Ngày 9/4/2025, nhiều lãnh đạo CTCP Gemadept (mã chứng khoán GMD) đã mua vào lượng lớn cổ phiếu. Cụ thể, Phó Tổng Giám đốc Đỗ Công Khanh đăng ký mua vào 1 triệu cổ phiếu, qua đó nâng tỷ lệ sở hữu lên 0,36% vốn điều lệ. Thời gian giao dịch dự kiến từ 15/4-14/5/2025.
Ông Vũ Ninh - Thành viên HĐQT - cũng đăng ký mua vào 1 triệu cổ phiếu, nâng tỷ lệ sở hữu lên 0,51% vốn.
Phó Tổng Giám đốc Phạm Quốc Long cũng đăng ký mua vào 500.000 cổ phiếu, thời gian giao dịch dự kiến 15/4-14/5/2025.
Tạm tính mức giá 45.150 đồng trong phiên sáng ngày 10/4, số cổ phiếu này có giá trị 113 tỷ đồng.
Việc mua vào của lãnh đạo diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu giảm sâu do ảnh hưởng chung bởi đợt bán tháo trước thông tin thuế quan từ Mỹ.
Gemadept là một trong những công ty vận hành cảng container và cung cấp chuỗi dịch vụ logistics lớn, nổi bật nhất là Gemalink - cảng nước sâu lớn nhất Việt Nam, một trong 19 cảng trên thế giới có khả năng đón được các siêu tàu lớn nhất hiện nay. Trong cơ cấu doanh thu, hoạt động khai thác cảng đóng góp khoảng 70-80%, còn lại đến từ mảng logistics..
Liên quan đến ảnh hưởng từ thuế đối ứng 46%, Gemadept nhận định ban đầu rằng việc tăng thuế có thể dẫn đến các doanh nghiệp Mỹ tìm kiếm nguồn cung thay thế, gây gián đoạn chuỗi cung ứng hiện tại của doanh nghiệp Việt Nam. Do đó, tác động nhất định đến hoạt động của Công ty.
Cụ thể:
+ Đối với cụm cảng Nam Đình Vũ, hàng hóa đi Mỹ chỉ chiếm dưới 10% trong tổng sản lượng. Cụm cảng này chủ yếu xuất hàng hóa phục vụ các thị trường Nội Á.
Công ty nhận thấy tiềm năng tăng trưởng của giao thương Nội Á, đang được thúc đẩy hơn nữa do các quốc gia sẽ tìm kiếm thị trường thay thế và xây dựng chuỗi cung ứng vững chắc hơn. Theo đó, Gemadept có kế hoạch nâng tổng công suất toàn cụm lên 2 triệu TEU vào cuối năm nay, từ mức 1,3 triệu hiện tại.
+ Đối với cảng nước sâu Gemalink, lượng hàng hóa đi Mỹ chiếm khoảng 32% trong năm 2024 và quý I/2025. Kể từ tháng 4, công ty thu hút thêm 4 tuyến dịch vụ mới đi châu Phi, châu Âu, Canada và Brazil nên giảm tỷ trọng hàng đi Mỹ về khoảng 20%.
Trái ngược với luồng xuất khẩu, luồng hàng nhập khẩu từ Mỹ có thể không bị ảnh hưởng, thậm chí có tiềm năng tăng trưởng nhờ các chính sách chủ động giảm thuế của Việt Nam và tăng cường mua các mặt hàng chiến lược từ Mỹ.
Việt Nam cũng có nhu cầu cao về thiết bị năng lượng tái tạo, công nghệ bán dẫn, dược phẩm, máy móc công nghệ cao, nguyên liệu... Điều này tạo cho Gemadept cơ hội tăng sản lượng từ hàng nhập của Mỹ, tạo đà triển khai Gemalink giai đoạn 2 thời gian tới.
Luỹ kế cả năm 2024, Gemadept ghi nhận doanh thu thuần 4.832 tỷ đồng, tăng 25%, trong đó mảng khai thác cảng đóng góp hơn 4.200 tỷ đồng, chiếm 86% tổng doanh thu.
Dù vậy, lợi nhuận trước thuế đạt 2.079 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 1.905 tỷ đồng, giảm 24% so với năm trước do mức lợi nhuận đột biến trong quý 2/2023 nhờ thoái vốn khỏi cảng Nam Hải Đình Vũ.