Loạt thương hiệu nổi tiếng thế giới phá sản trong năm 2024, có hãng bán lẻ 40 năm tuổi cũng ngậm ngùi rút lui, đóng 700 cửa hàng

Nguyễn Ngân Hà | 16:30 23/12/2024

2024 là một năm mang đến nhiều thách thức cho các công ty lớn, nhất là khi tình hình tài chính của họ ngày càng trở nên khó khăn.

Loạt thương hiệu nổi tiếng thế giới phá sản trong năm 2024, có hãng bán lẻ 40 năm tuổi cũng ngậm ngùi rút lui, đóng 700 cửa hàng

Lạm phát leo thang đã khiến người tiêu dùng có xu hướng cắt giảm các khoản chi tiêu không cần thiết, dẫn đến việc một số doanh nghiệp có nguy cơ phá sản. Bên cạnh đó, biến động thị trường hoặc các sự cố nghiêm trọng như tấn công mạng cũng là lý do khiến các công ty rơi vào tình trạng trên.

Theo báo cáo từ công ty tuyển dụng Challenger, Gray & Christmas, năm nay có ít nhất 19 công ty đã tuyên bố phá sản tại Mỹ, dẫn đến việc cắt giảm tổng cộng 14.000 việc làm.

Cũng trong năm nay, số lượng cửa hàng đóng cửa đã tăng đột biến, phản ánh sự kết thúc của cơn sốt mua sắm trong ngành bán lẻ giai đoạn 2021-2022, khi người tiêu dùng đổ xô mua đồ nội thất, TV và quần áo. Theo nghiên cứu của CoreSight, tính đến tháng 11, hơn 7.100 cửa hàng đã ngừng hoạt động, tăng 69% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, việc nộp đơn phá sản không đồng nghĩa với sự sụp đổ hoàn toàn của doanh nghiệp. Nhiều công ty lựa chọn áp dụng quy trình phá sản theo Chương 11 (Luật phá sản Hoa Kỳ) như một cách để tái cơ cấu, cắt giảm nợ, đóng cửa các cơ sở kém hiệu quả và duy trì hoạt động kinh doanh.

Dưới đây là 12 công ty nổi tiếng nộp đơn phá sản trong năm 2024: 

Big Lots

Big Lots đã nộp đơn phá sản vào tháng 9 sau khi nhận được cảnh báo về “mối nghi ngờ lớn đối với khả năng tồn tại” của công ty. Công ty chuyên các sản phẩm bán lẻ giảm giá cho biết thỏa thuận với một công ty đầu tư tư nhân đã không thành công và dự kiến sẽ đóng cửa toàn bộ 963 cửa hàng còn lại.

Bowflex

Công ty sản xuất thiết bị tập luyện tại nhà, nổi tiếng với các quảng cáo phát sóng vào ban đêm, đã nộp đơn phá sản vào tháng 3. Chỉ vài tháng sau, họ thoát khỏi bờ vực phá sản nhờ vào một thỏa thuận bán lại tài sản với giá 37,5 triệu USD cho một công ty có trụ sở tại Đài Loan.

Express

Thương hiệu thời trang nổi tiếng một thời nộp đơn phá sản vào tháng 4 sau khi gặp khó khăn trong việc thu hút khách hàng. Gần 100 cửa hàng đã bị đóng cửa trước khi công ty này kịp bán lại cho WHP Global.

Một cửa hàng thời trang nam tại Texas, Mỹ (Nguồn: CNN)

Joann

Công ty bán lẻ mặt hàng vải và đồ thủ công với 81 năm kinh nghiệm hoạt động, đã nộp đơn phá sản vào tháng 3 do nhu cầu mua sắm của khách hàng giảm sút. Sau khi bị hủy niêm yết trên Nasdaq, Joann trở thành công ty tư nhân và giữ nguyên hoạt động tại 850 cửa hàng.

LL Flooring

Trước đây được biết đến với tên Lumber Liquidators, công ty này nộp đơn phá sản vào tháng 8 do sự sụt giảm nhu cầu cải tạo nhà và tình trạng chững lại của thị trường bất động sản. Sau khi đóng cửa 94 cửa hàng, một công ty đầu tư tư nhân đã mua lại và tiếp tục duy trì hoạt động của doanh nghiệp.

Party City

Công ty bán lẻ với kinh nghiệm 40 năm trên thị trường, đã nộp đơn phá sản lần thứ hai trong vòng chưa đầy hai năm vào tháng 12. Do chi phí tăng cao và 800 triệu USD nợ tồn đọng, công ty này sẽ phải đóng cửa khoảng 700 cửa hàng vào đầu năm 2025.

Red Lobster

Chuỗi nhà hàng hải sản lớn nhất thế giới nộp đơn phá sản vào tháng 5 sau nhiều năm đầu tư không hiệu quả vào marketing và chất lượng dịch vụ. Sau khi đóng cửa hơn 100 nhà hàng, Red Lobster thoát khỏi tình trạng phá sản vào tháng 9 nhờ sự thay đổi đội ngũ quản lý.

Spirit Airlines

Hãng hàng không giá rẻ nộp đơn phá sản vào tháng 11 do thua lỗ lớn, nợ nần chồng chất, cạnh tranh gia tăng và thất bại trong việc sáp nhập. Sau khi tái cấu trúc, công ty kỳ vọng sẽ cải thiện tình hình đáng kể tài chính hiện nay.

Spirit Airlines kỳ vọng sẽ thoát khỏi tình trạng phá sản vào năm tới. (Nguồn: CNN)

Stoli

Stoli Group USA, nhà sản xuất vodka mang tên thương hiệu, đã nộp đơn phá sản vào tháng 12 do nhu cầu giảm sút. Công ty này còn gặp phải vấn đề liên quan tới một vụ tấn công mạng và tranh chấp pháp lý kéo dài.

TGI Fridays

Chuỗi nhà hàng ăn uống bình dân đã nộp đơn phá sản vào tháng 11 sau nhiều năm sụt giảm lượng khách hàng. Trong tương lai, công ty hy vọng tìm ra giải pháp chiến lược để duy trì hoạt động lâu dài.

True Value

Thương hiệu cung cấp sản phẩm phần cứng hoạt động 75 năm quyết định nộp đơn phá sản vào tháng 10, nhượng lại phần lớn cổ phần cho đối thủ cạnh tranh do khủng hoảng tài chính.

Tupperware

Sau nhiều năm gặp khó khăn về tài chính, thương hiệu hộp nhựa nổi tiếng nộp đơn phá sản vào tháng 9. Đến tháng 11, thương hiệu này được một công ty đầu tư tư nhân mua lại với mong muốn duy trì và phát triển doanh nghiệp.

Tupperware - doanh nghiệp đối mặt với nguy cơ phá sản trong năm nay. (Nguồn: CNN)

Theo: CNN


(0) Bình luận
Loạt thương hiệu nổi tiếng thế giới phá sản trong năm 2024, có hãng bán lẻ 40 năm tuổi cũng ngậm ngùi rút lui, đóng 700 cửa hàng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO