Lộc Trời tham vọng thành Tập đoàn nông nghiệp số 1 Việt Nam: Huy động 3 tỷ USD, phát triển vùng trồng 1 triệu hecta, liên kết 200.000 nông hộ

Quỳnh Như | 08:30 31/10/2022

Hiện tại, Tập đoàn Lộc Trời có 1 triệu ha vùng trồng và đang liên kết với 200.000 hộ nông dân trên khắp Việt Nam. Trong khoảng từ 3 đến 5 năm tới, doanh nghiệp này sẽ cố gắng thu xếp 1 tỷ USD cho sản xuất và 2 tỷ USD để thu mua lương thực từ bà con nông dân Việt Nam. Theo đó, Lộc Trời vừa huy động được 100 triệu USD từ 7 ngân hàng lớn trong và ngoài nước.

LỘC TRỜI CẦN 3 TỶ USD TRONG VÀI NĂM TỚI ĐỂ TRỞ THÀNH DOANH NGHIỆP SẢN XUẤT LÚA GẠO LỚN NHẤT VIỆT NAM

Mới đây, với vai trò tài chính đặc biệt và uy tín của mình, MB Bank đã hợp tác với Ngân hàng Kasikornbank (KBank), trở thành đơn vị đầu mối, kết nối với 5 ngân hàng quốc tế khác; để thu xếp nguồn vốn và cùng tham gia gói tín dụng hợp vốn, tài trợ bổ sung cho nguồn vốn lưu động chú trọng vào việc đầu tư mở rộng sản xuất lúa chất lượng cao của Lộc Trời.

loc-troi-le-ky-ket-goi-tin-dung-hop-von-2-.jpg

5 ngân hàng quốc tế nói trên là: First Commercial Bank; Agricultural Bank Of China Limited - CN Hà Nội; China Construction Bank Corporation - CN TP HCM; CTBC Bank Co., Ltd.; E.SUN Commercial Bank, Ltd. - CN Đồng Nai.

Gói tín dụng hợp vốn này có hạn mức 100 triệu USD, trong thời gian 3 năm và được giải ngân thông qua việc cấp giống, vật tư nông nghiệp, các dịch vụ nông nghiệp của Lộc Trời cho các liên minh hợp tác xã, hợp tác xã, tổ sản xuất và bà con nông dân liên kết với tập đoàn.

Việc giải ngân này được tiến hành theo tiến độ mùa vụ và được số hoá toàn bộ thông qua các ứng dụng công nghệ được phát triển riêng với giao diện thân thiện dễ sử dụng, giúp bà con dễ theo dõi tiến độ sản xuất trong suốt thời gian canh tác.

Như tuyên bố của Lộc Trời, họ luôn đề cao chữ ‘cùng’, nếu chúng ta đi ‘cùng nhau’ chúng ta sẽ đi rất xa và sẽ xây được một chuỗi nông nghiệp phát triển bền.

Mà muốn làm được tất cả những điều trên, trước hết, Lộc Trời phải kiến tạo được lòng tin cho bà con nông dân, chứng minh mình đáng tin cậy. Theo đó, họ đã thay mặt bà con nông dân đứng ra đàm phán với ngân hàng về vấn đề vốn vay. Lộc Trời phải đảm bảo sử dụng vốn đúng mục đích – hiệu quả, giúp bà con nông dân có được chi phí vốn hợp lý nhất.

loc-troi1.jpg
Chủ tịch Tập đoàn Lộc Trời - Huỳnh Văn Thòn trong một hoạt động của Tập đoàn.
loc-troi2.jpg

Còn theo Chủ tịch Tập đoàn Lộc Trời - Huỳnh Văn Thòn, mặc dù gói tín dụng này nếu so với nhu cầu của bà con nông dân là không đáng kể, nhưng ‘đầu xuôi thì đuôi mới lọt’.

Lộc Trời luôn muốn phân phối và phân phối lại lợi nhuận, làm sao cho hợp lý và có đạo lý. Theo quan điểm của chúng tôi, vai trò của Lộc Trời – đối tác – nông dân trong chuỗi phát triển bền vững là ngang bằng nhau. Đã làm kinh doanh thì nên cố gắng cân bằng và tối ưu chi phí.

Nông dân cần vốn mà lại tiếp cận nguồn vốn khó – chi phí cao, ngân hàng muốn cho vay nhưng lại không có số liệu, nên Lộc Trời sẽ đứng giữa làm trung gian. Lộc Trời luôn nói cái gì minh làm làm cái gì mình nói.

Để trở thành nhà sản xuất lúa gạo lớn nhất Việt Nam hoặc là Tập đoàn nông nghiệp số 1 Việt Nam, thì Lộc Trời cần khai thác hiệu quả vùng trồng 1 triệu ha đang liên kết với 200.000 hộ nông dân.

Muốn thế, trong khoảng 3 đến 5 năm tới, chúng tôi cần phải huy động được 1 tỷ USD tín dụng để giúp mà con có đầy đủ vật tư nông nghiệp để sản xuất. Sau đó, chúng tôi phải huy động thêm 2 tỷ USD nữa để mua lương thực – nông sản từ phía bà con”, ông Huỳnh Văn Thòn bày tỏ.

Như cam kết với bà con nông dân, Lộc Trời sẽ đứng ra cung ứng vật tư nông nghiệp, cố gắng phục vụ nông dân hết mình. Nông dân muốn gì thì Lộc Trời sẽ ‘chiều’ và cung cấp cái đó. Trong 3 năm tới, Lộc Trời sẽ cố gắng thu xếp khoảng 1 tỷ USD để bà con đủ nguồn vốn nhằm đầu tư vào vật tư nông nghiệp như thuốc – phân bón – công cụ lao động; đẩy mạnh sản xuất, tạo ra những sản phẩm chất lượng nhất thế giới.

loc-troi7.jpg
Vùng trồng của Lộc Trời

TIẾN TRÌNH HUY ĐỘNG 3 TỶ USD CỦA LỘC TRỜI

Trước khi có gói tín dụng 100 triệu USD nói trên, Lộc Trời cũng đã thành công ký kết một vài gói tín dụng khác.

Vào ngày 5/7/2022, Tập đoàn Lộc Trời thông báo việc ký kết thỏa thuận hợp tác với Sở Nông nghiệp & phát triển nông thôn Kiên Giang và Ngân hàng TMCP Quân đội (MB Bank) phát triển vùng nguyên liệu chất lượng cao, với tổng trị giá hợp đồng trên 12.000 tỷ đồng. Mối lương duyên của họ với MB Bank cũng bắt đầu từ đây.

Theo thỏa thuận, Sở Nông nghiệp & phát triển nông thôn Kiên Giang sẽ phối hợp với các cơ quan ban ngành thuộc tỉnh để cùng với Tập đoàn Lộc Trời xây dựng kế hoạch hằng năm và phát triển vùng nguyên liệu lên tới 300.000ha trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể, để hỗ trợ hoạt động sản xuất tại Kiên Giang, Tập đoàn Lộc Trời sẽ nghiên cứu việc xây dựng nhà máy sấy - bóc vỏ lúa hiện đại và cùng với tỉnh, xây dựng hệ thống thông tin nông nghiệp, phát triển trung tâm đổi mới sáng tạo nhằm từng bước thực hiện việc chuyển đổi số trong nông nghiệp và nghiên cứu khai thác giá trị của chuỗi kinh tế lúa gạo.

loc-troi8.jpg
loc-troi9.jpg

Trước đó, và 9/2/2022, Lộc Trời cũng đã thông báo việc thành lập 2 công ty thành viên và tiếp tục hoàn thiện hệ sinh thái nông nghiệp qua các hoạt động ký kết mua bán - tài trợ sản xuất 2 triệu tấn lúa trị giá hơn 12.000 tỷ đồng trong năm 2022 với các công ty, đại lý nông sản, các ngân hàng.

Để đảm bảo nguồn lực tài chính cho đơn hàng 2 triệu tấn lúa này, Tập đoàn Lộc Trời và các công ty thành viên đã làm việc và thuyết phục các ngân hàng, tổ chức tài chính uy tín trong và ngoài nước như TPBank, HDBank, BIDV, VPBank, Mizuho, HSBC, May Bank…

Về số vốn này, theo chia sẻ của Lộc Trời, các ngân hàng đã giải ngân những gói có thể giải ngân và giải ngân cũng đã gần hết số vốn cam kết. Tuy nhiên, thời gian gần đây do hạn mức tín dụng khiến tiến trình đã chậm lại, mặc dù nhu cầu giải ngân vẫn có.

loc-troi4.jpg
Gạo của Lộc Trời lên kệ E.Leclerc

Ngày 2/9/2022, tập đoàn Lộc Trời - qua sự kiện gạo Lộc Trời với thương hiệu Cơm ViệtNam Rice, chính thức lên kệ hàng của E.Leclerc - hệ thống siêu thị với gần 600 đại siêu thị và hơn 100 siêu thị trên khắp nước Pháp.

KHÔNG CHỈ NHẮM TỚI CÁC NGÂN HÀNG TRONG NƯỚC MÀ CẢ NƯỚC NGOÀI

Cũng theo chia sẽ từ Chủ tịch Lộc Trời, để có thể huy động nguồn vốn khổng lồ nói trên, doanh nghiệp cần nhìn xa và rộng hơn: không chỉ làm việc với các định chế tài chính trong nước mà cả của nước ngoài.

Với gói tín dụng 100 triệu USD nói trên, đây là lần đầu tiên mà Lộc Trời hợp tác trực tiếp với các ngân hàng nước ngoài. Hiện tại, Lộc Trời đã có chỗ đứng nhất định trong lòng các ngân hàng nước ngoài, nên đây sẽ là cánh cửa mở ra cơ hội tiếp xúc được nguồn vốn thế giới cho doanh nghiệp.

Nói về hợp tác lần đầu cùng KBank, ông Huỳnh Văn Thòn kể: hồi xưa tới giờ, người ta hay bảo những quốc gia sản xuất cùng sản phẩm và ở gần nhau thường là đối thủ cạnh tranh của nhau, ví dụ như Việt Nam và Thái Lan.

Cách đây chưa lâu, đoàn lãnh đạo Thái Lan gồm nhiều nghị sỹ đến Lộc Trời tha thiết đề nghị trao đổi – học hỏi lẫn nhau. Lộc Trời đã dốc lòng chia sẻ hết những gì mình biết và cả hai bên có ý thức chọn lựa đối tác sản xuất lớn - bền vững, để giảm giá thành sản xuất cũng như tăng giá trị gia tăng cho lúa gạo. Cũng như Việt Nam, vốn và kỹ thuật vẫn là 2 vấn đề lớn của ngành sản xuất lúa gạo Thái Lan.

loc-troi6.jpg
Lực lượng kỹ thuật viên nông nghiệp “3 Cùng” của Lộc Trời

Thậm chí, nếu nhìn từ khía cạnh: Việt Nam và Thái Lan đang tạo ra gần 50% sản phẩm lượng thực cho thế giới, cung cấp gần 19/40 triệu tấn; ngoài trách nhiệm, nếu chúng ta hợp tác thì sẽ có quyền thương lượng về giá gạo rất lớn. Sự hợp tác giữa Việt Nam và Thái Lan trong ngành lúa gạo sẽ là duyên lành!”, Chủ tịch Lộc Trời khẳng định.

Bên cạnh đó, 1 tỷ USD nói trên có thể được góp từ vốn vay và vốn chủ sở hữu của Lộc Trời.

Về vốn vay: với nỗ lực trong nhiều năm làm thương hiệu của Lộc trời, cộng với quyết toán kinh doanh hiệu quả và may mắn, hầu hết ngân hàng đều cho Lộc Trời vay khi họ có nhu cầu. Về vốn chủ sở hữu: Trong ĐHCĐ vừa qua, Lộc Trời đã được phép tăng vốn. Ngoài ra, Lộc Trời cũng cân nhắc phương án huy động vốn từ cộng đồng.

Còn về đơn hàng 400.000 tấn gạo mà thị trường EU đặt Lộc Trời vào 2023: tất nhiên là Lộc Trời không có sẵn mà phải đặt kế hoạch sản xuất để có lượng lúa gạo đó vào sang năm. Ví dụ: Tháng 1, Lộc Trời xuống giống, tháng 3 thì bắt đầu tổ chức cho nông dân canh tác theo tiêu chuẩn châu Âu…; và phải 7 tháng sau, thì nông dân của Lộc Trời mới có thể thu hoạch lúa.

Để đảm bảo chất lượng lúa gạo cao, thì Lộc Trời phải đứng ra tự sản xuất giống, phân bón… Chiến lược của Lộc Trời là có hỗ trợ người dân sản xuất từ đầu vào lẫn đầu ra, cũng như giám sát canh tác chặt chẽ.

Để thực hiện điều này, họ có đội ngũ nhân viên 3.600 người - bao gồm lực lượng kỹ thuật viên nông nghiệp “3 Cùng” trên 1.000 người và hàng trăm chuyên gia nghiên cứu giống cây trồng, 7 trung tâm nghiên cứu ở miền Nam và 6 nhà máy giống.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Lộc Trời tham vọng thành Tập đoàn nông nghiệp số 1 Việt Nam: Huy động 3 tỷ USD, phát triển vùng trồng 1 triệu hecta, liên kết 200.000 nông hộ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO