Giá ca cao biến động "thổi giá" sô cô la
Một chuyên gia kỳ cựu trong ngành hàng hóa cho biết, giá ca cao hiện đang tăng lên mức cao nhất kể từ những năm 1970. Tuy nhiên số lượng người yêu thích sô cô la ngày càng tăng ở châu Á bởi họ thích thú loại thực phẩm ngọt ngào này.
Với hơn một nửa dân số thế giới, châu Á chiếm khoảng 1/4 lượng tiêu thụ ca cao khiến nơi đây trở thành thị trường tăng trưởng hấp dẫn cho các nhà sản xuất sô cô la. Ba năm hạn chế do đại dịch đã giáng một đòn nặng nề vào ngành hàng và sau đó, giá ca cao lại tăng vọt do những trận mưa lớn ở Tây Phi.
Elie Fouché, Chủ tịch Hiệp hội Ca cao Châu Á, người đã làm việc trong ngành khoảng 17 năm, cho biết: “Nhu cầu đối với các sản phẩm ca cao và sô cô la vẫn ổn định mặc dù chúng tôi đã quan sát thấy giá tăng trong vài tháng qua.”
Fouché cho biết thế hệ trẻ ở châu Á thích thưởng thức. Điều này, cùng với mức tiêu thụ sô cô la bình quân đầu người thấp so với các nước ở châu Âu, sẽ giúp khu vực này trở thành động lực tăng trưởng ngay cả trong thời điểm giá tăng cao. Ấn Độ, Trung Quốc và Đông Nam Á đặc biệt có tiềm năng lớn.
Theo công ty tư vấn Coherent Market Insights, thị trường sô cô la Châu Á Thái Bình Dương dự kiến sẽ đạt doanh thu gần 37 tỷ USD vào cuối năm 2030, tăng trưởng với tốc độ hàng năm là 7% từ nay đến cuối thập kỷ này. Con số này gần gấp đôi tỷ lệ được thấy trên thị trường toàn cầu nói chung.
Hợp đồng ca cao kỳ hạn được giao dịch ở New York đạt mức cao nhất trong 46 năm vào cuối tháng trước do thời tiết xấu và dịch bệnh làm ảnh hưởng đến sản xuất và thu hoạch bị trì hoãn ở Tây Phi - khu vực trồng ca cao lớn nhất thế giới. Điều đó đã thúc đẩy các công ty như Mondelez International - nhà sản xuất bánh quy Oreo và Toblerone, cũng như Nestle tăng giá sản phẩm vào năm tới.
Thị trường sô cô la 2024
Rabobank cho biết trong một báo cáo tháng này rằng giá tăng cao có thể sẽ được duy trì đến năm 2024 khi thị trường đứng trước tình trạng thiếu hụt nguồn cung lần thứ ba liên tiếp.
Tin vui cho các hãng sản xuất sô cô la là có thêm những sản phẩm bổ sung để thu hút người tiêu dùng. Fouché cho biết những người sành ăn trẻ tuổi bị thu hút bởi sô cô la tốt cho sức khỏe hơn, bao gồm các sản phẩm có hàm lượng ca cao và flavanol cao hơn, cũng như những loại thực phẩm chức năng như sô cô la giàu protein. Flavanol được biết đến với đặc tính chống oxy hóa.
“Đây là những xu hướng có thể xuất hiện đầu tiên ở thế giới phương Tây hoặc thế giới phát triển. Bây giờ họ cũng đang tìm đường đến Châu Á Thái Bình Dương.”
Theo số liệu của Hiệp hội ca cao thế giới, sản lượng của ca cao hiện nay trên toàn thế giới đạt hơn 4 triệu tấn một năm, riêng châu Phi (chủ yếu là Bờ Biển Ngà và Ghana) cung cấp hơn 70% trong tổng sản lượng đó nhưng hạt ca cao từ châu Phi lại chủ yếu là giống Forastero, loại hạt có ít mùi vị nhất trong gia đình ca cao.
Còn tại Việt Nam, nước ta sản xuất khoảng 4.500 tấn ca cao/năm, chỉ chiếm khoảng 0,1% sản lượng của thế giới. Giống ca cao được trồng ở Việt Nam là giống lai Trinitario là giống có chất lượng cao nằm trong top 10% loại hạt “hương vị” trên toàn thế giới. Mặc dù hiện tại Việt Nam chỉ chiếm 0,1% sản lượng ca cao trên toàn thế giới nhưng hạt ca cao của Việt Nam lại được thế giới đánh giá cao bởi hương vị độc đáo, nó rất khác biệt với hạt ca cao được trồng ở châu Phi.
Cây cacao được trồng chủ yếu ở các tỉnh: Đồng Nai, Bình Thuận, Bến Tre, Tiền Giang, Bình Phước, Bà Rịa Vũng Tàu, Lâm Đồng , Buôn Mê Thuột, Đắk Lắk… Ở mỗi vùng đất khác nhau do đặc điểm thổ nhưỡng ( đất đai, nguồn nước, khí hậu…) và cách chế biến quả ca cao sau thu hoạch của người nông dân khác nhau nên hạt cacao của mỗi vùng mang 1 hương vị độc đáo khác nhau. Hạt ca cao tốt chính là khởi đầu để tạo ra một thanh sô cô la thơm ngon.
Theo Bloomberg