Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố áp dụng mức thuế đối ứng 46% lên hàng hóa Việt Nam từ ngày 9/4 là vấn đề nóng được quan tâm nhiều ngày qua. Các doanh nghiệp (DN) đang trong quá trình chờ đợi kết quả từ cuộc đàm phán của 2 Chính phủ.
Trong bối cảnh thị trường chứng khoán lao dốc, cổ phiếu bất kể lớn nhỏ giảm sàn liên tục kể từ ngày Mỹ công bố áp thuế, các lãnh đạo đã lên tiếng trấn an đối tác, nhà đầu tư, cổ đông.
Masan, CII, HAGL, BAF, Gemadept, Navico… lên tiếng
CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật Tp.HCM (mã chứng khoán CII) cho biết:
Thứ nhất, hơn 95% tổng tỷ trọng đầu tư hiện tại của CII tập trung vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng trong nước, bao gồm các dự án giao thông và bất động sản khu đô thị.
Vì vậy, chính sách thuế xuất nhập khẩu - vốn ảnh hướng chủ yếu đến các ngành có liên quan đến hoạt động thương mại quốc tế - không tạo ra tác động trực tiếp đến hoạt động kinh doanh cốt lõi của công ty.
Thứ hai, hiện tại và tương lai, CII không có các khoản vay bằng đồng USD. Do các rủi ro liên quan đến tỷ giá hay chi phí tài chính bằng USD không ảnh hưởng đến Công ty ở hiện tại cũng như trong tương lai gần.
Thứ ba, hoạt động của CII tiếp tục được hỗ trợ tích cực bởi định hướng phát triển hạ tầng đồng bộ và đẩy mạnh đầu tư công từ phía Chính phủ.
Bản tin của Công ty cổ phần Gemadept (mã chứng khoán GMD) nhận định ban đầu rằng việc tăng thuế có thể dẫn đến các doanh nghiệp Mỹ tìm kiếm nguồn cung thay thế, gây gián đoạn chuỗi cung ứng hiện tại của doanh nghiệp Việt Nam. Do đó, tác động nhất định đến hoạt động của công ty.
Đối với cụm cảng Nam Đình Vũ, hàng hóa đi Mỹ chỉ chiếm dưới 10% trong tổng sản lượng. Cụm cảng này chủ yếu xuất hàng hóa phục vụ các thị trường Nội Á.

Công ty nhận thấy tiềm năng tăng trưởng của giao thương Nội Á, đang được thúc đẩy hơn nữa do các quốc gia sẽ tìm kiếm thị trường thay thế và xây dựng chuỗi cung ứng vững chắc hơn. Theo đó, Gemadept có kế hoạch nâng tổng công suất toàn cụm lên 2 triệu TEU vào cuối năm nay, từ mức 1,3 triệu hiện tại.
Đối với cảng nước sâu Gemalink, lượng hàng hóa đi Mỹ chiếm khoảng 32% trong năm 2024 và quý I/2025. Kể từ tháng 4, công ty thu hút thêm 4 tuyến dịch vụ mới đi châu Phi, châu Âu, Canada và Brazil nên giảm tỷ trọng hàng đi Mỹ về khoảng 20%.
Trái ngược với luồng xuất khẩu, luồng hàng nhập khẩu từ Mỹ có thể không bị ảnh hưởng, thậm chí có tiềm năng tăng trưởng nhờ các chính sách chủ động giảm thuế của Việt Nam và tăng cường mua các mặt hàng chiến lược từ Mỹ.
Việt Nam cũng có nhu cầu cao về thiết bị năng lượng tái tạo, công nghệ bán dẫn, dược phẩm, máy móc công nghệ cao, nguyên liệu... Điều này tạo cho Gemadept cơ hội tăng sản lượng từ hàng nhập của Mỹ, tạo đà triển khai Gemalink giai đoạn 2 thời gian tới.
Ngày 8/4, đại diện Tập đoàn Masan (mã chứng khoán MSN) cho biết mức thuế quan được đề xuất của Mỹ sẽ có tác động rất hạn chế đến hoạt động kinh doanh và triển vọng của Tập đoàn.
Ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch HĐQT Masan Group
Thị trường Mỹ đóng góp chưa đến 1% vào doanh thu của Masan Consumer (mã chứng khoán MCH). Các sản phẩm chủ lực của Masan High-Tech Materials hiện được miễn trừ khỏi các biện pháp thuế quan đã công bố.
Thêm nữa, giá các mặt hàng thiết yếu tại WinCommerce vẫn duy trì tính cạnh tranh so với tất cả kênh khác trên thị trường. Và Việt Nam đã đề nghị mức thuế 0% đối với Mỹ. Điều này giúp giảm chi phí nguyên vật liệu cho ngành thực phẩm tiện lợi và thịt, cũng như giúp giảm chi phí sản xuất của DN.
Masan tập trung chủ yếu vào thị trường nội địa, nên Công ty ít bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các chính sách thuế quan mới của Mỹ. Tuy nhiên, đại diện Masan cho biết vẫn không chủ quan, tích cực theo dõi tình hình triển khai các mức thuế và ảnh hưởng tiềm tàng đến thị trường tiêu dùng tại Việt Nam.
Đồng thời, chuẩn bị các chiến lược kinh doanh, triển khai chiến lược giá linh hoạt, bám sát tình hình thực tế và cấu trúc danh mục sản phẩm phù hợp để giảm thiều bất kỳ tác động nào đến tâm lý tiêu dùng.
Ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch HĐQT CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, mã chứng khoán HAG) cũng vừa có thư gửi tới cổ đông công ty. Trong thư, ông Đoàn Nguyên Đức đã có những chia sẻ liên quan tới việc Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ áp thuế đối ứng cao đối với hàng hóa của một số quốc gia (trong đó có Việt Nam).
Người đứng đầu HAGL khẳng định chính sách thuế được Tổng thống Donald Trump đề cập không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và xuất khẩu chính của Công ty. Cụ thể, mặt hàng Chuối của công ty chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản và hoàn toàn không xuất khẩu hàng hóa qua thị trường Mỹ.
Bầu Đức cho biết vẫn đang tiếp tục theo dõi sát sao các diễn biến chính sách quốc tế và sẽ chủ động điều chỉnh chiến lược kinh doanh khi cần thiết để bảo vệ lợi ích chung của công ty cũng như cổ đông.

Đại diện cho ngành chăn nuôi, CTCP Nông nghiệp BAF Việt Nam (mã chứng khoán BAF) đã thông tin ngô và đậu tương hiện chiếm 65% chi phí sản suất thức ăn chăn nuôi của BAF, và nguồn nhập khẩu chính vẫn đến từ Mỹ. Đồng thời, thức ăn chăn nuôi có tỷ trọng tới 60% trong giá vốn chăn nuôi heo. Theo đó, việc giảm thuế nhập khẩu ngô và khô dầu đậu tương còn 0% đồng nghĩa với giá giảm, qua đó góp phần giảm đáng kể chi phí sản xuất cho Công ty.
DN gỗ chuyển hướng quay về thị trường nội địa
Gỗ là một trong ngành xuất khẩu "tỷ đô" của Việt Nam sang thị trường Mỹ. Hiệp hội Gỗ cho biết thời gian tới, một trong các giải pháp của doanh nghiệp là tập trung vào thị trường nội địa. Hiện, một số bên đang chuyển hướng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho thị trường trong nước, nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào xuất khẩu.
Song song, các công ty đang tìm kiếm thị trường mới ở các khu vực khác ngoài Mỹ, như Châu Âu, Nhật Bản, Úc, Trung Đông, Canada.
Về sản xuất, để bảo toàn dòng tiền, DN cho biết chủ động cắt giảm chi phí và cải thiện hiệu quả sản xuất, tìm kiếm nguồn nguyên liệu rẻ hơn.
DN cũng đề xuất Chính phủ xúc tiến thương mại và đa dạng hóa thị trường, từ đó DN có thể tìm kiếm thị trường thay thế như Trung Đông, Châu Phi, Ấn Độ, Châu Âu, và các khu vực khác bằng việc tham gia các hội chợ, triển lãm quốc tế để quảng bá sản phẩm và kết nối với khách hàng mới.
DN dệt may đã có sự chuẩn bị
Ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam (Vitas) – cho biết Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp, bởi chúng ta đang phát triển kinh tế trên toàn cầu và đa dạng hoá đối tác, khách hàng.
Theo ông Giang, có 3 vấn đề cần suy nghĩ:
Thứ nhất: Quan hệ các nước lớn như Mỹ, Trung Quốc… sẽ ảnh hưởng lên nguồn cung thiếu hụt của Việt Nam. Trong đó, đặc biệt chú ý nguồn cung của chúng ta đang phụ thuộc vào Trung Quốc;
Thứ hai: Đây là bài học để chúng ta nhanh chóng tìm ra nút thắt giải quyết về vấn đề đa dạng hoá thị trường, không phụ thuộc vào một thị trường lớn nào;
Cuối cùng: Theo dõi động thái của ông Trump cũng biết được quan điểm và cách thức mà ông ấy đặt ra cho các nước, từ đó đánh giá lại các thị trường và tìm cách tránh được “bẫy thuế quan”.
