến sự tồn tại của ứng dụng lâu đời. Điều này có thể xuất phát từ nhiều lý do từ chủ quan đến khách quan và quan trọng hơn là tính thời điểm.

Tại các quốc gia như Ấn Độ, Brazil hay phần lớn châu Phi – nơi hạ tầng viễn thông phát triển không đồng đều – WhatsApp từng nổi lên như một giải pháp miễn phí, đơn giản và nhẹ nhàng thay thế cho tin nhắn SMS và cuộc gọi truyền thống.

Ứng dụng này được tối ưu hóa để hoạt động ổn định ngay cả trong điều kiện mạng yếu và trên các dòng điện thoại giá rẻ.

Ngược lại, ở Việt Nam, khi smartphone và internet di động trở nên phổ cập từ rất sớm, người dùng lại có xu hướng tiếp cận trực tiếp các mạng xã hội như Facebook, từ đó sử dụng luôn Facebook Messenger như một phần không thể tách rời của trải nghiệm mạng xã hội.

Hơn nữa, tin nhắn SMS nội mạng ở Việt Nam vốn có giá rẻ, nhiều gói khuyến mãi hoặc miễn phí, khiến người Việt chưa phải chịu áp lực chuyển dịch sang các ứng dụng nhắn tin như WhatsApp quá sớm.

Thời điểm xuất hiện, WhatsApp ở Việt Nam chỉ được sử dụng phổ biến đối với những người có nhu cầu liên lạc với bạn bè, người thân ở nước ngoài, thường là sinh viên du học, người lao động ở nước ngoài hoặc những người có mối quan hệ quốc tế. Đối tượng sử dụng đại chúng không nhiều.

Trong khi Facebook Messenger chiếm ưu thế nhờ mạng xã hội cùng tên, Việt Nam còn có sự hiện diện mạnh mẽ của các ứng dụng nhắn tin khác như Zalo (có tính bản địa hóa cao) và sự đổ bộ của Viber, Line, hay KakaoTalk sau này. Người dùng Việt Nam có xu hướng sử dụng nhiều ứng dụng cùng lúc tùy theo mục đích và đối tượng liên lạc.

Kỳ lạ ứng dụng chat 2 tỷ người trên thế giới dùng mà người Việt thì ngó lơ: Nói tên chắc ít ai biết - Ảnh 3.

Nhờ được trải nghiệm nhiều ứng dụng từ thuở ban đầu, người Việt có xu hướng "khó tính" hơn khi thích những ứng dụng tích hợp nhiều tính năng, tiện ích trong một. Trong khi WhatsApp tập trung vào sự tối giản và bảo mật tin nhắn, các ứng dụng như Zalo hay Facebook Messenger lại cung cấp menu đa dạng hơn.

Dù WhatsApp cũng thuộc sở hữu của Meta (Facebook), nhưng tại Việt Nam, người dùng đã quen với Facebook Messenger – nơi họ không chỉ nhắn tin mà còn chia sẻ story, gọi video, lập nhóm, gắn sticker và hơn thế nữa.

Việc chuyển sang WhatsApp – một ứng dụng riêng biệt, không gắn liền với trải nghiệm mạng xã hội – không mang lại giá trị rõ rệt nào. Trên thực tế, nhiều người còn xem WhatsApp là dư thừa.

Cùng với đó, bản thân WhatsApp dường như không có nhiều chiến dịch marketing rầm rộ hay đặc biệt hơn cả là những nỗ lực bản địa hóa đáng kể để thu hút người dùng Việt.

WhatsApp thiếu đi một chiến lược bản địa hóa mạnh mẽ, hiểu rõ về thói quen và sở thích của người dùng Việt, và một số tính năng đột phá để tạo ra sự khác biệt rõ rệt so với các đối thủ hiện có.

Do đó, cả hai trở nên xa cách nhau trong nhiều năm, và giờ đây WhatsApp đã bỏ lỡ cơ hội của mình khi bản đồ ứng dụng nhắn tin ở Việt Nam đã được định hình.

Có thể thấy, không có nền tảng nhắn tin nào nắm vị trí độc quyền. Một ứng dụng phổ biến ở quốc gia này nhưng không đảm bảo sẽ nổi bật ở quốc gia khác. Thậm chí, một ứng dụng chưa bao giờ nghe tên lại có khả năng thống trị một khu vực. Câu chuyện đôi khỉ chỉ là sở thích của người dùng và nắm bắt thời cơ.

Đơn cử như Snapchat, ứng dụng này lại phổ biến ở hai thị trường tưởng chừng như rất trái ngược nhau là Ấn Độ và Mỹ. Dù cạnh tranh khốc liệt với nền tảng lâu đời WhatsApp, Snapchat thậm chí có đến 200 triệu người dùng ở Ấn Độ - cao hơn cả Mỹ.

Tương tự như vậy, có những ứng dụng không đáp ứng được kỳ vọng của người Việt lại vẫn phát triển mạnh khi tìm được mảnh đất mới và hướng đi phù hợp, như LINE, hiện vẫn rất phổ biến ở Indonesia, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) và Thái Lan. Trong khi Viber giờ đây đang nhắm mục tiêu vào các thị trường mới nổi như Đông Âu và Trung Đông.


(0) Bình luận
Kỳ lạ ứng dụng chat bị người Việt "ghẻ lạnh" dù có 2 tỷ người dùng trên thế giới: Đọc tên chắc ít ai biết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO