Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong năm 2022, nhiều loại lá của Việt Nam như lá tre, lá sắn, lá chuối… tiếp tục được xuất khẩu ra nước ngoài, thu về trên 8 triệu USD. Trong đó, lá tre có giá trị xuất khẩu cao nhất với 2 triệu USD.
Bước sang đầu năm 2023, sức nóng của lá tre chưa dừng lại. Trong tháng 2/2023, xuất khẩu lá tre tăng đột biến 1.150%. Tính chung 2 tháng đầu năm, xuất khẩu loại lá này tăng 302,4% so với cùng kỳ năm trước đó.
Các thương nhân ngành rau quả cho biết, các loại lá tre, lá sắn, lá chuối... được xuất khẩu chủ yếu sang các thị trường Đông Á, nơi nhiều người dân vẫn thích dùng lá để gói các loại bánh truyền thống và trang trí các món ăn. Các sản phẩm lá xuất khẩu phải đạt tiêu chuẩn an toàn, quy chuẩn về kích cỡ, chủ yếu được xuất khẩu dưới dạng tươi, hoặc cấp đông sau khi được đóng gói và hút chân không.
Tại Việt Nam có tới 6,5 tỷ cây tre, hàng năm khai thác 500 đến 600 triệu cây, với khoảng 2,5 đến 3 triệu tấn. Lá tre nhiều năm nay được tận dụng để xuất khẩu dùng gói bánh, giúp bánh được bảo quản tốt hơn, lâu thiu. Ở các tỉnh miền núi, nghề nhặt lá tre cũng đem lại thu nhập cao cho người dân. Các thương nhân thu mua lá tre với giá từ 7.000 – 12.000 đồng/kg lá tre và phải đảm bảo tiêu chí lá to, không bị rách và phải là lá tre bát độ, màu xanh đẹp.
Để đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu, việc thu mua lá tre mất nhiều công nhất là kiểm tra và khâu vận chuyển.
Tại các trang thương mại điện tử tại nước ngoài, lá tre được bán với nhiều mức giá nhưng hầu hết cao hơn rất nhiều lần so với tại Việt Nam.
Từ lâu người ta đã sử dụng tre phục vụ trong sinh hoạt như thân tre làm nhà, làm thủ công mĩ nghệ, măng tre để ăn. Không những thế lá tre, nước cây tre còn là vị thuốc quý được nhân dân ta ứng dụng chữa nhiều chứng bệnh khác nhau. Lá tre có vị đắng, tính mát, có tác dụng giải nhiệt, hạ sốt, giảm nôn, thanh âm, tiêu đờm, cầm huyết, dùng trong chữa trị cảm sốt, cảm nắng, cảm ho, sốt cao, phiền nhiệt viêm nhiễm đường hô hấp.