Về thị trường, 2 tháng đầu năm 2025, toàn ngành dệt may xuất khẩu được hơn trên 5,63 tỷ USD, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Ông Giang dự kiến, tháng 3 chúng ta sẽ đạt thêm 4 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu nữa. “Tôi mong chờ vào quý 3-4 vì đây là vụ mùa đông xuân và chuẩn bị cho dịp cuối năm. Năm 2025, toàn ngành chắc chắn sẽ đạt được mục tiêu”, vị này nói.
Dù đối mặt với thách thức từ thị trường Mỹ, song ngành dệt may năm nay vẫn có nhiều triển vọng, cụ thể:
+ 54 hộ kinh doanh dệt may lớn của Việt Nam đang đứng trước cơ hội từ việc thúc đẩy các hiệp hội tự do. Đặc biệt, Bộ Công Thương mới đây đã có thông báo dự kiến ký kết thêm một vài hiệp định để nâng tổng cộng lên 22 hiệp định tự do thương mại mới cho năm 2025;
+ Ngành dệt may đang thúc đẩy khả năng phát triển thông qua việc áp dụng công nghệ, ứng dụng AI… từ đó tạo ra những động lực mới.
VASEP kiến nghị DN thuỷ sản cân nhắc việc xuất khẩu sang Mỹ, nhóm Logistics đã có tổ phản ứng nhanh
Về phía doanh nghiệp thuỷ sản, công văn mới nhất của VASEP nêu rõ với kim ngạch xuất khẩu thủy sản hàng năm khoảng 2 tỷ USD sang Hoa Kỳ, chiếm 1/5 giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, thị trường này đang không chỉ giữ thị phần số 1 mà còn có tính định hướng cao đối với ngành thủy sản Việt Nam.
Trong quá trình chờ đợi đàm phán, VASEP khuyến nghị các DN thuỷ sản hội viên trong thời gian này cân nhắc kỹ thời gian và kế hoạch xuất hàng sang Hoa Kỳ để tránh bị áp mức thuế không mong muốn. Cụ thể, không nên xuất hàng từ ngày 5/4/2025 để tránh bị áp thuế bổ sung 10%; không xuất nên hàng từ ngày 9/4/2025 để tránh mức thuế đối ứng 46%.
Ở diễn biến khác, nhiều DN lớn cho biết đã sớm đa dạng được thị trường. Đơn cử, Thuỷ sản Nam Việt cho biết Mỹ không còn là thị trường chính mà đang xuất khẩu mạnh qua Trung Quốc, Trung Đông, Brazil….
Hay Hiệp hội logistics (VLA) ngay ngày 3/4, sau khi Thủ tướng đã yêu cầu lập tổ công tác phản ứng nhanh nhằm tiếp nhận ý kiến DN, đặc biệt từ các DN xuất khẩu lớn thì Hiệp hội đã quyết định thành lập Tổ phản ứng nhanh về thuế đối ứng (VLA-TRT). Thành phần của Tổ phản ứng nhanh gồm Ban lãnh đạo hiệp hội, các Ban chuyên môn và các DN chủ lực để xử lý tình huống đặc biệt này. Thông qua Tổ phản ứng nhanh, VLA đề xuất Thủ tướng tổ chức đánh giá nhanh và công bố danh mục ngành có nguy cơ cao.
CTCK đánh giá mức độ ảnh hưởng
Báo cáo phân tích đầu tháng 4 của Dragon Capitalcho thấy, 20 doanh nghiệp niêm yết chịu ảnh hưởng từ mức thuế đối ứng, có tổng vốn hóa tính đến cuối năm 2024 đạt gần 12 tỷ USD, đạt doanh thu năm 2024 ước tính trên 323.5 ngàn tỷ đồng. Trong đó, giá trị xuất khẩu sang Mỹ hơn 45 ngàn tỷ đồng, chiếm 14% tổng doanh thu. Các doanh nghiệp này chiếm khoảng 5.5% vốn hóa và 2% doanh thu của toàn bộ VN-Index. Trong đó, ngành dệt may, cao su săm lốp, đồ gỗ, tiêu dùng, thực phẩm… chịu tác động nặng nề vì có tỷ trọng hàng xuất khẩu sang Mỹ/tổng doanh thu cao.
Báo cáo nhanh của VCBS công bố ngày 08/04 cũng đánh giá tác động của thuế quan đến 100 doanh nghiệp trong 17 ngành. Theo đó, ngành may mặc như TCM có thị trường xuất khẩu đa dạng, hơn 70% đến từ châu Á, tỷ trọng xuất khẩu giảm dần sang Mỹ những năm gần đây được đánh giá chịu tác động rất tiêu cực. TNG cũng chịu cảnh tương tự khi tỷ trọng doanh thu xuất khẩu sang Mỹ cao.